Công luật: Bứng khổ nạn cha mẹ bạo hành với con
“Thương cho roi cho vọt”, chỉ là loại não trạng trá hình núp dưới loại giáo dục bằng bạo lực là một khổ nạn cho con cái, trong một gia đình mà cha mẹ cho phép “roi vọt” các con của họ, thì chắc chắn gia đình này không sao có được hạnh phúc trọn vẹn. Tại các quốc gia có văn minh giáo dục của nhân quyền, có văn hiến giáo lý của nhân phẩm, thì chuyện bạo hành gia đình mà nạn nhân là con cái không tự bảo vệ được mình thì bị xem như một man tính trong hành xử, một súc tính của hành vi phản giáo dục. Một chính quyền mà nhắm mắt để cha mẹ bạo hành với con cái, một chính phủ mà quay lưng để cha mẹ đánh đập với con cái, thì chắc chắn chính quyền này bất chính, chính phủ này bất lương. Một xã hội mà cúi đầu trước bạo hành gia đình, một xã hội dân sự mà khom lưng để cha mẹ hành hung con cái, từ tầm thường hóa bạo hành gia đình tới bình thường hóa bạo lực của cha mẹ, thì chắc chắn loại xã hội này chóng chày sẽ là nạn nhân của hệ bạo (bạo quyền, bạo lực, bạo động, bạo hành). Từ sinh hoạt gia đình tới sinh hoạt xã hội được quản trị bằng bạo lực, từ quan hệ gia đình tới quan hệ xã hội được quản lý bằng bạo quyền, từ đời sống gia đình tới đời sống xã hội được quản thúc bằng bạo hành, thì loại gia đình, thì loại xã hội này không bao giờ mong cầu được thực tế của trong ấm ngoài êm. Nên loại gia đình, loại xã hội này sẽ thật sự không sao có được phát triển đất nước-tiến bộ xã hội-văn minh dân tộc. Và chúng ta có thể kết luận một cách chắc bẩm là loại gia đình, loại xã hội này sẽ không bao giờ thật sự hưởng được các giá trị của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái), và các giá trị của dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền). Nơi mà đa nguyên phải được hiểu cho thông trong hệ vi mô của gia đình, là nơi mà cha mẹ tôn trọng trong quý yêu con cái, để loại, khử, trừ, xóa hệ bạo (bạo quyền, bạo lực, bạo động, bạo hành), để vun xới từ giáo dục tới giáo dưỡng con cái qua hệ đa (đa tài, đa tri, đa trí, đa năng, đa hiệu) bằng bất bạo động. Nếu các hội đoàn phụ huynh, hội phụ nữ, hội bảo vệ trẻ em không quyết liệt từ đạo lý tới pháp lý để bảo vệ các thiếu nhi, thiếu niên đang là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nơi mà cha mẹ áp đặt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, rồi tự cho mình quyền sinh sát từ thân thể tới tinh thần, từ trí lực tới tâm lực các nạn nhân, thì các hội đoàn này phải nhìn lại đạo lý giáo dục, đạo đức xã hội, luân lý cộng đồng của mình, để thấy cho thấu là sự bất lực của mình chính là sự thảm bại của chính lương tâm.
Công tâm: Xóa nạn kiếp “đánh ghen”
Có những nạn kiếp trong nhân sinh mà chính quyền và xã hội, cùng gia đình và cộng đồng phải liên tục phối hợp như một liên minh của xã hội dân sự không một lực lượng nào có thể phá vỡ được, để cùng nhau xóa cho bằng được nạn kiếp “đánh ghen”. Nơi mà phụ nữ là nạn nhân của phụ nữ, nơi mà phụ nữ truy diệt phụ nữ trong một tổ chức xã hội trọng nam khinh nữ, trong một quan hệ xã hội mà phụ nữ không cùng nhau hiệp lực để dẹp, xóa, khử, trừ nạn “đa thê”, “đa thiếp” của nam giới. Hãy bắt đầu bằng nhận thức của chính nữ giới trong sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội, đời sống xã hội, nơi mà phụ nữ không bao giờ giải phóng được phụ nữ để tiến tới nam nữ bình quyền. Khi người vợ chính thức tự cho quyền mình hành hung, tự cho quyền mình dùng bạo hành để sỉ nhục tình nhân của chồng mình, trong khi quên hẳn xem-xét-xử chính người chồng đã phạm lỗi từ pháp lý tới đạo lý. Khi người phụ nữ nhận ra phân tích này của xã hội học và luật học, thì phân tích tiếp theo của triết học luân lý và giáo dục học là không ai có quyền hành hung ai, không ai có quyền bạo hành ai, không ai có quyền sỉ nhục ai, đây là định nghĩa, của nhân quyền. Khi kẻ rơi vào hệ bạo (bạo lực, bạo quyền, bạo hành, bạo ngôn) dù nữ hay nam khi đã chọn lựa “đánh ghen” thì sẽ không giải quyết được gì từ pháp lý tới luân lý, tự gia đình tới tình cảm vợ chồng, mà hệ bạo chỉ nói lên quá trình vô giáo dục của kẻ chủ mưu