Các người đã diệt
Bản lĩnh của minh sư theo mô thức Vạn Hạnh
Đại Sư Vạn Hạnh vừa tu học một cách trí thức, Ngài vừa là minh sư từ đời Đinh qua đời Lê, Ngài lại là thầy của Lý Công Uẩn, tiếng đồn đại là Ngài có thể là cha đẻ của Lý Công Uẩn, nhưng một điều chắc chắn là không có Ngài sẽ không có Lý Thái Tổ, không có nhà Lý, một triều đại minh và thông của Việt tộc. Minh sư phải là mưu sư, tài phân tích của Ngài mà người thời đó gọi là tài tiên tri, đoán đâu trúng đó, thật ra là thâm tài về tổ chức các sự cố vừa thuận lợi, vừa tích cực để tạo ra tình thế mới, nhất là để thay đổi cán cân lực lượng trong chính trị, trước sự suy đồi của một triều Lê đã không có lối ra, trước họa xâm lăng của giặc phương Bắc.
Không những chính giới mà cả trong văn bản của Phật giáo thời đó (Thiền Uyển Tập Anh) kể lại không biết là bao nhiêu mưu lược của Ngài. Chắc là cũng từ Ngài mà ra câu chuyện con chó đen mang trên lưng hai chữ trắng: thiên tử, để mọi người khi thấy phải đoán năm Tuất tới thì nước Việt sẽ có vua mới, cách dọn đường đầy mưu trí để Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nhà Lý như đã cầm được trong tay: “thiên mệnh”.
Minh sư phải là mưu sĩ, tuệ giác nhận định tình thế của Ngài luôn tôn trọng quy luật tổ chức không gian qua thời gian, ưu thời mẫn thế, để nắm phần chủ động trên chiến trường. Ngài luôn được Lê Đại Hành tham vấn về các chuyện hệ trọng cho cơ đồ Việt, tuân theo lời Ngài, Lê tướng quân đã đánh đúng lúc để đánh thắng trọn quân xâm lược phương Bắc và quân Chiêm phương Nam. Minh sư ngay trên mặt trận giữ nước, Ngài là cầu nối từ đời Đinh tới đời Lê, qua tới đời Lý (mà ngay trong hậu đài Ngài đã tạo gầy dựng nên).
Minh sư phải minh trí, chuyện thịnh suy của một triều đại, chuyện thăng trầm của một đất nước, cũng là hệ vô thường trong Phật học, điều này Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đã thấy rất rõ, đã làm thơ ca tụng tài học sâu hiểu rộng, để nhìn xa trông rộng của Ngài. Thơ của Ngài mang tư tưởng sáng suốt về kiếp người, và rất tỉnh táo về lý luận lấy nhân tri để đánh thức nhân sinh: “Thân như bóng chớp có rồi không… Mặc kệ thịnh suy đừng sợ hãi…”.
Minh sư-mưu sư-mưu sĩ-minh trí chính là phương trình mà các lãnh đạo hiện nay phải ra trí, ra tâm, ra lực để học tập đại sự Vạn Hạnh, vì trận chiến chống Tàu tặc trước mắt cần rất nhiều minh, rất nhiều trí, rất nhiều mưu! Vậy mà trong nội bộ hiện nay của các người lấy truy cùng diệt tận để lập bè, lập phái ngay trong tầng lớp lãnh đạo của ĐCSVN, thì minh sư không sao có chỗ đứng, ghế ngồi.
Các người đã diệt
Nội công vạn pháp của mô thức Tuệ Trung thượng sĩ
Nội công vạn pháp của Tuệ Trung thượng sĩ, các người có thấy để thấu Vạn pháp của tự của ngài chăng: “Vạn pháp vô thường cả/ Tâm ngờ tội liền sinh/ Xưa nay không một vật/ Chẳng hạt chẳng mầm xanh/ Hằng ngày khi đối cảnh/ Cảnh đều do tâm sinh/ Tâm cảnh đều không tịch/ Khắp chốn tự viên thành”. Tuệ Trung thượng sĩ, được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng Ninh vương, tên thật là Trần Quốc Tuân, chính là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Tuệ Trung cũng là người dạy dỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông, vì là bạn thâm giao với vua cha là Trần Thánh Tông. Khi hoàng hậu Thiên Cảm qua đời, vua Trần Thánh Tông quyết định cúng chay ngay cung, vua mời Tuệ Trung thượng sĩ và vua mời Tuệ Trung viết một bài kệ, đây là bài kệ: Viết kề trình kiến giải/ Như dụi mặt thấy quái/ Dụi mặt thấy quái xong/ Lại rỡ ràng tự tại.
