Vùi Sáng Tạo Việt (P4)

Các người đã diệt

Tình yêu đây là khí giới, tình thương

đem về muôn nơi của Phạm Duy

Việt tộc gần với ca khúc của Phạm Duy qua cái đẹp, cái hay, cái cao, cái lành trong âm nhạc bác, tôi tiếp tục trân trọng những cái này trong việc nghiên cứu về dân tộc học, về nhân học của mình mà không để cái mê chấp của thời cuộc làm mờ nhạt đóng góp của đứa con tin yêu này của Việt tộc. Phạm Duy là người Việt hiếm hoi mà tôi thấy tuổi đời không lấn được trí lực. Lý trí khi đã thành sinh lực, nó trở thành tinh anh và tự cho phép nghệ sỹ và trí thức đi trên vai của thời gian, cụ Tiên Điền thi hào của Việt tộc đã đào sâu được chuyện này: «thác là thể phách, còn là tinh anh».

Phạm Duy vượt lên cả chuyện thể phách, tinh anh của riêng mình, để tinh hoa hóa môi trường sống của đất nước qua cách tự tình dân tộc của riêng mình, cả đời nghệ thuật của mình Phạm Duy biết «trẻ hoá tình yêu», «thăng hoa yêu đương», cùng vui chia nhau những niềm thương thật hiếm hoi trong cuộc sống. Muốn làm được chuyện này trong gần một thế kỷ phải có hoài bão mạnh, ý tưởng vững, nơi mà trí lực phải dựa vai cùng ý lực, như lời Phạm Duy đã đọc khi giới thiệu đạo ca, khi phổ thơ Phạm Thiên Thư: «ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình», ý Phật và tâm Phật là một. Sinh lực của Phạm Duy đủ vai vóc đồng hành với ý lực, chuyện Phạm Duy làm việc say mê dung hòa với chuyện ăn uống điều độ, sống một ngày với bác thấy rõ được việc này, tránh xa mọi nơi «chén chú, chén anh», kỷ luật tri thức rành mạch với thì giờ trước mắt, chuyện nghỉ ngơi đúng lúc giữ cho tầm vóc tư duy luôn được sáng suốt.

Phạm Duy đã tặng cho chính mình một món quà thật quý, mà thi sĩ Y.Bonnefoy, tầm cỡ loại nam tào của thi ca Pháp trong thế kỷ hai mươi, đã nói rõ được chuyện này «l’esprit sait vaincre la grisaille». Lý trí biết cách thắng cái ảm đạm, cái mờ đục, nó không chấp nhận cái đìu hiu. Không già tức là không lẩm cẩm, mà cũng là không thụ động trước các truy bức trong cuộc sống, cứ đẩy nhân tính gần về phía biên giới của thú tính. Phạm Duy luôn thấy được lối ra mỗi lần cuộc sống bế tắc, sự thụ động hoàn toàn xa lạ với cá tính quyết đoán của bác, không có cá tính này đừng tìm đến nghệ thuật, có cá tính mạnh mới trao truyền được sáng tác, kể cả những sáng tác buồn, kể cả những tác phẩm bi quan. Vì cá tính đánh thức cảm tính, vực dậy linh tính, làm thẳng lưng trí tính, mở đường cho nghệ thuật được thăng hoa; không rũ tức là không cam nhận tai biến.

Trong chuyện vật đổi sao dời sau 1975, với hằng triệu đồng bào phải bỏ quê cha đất tổ ra đi, Phạm Duy có trong khúc ruột bị cắt điếng vất xa tắp khỏi quê hương đó. Những năm đầu tiên bác cũng hoang mang như mọi người, vì đồng bào di tản của mình bắt buộc phải vượt biên mà dân tộc mình chưa hề có kinh nghiệm vượt biển. Biển đông đã thành một nấm mồ khổng lồ vô hình của bao bạn bè, của bao quyến thuộc… nhưng Phạm Duy không rũ, không gục; với bầy chim bỏ xứ, chủ động với nhận định «tự do là tiếng loài chim!», phải chọn lựa tự do mới bảo vệ được nhân cách của mình, phải gìn giữ tự do mới che chở được tư cách của mình, đối với nghệ sĩ và trí thức phải ôm ấp tự do mới nuôi nấng được phong cách của mình.