qua hệ bạo. Kẻ chủ mưu“đánh ghen” đã chủ bại ngay trong hành vi “đánh (vì) ghen”, vì dùng “đánh” của hệ bạo, là đã mất trắng trong thảm bại, ít nhất ba hệ, qua đó mỗi người nhận được sự tôn trọng của tha nhân: hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức), hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri), hệ liêm (liêm minh, liêm chính, liêm sỉ). Qua sự thảm bại trong hệ ba này mà phân tâm học, tâm lý học, tâm thần học, đã xác thực là kẻ chủ mưu “đánh ghen” đã rơi vào cái bẫy vô hình là ghen. Mà ghen không phải là tình yêu mà chỉ là sự căm giận không kiềm chế được của vị kỷ, không hề là tình thương mà chỉ là sự tức tối không kiểm soát được của tư lợi. Kẻ ghen đã vô tình chứng minh một cách hồ đồ là họ bất lực trước hệ tình (tình yêu, tình cảm, tình thương). Khi “đánh (vì) ghen”, thì kẻ này đã rơi vào vực sâu từ pháp lý tới đạo lý, từ tình yêu (vợ chồng) tới tình thương (tha nhân, đồng loại). Một xã hội mà cúi đầu rồi nhắm mắt để “bình thường hóa” chuyện đánh ghen ngoài đường phố, là một xã hội chưa có văn minh.
Xóa nội bạo
Một ẩn số giờ đã là hằng số trong xã hội Việt hiện nay là sự hiện diện của bạo động xã hội có mặt thường xuyên trong sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội, đời sống xã hội; mà bạo động xã hội này có gốc, rễ, cội, nguồn từ đường lối tới chính sách của ĐSCVN. Đây là một thảm họa cho Việt tộc, với một đảng cổ súy bạo lực cách mạng từ ngày lập đảng 1930, và sử dụng bạo lực để cướp chính quyền 1945, rồi cổ vũ cho nội chiến Nam-Bắc với huynh đệ tương tàn 1954-1975. Nơi mà đồng bào qua tuyên truyền phải xem như kẻ thù, với bạo ngữ “ngụy quân”, “ngụy quyền”. Quá trình vận dụng bạo lực không bao giờ ngưng nghỉ với các lãnh đạo của ĐCSVN từ thế kỷ XX tới thế kỷ XXI này, qua bạo quyền công an trị, xem nhân dân như những “lực lượng thù địch”. Bạo quyền bè nhóm ngay trong nội bộ đảng với bạo lực thanh trừng trị, nơi mà giữa các đồng chí, vậy mà hôm trước hôm sau, đã trở thành những “kẻ thù không đội trời chung”, để truy diệt nhau bằng ám sát, thủ tiêu. Quá trình tận dụng bạo lực không những không bao giờ ngưng nghĩ mà còn được khai thác trên bình diện vĩ mô trên nhiều thành phần xã hội, từ chính sách bạo hành của trại cải tạo, với bạo lực độc ác hơn loài lòng lang dạ sói. Cho tới chính sách hành hung với các tên gọi: Đánh tư sản, rồi đến bạo chế qua chính sách kinh tế mới. Hậu quả là các nạn nhân của bạo lực xã hội này đã làm cho bao triệu đồng bào, muốn sống sót hoặc muốn giữ nhân phẩm, thì phải bỏ nước ra đi. Những cuộc “bỏ chạy trước bạo lực” của đảng cầm quyền cũng không ngưng nghỉ từ 1975 với cao trào thuyền nhân, cho tới nay qua “tị nạn bằng du học”, “tránh nạn bằng xuất khẩu lao động”. Hằng số bạo động xã hội, được chủ xướng rồi khơi mào, phổ cập rồi phổ biến trong mọi thành phần xã hội, đồng bào với nhau nhưng sẵn sàng giết nhau chỉ vì một tai nạn giao thông, hoặc một bất đồng ý kiến nhỏ nhặt… Ngay trong học đường hệ bạo (bạo quyền, bạo lực, bạo hành, bạo ngôn…) đã thường xuyên có mặt với thú tính, với dã tâm ngay của những cá nhân còn vị thành niên, chưa trưởng thành. Với thiếu niên, với nhẫn tâm hành hung, có khi truy sát bạn bè; có luôn cả thiếu nữ tàn nhẫn với đồng loại, bằng các nhục hình man tính tệ hơn loài cầm thú. Nhưng với một xã hội mới ra đời, nơi mà các giá trị của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) song hành cùng các giá trị của dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền), thì Việt tộc sẽ nhận lại các giáo lý của tổ tiên Việt: máu chảy tới đâu, ruột đau tới đấy… thương người như thể thương thân…
Không chấp nhận man luật