Hôn mê giữa cuộc đời, chớp mắt khoảng khắc là thấy quái, thấy ma, nhưng biết dụi mắt là để sáng mắt, vì sáng mắt nhờ các giá trị tâm linh qua tu tập, qua rèn luyện để sống giữa đời mà nhận ra chiều sâu của tâm, để chủ động với cảnh. Khi vua Trần Thánh Tông hỏi ông về: “chúng sinh quen nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào để thoát khỏi tội báo?”, Tuệ Trung thượng sĩ đã trả lời vua với bài kệ này, ông đã trao tặng cho đời phạm trù tâm cảnh của ông: Vạn pháp vô thường cả/ Tâm ngờ tội liền sinh/ Xưa nay không một vật/ Chẳng hạt chẳng mầm xanh/ Hằng ngày khi đối cảnh/ Cảnh đều do tâm sinh/ Tâm cảnh đều không tịch/ Khắp chốn tự viên thành.
Câu chuyện của Tuệ Trung thượng sĩ mang cái chung của Phật học, và luôn mang cả cái riêng của ông khi ông rèn đúc nhân sinh quan của mình bằng chính kinh nghiệm và tri thức của ông. Nên Vạn pháp vô thường cả có trong lời dạy của Phật, có trong các kinh Phật, nhưng Tâm ngờ tội liền sinh, thì phạm trù nhận định để lý giải sự ngờ vực sinh ra chuyện buộc tội là tư tưởng của ông. Vì Tuệ Trung thượng sĩ biết rõ luật nhân quả: Xưa nay không một vật. Chẳng hạt chẳng mầm xanh, cấu trúc luận nội tại của vạn vật là nhân ở trong quả, và quả có trong nhân; nhưng câu chuyện của ông là câu chuyện đào sâu cảnh để thấy tâm, nên: Hằng ngày khi đối cảnh. Cảnh đều do tâm sinh. Và nếu tâm sinh ra cảnh, lục nội kết tâm sinh-tâm ngờ là cội rễ của tư tưởng của Tuệ Trung, giúp ta thấy để biết: Tâm cảnh đều không tịch. Khắp chốn tự viên thành, vậy thì ta nên lấy tâm để giáo cảnh, để lấy cảnh mà điều tâm.
Tuệ Trung thượng sĩ khi đối thoại với minh vương Trần Thánh Tông, ông mở lòng cho vua là đừng nên lấy thuyết quả báo mà quên đi vạn vật là vạn nguyên, mỗi loại một dạng, mỗi dạng một tính, mỗi tính một chất, mỗi chất được nuôi dưỡng và có cách sinh tồn cho riêng nó, ở đây vạn vật trong vạn nguyên, làm nên tư tưởng vạn tự (do) trong vạn (đa) nguyên, qua bài kệ sau đây: Có loài thì ăn cỏ/ Có loài thì ăn thịt/ Xuân về thảo mộc sinh/ Tìm đâu thấy tội phúc?
Minh vương Trần Thánh Tông là minh quân sáng suốt, không bỏ cuộc, hỏi sâu về chuyện: “Vậy thì công phu giữ giới (không sát sinh) trong tu tập từ bao lâu là để làm gì vậy?”, Tuệ Trung được dịp nói rõ tư tưởng (riêng) của mình, chính tự do làm nên sự sáng suốt để biết siêu việt tội phúc, qua bài kệ: Trì giới và nhẫn nhục/ Thêm tội chẳng được/ Muốn siêu việt tội phúc/ Đừng trì giới nhẫn nhục/ Như người khi leo cây/ Đang yên tự chuốc nguy/ Nếu đừng leo cây nữa/ Trăng gió làm được gì?
Tư tưởng của minh sư Tuệ Trung khi phân tích thì sắc nhọn, khi giải thích thì thoải mái trong thư thái, thong dong để có tự do trong thong thả. Trong các cuộc đối thoại giữa hai người bạn tâm giao, chắc là rất đắc khí, vua Trần Thánh Tông xem Tuệ Trung thượng sĩ luôn là thầy của mình để học hỏi, và mỗi lần vua hỏi một câu, cần có một giải thích về một chuyện, nhất là các câu chuyện có tầm vóc tâm linh cao rộng, thì vua luôn có câu trả lời đưa vua vào cõi đốn ngộ. Có lần vua hỏi về hành tác nào để đưa chúng ta vào được cõi giác ngộ? Tuệ Trung lại lấy chiều sâu của tự để làm chiều cao của giác: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy cái tông chỉ ấy, không thể đạt được từ một ai khác!”.
Các người giành độc quyền lãnh đạo trong độc đảng toàn trị mà các người không có cái tự (thân) của Tuệ Trung thượng sĩ là cái hùng của cái tâm, nó làm nên không những tự do, mà nó còn chế tác ra tự chủ, tạo ra tự lực, giúp những kẻ lãnh đạo biết tự tồn trong tự tin, lấy đời người để xây tự trọng vì có tự quyết. Nếu không thì không chóng thì chầy các người sẽ rơi vào dự đoán tiên tri của Tuệ Trung thượng sĩ: Như người khi leo cây/ Đang yên tự chuốc nguy.
Các người đã diệt
Tầm vóc chính quốc của mô thức Trần Thủ Độ
Trong hành vi hèn với giặc, ác với dân, trong hành tác mưu hèn kế bẩn khi các người đang là lãnh đạo nhưng ngày ngày truy diệt nhau, thanh trừng nhau thì các người không bao giờ có được Tầm vóc chính quốc của mô thức Trần Thủ Độ. Thái sư để lại hình ảnh một nhân vật lịch sử gây ra bao tranh cãi trong Việt sử, một hình ảnh đôi: công thần và bạo chúa, không có Trần Thủ Độ thì sẽ không có nhà Trần, một triều đại thông minh hàng đầu của Việt tộc.
Nhưng Trần Thủ Độ cũng mang hình ảnh một kẻ tàn ác, mang đến cảnh giết chóc, tận diệt đời Lý, với phương châm của bạo chúa (nhổ cỏ phải nhổ tận gốc), cũng phải kể thêm chuyện xóa cả họ Lý trong lý lịch mà các nạn nhân nhiều kẻ phải thay thế bằng họ Nguyễn, chuyện nội hôn đã bảo vệ hoàng tộc Trần. Nhưng không ai không muốn tặng cho Thái sư danh vị: khai quốc công thần, vì không có Thái sư thì không thể có chiến tích lừng lẫy thắng quân Nguyên Mông, cũng sẽ không có luôn: Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, các minh quân đại diện cho văn hóa Việt vững, văn minh Việt sáng, văn hiến Việt bền.
Thái sư mang hằng số của chính quốc (vì nước xả thân), mang luôn ẩn số của bạo quyền trong quyết định tới quyết sách với bi kịch Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Trần Liễu… Nhưng trong trường hợp của Thái sư thì hằng số lấp, nhấn, dẫm, đè và đi trên lưng, trên vai ẩn số. Tình hình của Việt tộc hiện nay đang bị lấp, nhấn, dẫm, đè bởi độc đảng, tạo tham quyền, sinh tham nhũng, mang theo bao suy đồi như cuối đời Lý (lúc mà Tướng quân phải “ra tay”), như hiện nay với bao thoái hóa về đạo đức xã hội, bao bất công đang vùi dập dân đen, dân oan…
Trong khi chờ đợi nhân quyền, dân chủ, công bằng tới với số phận Việt, thì trong thâm tâm của đại đa số nhân dân là mong cầu một sự xuất hiện của một minh chúa như Trần Thủ Độ có quyết định, giữ quyết đoán, nắm quyết sách để thay đời đổi kiếp cho Việt tộc.
Vai trò lãnh đạo cá nhân của minh chúa là tiên quyết trong lúc chờ đa nguyên, dù minh chúa đó phải dùng bạo sách như Trần Thủ Độ, đó là kinh nghiệm của lịch sử, đó gần như là quy luật của sử luận, trong tư duy của một cá nhân lãnh đạo muốn cứu nước-cứu dân mà phải mang thân mình ra để xoay chuyển tình thế, và đẩy nó theo hướng thăng hoa, khi đã cả quyết là không có một phương sách nào khác cả!
Thái sư đã thuyết phục được vua Trần Thánh Tông, sau khi vua đã bỏ việc nước muốn đi tu tại Yên Tử, là vua phải trở về kinh đô mà nhận nghĩa vụ cứu nước, tiếp theo Thái sư đã thuyết phục được vua, cùng các tướng lãnh khác trong đại họa Nguyên Mông là: đầu của Trần Thủ Độ chưa rơi thì Trần Thủ Độ không rời bổn phận cứu nguy dân tộc. Đó là công thần, luôn mang theo công lý “vì nước xả thân”.