Khi hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật) được biến thành phương trình lý luận của luật học, thì công bằng trứơc luật pháp là nền của mọi bộ luật. Nơi mà công lý vận dụng từ lý luận tới lập luận, từ giải luận tới diễn luận có công tâm -vừa có tình, vừa có lý- để thuyết phục công pháp, đã được luật hóa bằng công luật. Trong một chế độ độc đảng toàn trị, có liên minh -thất luật bất pháp- giữa bạo quyền công an trị, quỷ quyền tuyên truyền trị, ma quyền ngu dân trị, tà quyền tham nhũng trị, thì luật pháp đã thành man luật, một loại luật rừng có man tính mạnh được yếu thua, có dả tính cá lớn nuốt cá bé, có thú tính của ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi. Tại đây, tính nghiêm túc của luật pháp làm nên tính nghiêm minh của công luật không có, vì ngay trên Hiến Pháp là một thực thể luật vừa toàn diện nhất, vừa cao quý nhất của một dân tộc, thì nó đã bị một ông Tổng Bí thư hiện nay xem như “ở dưới” và “ở thấp” hơn điều lệ của ĐCSVN của ông ấy. Đây là man luật với chân dung xã hội và lý lịch chính trị của ĐCSVN đã dùng man cách của Mã Giám Sinh: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” ngay trên Hiến Pháp. Và lịch sử của ĐCSVN là một quá trình lách luật không được thì xóa luật, tránh luật không được thì xé luật. Man luật hiện nay của ĐCSVN vừa ép, vừa siết trên toàn bộ hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật) như đã và đang ép nhân quyền, như đã và đang siết nhân phẩm. Vì đối với những quốc gia được bảo vệ bởi các giá trị cộng hoà (tự do, công bằng, bác ái) được bảo đảm bởi các giá trị dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền) thì luật pháp có mặt để bảo vệ hệ nhân (nhân lý, nhân tính, nhân tri, nhân trí, nhân đạo, nhân tâm, nhân từ, nhân bản, nhân vị); tất cả hệ nhân này đã bị ĐCSVN ngồi tót, ngồi xổm lên từ khi ĐCSVN cướp được chính quyền rồi độc quyền cho tới nay. Nếu có một cuộc đổi đời, với thực thể luật pháp của cộng hoà (tự do, công bằng, bác ái) và dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền), thì phải vất ngay các man luật hiện nay, mà các chuyên gia luật học xem như là quái thai của hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật). Mà cụ thể là bộ man luật hình sự hiện nay cho phép bạo quyền công an trị được bắt bớ bất cứ lúc nào với các man cớ sau đây: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay không hề là một quốc gia dân chủ, thì có dân chủ đâu để mà lợi dụng, trong khi người dân chỉ nói lên quyền tự do ngôn luận của mình. “Nói xấu lãnh đạo”, nếu nhận xét các lãnh đạo “độc tài nhưng bất tài, nếu phân tích các lãnh đạo “độc trị nhưng không biết quản trị, thì đây không phải là “nói xấu” mà là “nói thật”, “nói đúng”.
Công của chung
Ngày mà các giá trị cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) và các giá trị của dân chủ (đa nguyên, công lý, nhân quyền) cùng nhau song hành để bắt đầu công cuộc thay đời đổi kiếp cho Việt tộc theo hướng thăng hoa. Muốn dứt khoát rời bỏ chế độ độc đảng toàn trị, thì giáo dục của phạm trù công phải có chỗ ưu tiên trong mọi quốc sách mới.
Các quốc sách mới này luôn có đường đi nước bước của công bằng là một phải trù đôi, vừa của công lý, và vựa của giáo lý, mà quá trình hành tác của công bằng có bạn đồng hành là công tâm, một phạm trù của đạo đức. Có sự nghiêm túc của công lý, có sự thông thái của công tâm, thì công luật nơi mà luật được công nhận như khung của các sinh hoạt xã hội được trợ lực của công pháp, nơi mà luật được công nhận là nền của các quan hệ xã hội.
Kinh nghiệm tích cực của công pháp quốc tế của các quốc gia đã có phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, văn minh dân tộc của Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu, sẽ giúp chế độ mới của Việt Nam có những mô thức pháp quyền. Và Việt Nam không quên các nước láng giềng cùng tam giáo đồng nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã thành công với hệ thống công luật của họ để dẹp bỏ được hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng).
Phạm trù công của chung là một không gian của an sinh xã hội, nơi mà công ích xã hội có ưu tiên và là trọng tài đứng đắn để thông hiểu và thực hành hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công luật, công pháp, công ích). Không có hệ công này thì sẽ không có phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, văn minh dân tộc.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa. Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.