Trong lúc Việt tộc đang mong chờ một chế độ chính trị có nhân tâm để đưa văn hiến nhân quyền qua văn minh dân chủ vào xã hội Việt, thì Việt tộc cũng đang cần tức khắc một Trần Thủ Độ biết khai thác triệt để: hằng số minh chúa cứu quốc!
Một ngày nào mà nhân dạng có tầm vóc chính quốc của mô thức Trần Thủ Độ xuất hiện thì ngày đó chế độ độc đảng toàn trị sẽ sụp tiêu trong chớp mắt!
Các người đã diệt
Chính sư-trinh đức trong nhân dạng Chu Văn An
Các người ngày ngày truy diệt tất cả các nhân sĩ liêm chính đại diện cho lương tri của dân tộc, thì nhân dạng Chu Văn An có nội chất của chính sư-trinh đức không sao có chỗ đứng, ghế ngồi trong cơ chế độc tài nhưng hoàn toàn bất tài của các người. Chu Văn An vang danh với ba phẩm chất: trí cương trực, tâm tiết tháo, đời trong sạch nhưng Ngài không để đó mà sống thụ động trong vương triều, Ngài dùng ba phẩm chất này để chống bọn tham quan, chống lại sự thối nát đang đe dọa triều đình, đang đưa dân tộc tới hiểm nạn. Vì tham quan-tham quyền luôn là một hiểm nạn trong lịch sử cũng như trong tình hình hiện nay, tham quan-tham quyền có chỗ dựa là bạo quyền để lạm quyền, qua độc quyền do độc tài của ĐCSVN, đang là một quốc nạn.
Ngài lấy đức độ với lý luận chặt chẽ, phân tích minh bạch, Ngài xin vua hãy chém 7 tham quan nịnh thần, và Ngài liêm chính tới cùng, vua không nghe thì Ngài từ chức, về ở ẩn, lại còn lấy bút hiệu rất khiêm tốn là: Tiểu ẩn. Việt tộc biết Ngài và luôn mong hiện nay phải xuất hiện thật nhiều Chu Văn An, ở bất cứ nơi nào có tham ô-tham nhũng, vạch mặt chỉ tên bọn “sâu dân, mọt nước”, đã biến một bộ phận lớn của dân tộc thành dân đen, dân oan! Không cần phải chém chúng, chỉ cần giáo dục chúng bằng đạo lý hay, đẹp, tốt, lành của Ngài, chỉ cần giáo dưỡng chúng bằng luân lý sống có trách nhiệm với tổ quốc, sống có bổn phận với nhân dân, đã làm quan thì không thể nào đứng ngoài vận mệnh của dân tộc, lại càng không thể dùng quyền để vơ vét, phải nghiêm minh để nghiêm trị.
Trong thời cuộc Ngài cũng như giữa thời thế hiện nay, bọn “mượn đầu heo nấu cháo”, luôn thông đồng với bọn “thừa nước đục thả câu”, đồng lõa với bọn “đục nước, béo cò”, chúng móc ngoặc với lũ “thừa gió bẻ măng”, tất cả chỉ là ký sinh trùng, chúng không “yêu nước, thương dân”, ngược lại chúng chính là bọn “sâu dân, mọt nước”. Tất cả bè lũ này, chúng luôn sợ nhân phẩm-nhân cách Chu Văn An, lấy sự thật để làm sáng chân lý, lấy chân lý để nói rõ lẽ phải, phải có mô hình chống tham quan Chu Văn An, cho xã hội Việt hiện nay trong đó trí cương trực, tâm tiết tháo, đời trong sạch vừa là lý thuyết luận, vừa là phương pháp luận, để dọn dẹp cho sạch “bọn nội giặc” này, vì chóng chầy chúng sẽ vào con đường “buôn dân, bán nước”.
Chu Văn An chính sư-trinh đức, ngài còn là một người thầy cao quý, gương sáng cho giáo dục, thầy có nhiều học trò giỏi (Phạm Như Mạnh, Lê Quất Đỗ…), còn học trò xấu thì thầy không ngần ngại quở mắng, luôn dạy trò phải biết làm người để nên người. Ngài có tài cao đạo trọng, nhiều người, nhiều nhà xin được học thầy, Ngài nhận trách nhiệm mở trường Huỳnh Cung, kiến thức đi đôi cùng đạo đức. Ngài cũng đã là thầy của hai vua: Hiến Tôn, Dụ Tôn. Ngài còn là tri âm của Trần Nguyên Đán, của Mạc Đĩnh Chi, Ngài được thờ ở Văn Miếu, Ngài ơi! Việt tộc thương, yêu, quý, trọng Ngài.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.