Có lần, Phạm Duy hỏi tôi: «Trong thiền ca, nếu chọn một câu hay nhất thì toi chọn câu nào?», tôi thảnh thơi nhưng cũng trầm mặc trả lời: «Cháu chọn câu: «Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu, xa miền chiến tranh», cháu chọn câu này vì nó có nội dung hòa hợp, hòa giải dân tộc!». Sau cuộc huynh đệ tương tàn trong thế kỷ hai mươi, đáng lẽ kẻ thắng là người cộng sản phải làm chuyện này, họ không làm lại để kẻ thua trận, bại cuộc làm chuyện này, thì lương tri và nhân phẩm sẽ thuộc về bên thua cuộc.

Nhớ lại người xưa thật hay, như Quang Trung Nguyễn Huệ chẳng hạn, từ Nam ra Bắc, giải phóng trọn vẹn tổ quốc, khi tới Thăng Long, thủ đô thương yêu của Việt tộc, không còn một bóng giặc Thanh, vua liền bị vây quanh bởi các kẻ đầy tị hiềm dân tộc, trao tới vua một hồ sơ những người đã hợp tác với ngoại xâm, đưa đẩy vua phải mang họ ra xử, vua đã xé bản tường trình tố cáo đó, lại còn lập ngay đàn giải oan, dứt khoát xoá tất cả vết nhơ trong chuyện huynh đệ tương tàn.

Trong ĐCSVN từ khi lập đảng tới khi cướp được chính quyền cho tới ngày nay độc quyền, không có đấng minh quân loại này đã hóa giải chuyện «gà nhà bôi mặt đá nhau» để hòa giải nên chuyện «gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau». Phạm Duy nghe tôi kể xong chuyện hoá giải để hoà giải, bác liền nhắc tôi: «Moi đã làm chuyện hoá giải để hoà giải này từ lâu, hồi còn trẻ giữa cuộc chiến tang thương, trong bài Bên Cầu Biên Giới moi đã thấy hậu quả của chuyện hận thù: «lòng tôi sao vẫn còn biên giới?», rồi trong bài Bà Mẹ Gio Linh, ôm đầu đứa con vừa bị giặc chặt, nhưng lòng tràn đầy tình thương đồng loại«xa xa tiếng chuông chùa réo», moi hình dung một viễn ảnh của dân tộc mình mà tâm Phật qua tiếng chuông chùa chan hoà trong không gian; tình thương đồng loại ngân vang như chuông chùa giữa cuộc sống».

Nhạc hay là nhạc cảm hoá được mọi tỵ hiềm, cảm nhận được tình thương bao la của việc hoá giải để hoà giải, các lãnh đạo của ĐCSVN không đủ tâm, đủ ý, đủ lực để hoà hợp được với dân tộc này, đã chịu quá nhiều thảm hoạ. Phạm Duy không coi chuyến lưu vong sau 1975 vừa qua là vĩnh viễn, phải chấp nhận kiếp lưu đày tới chết, Phạm Duy đã trở lại với quê hương, đã tìm về với dân tộc, không một xảo thuật chính trị nào có thể giật dây được thái độ này.

Đừng mơ hồ và cũng đừng đánh lận con đen trên chuyện này, vì nước Việt là của mọi người Việt, không một chế độ nào, không một chính phủ nào, không một ý thức hệ nào thay đổi được chân lý này. Không nản ở đây là không để cho dân tộc này bị chia xé, không để cho đất nước này bị chia cắt, vì «tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời», cho dù «đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu», cùng dân tộc tôi «tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ»; đó là thông điệp âm nhạc của Phạm Duy.

Nhưng khổ đau cuộc sống hàng ngày trên đất nước đã tới Phạm Duy trọn vẹn, nhờ sức nhận định rành mạch về thời cuộc của bác, lần cuối gặp Phạm Duy tại Sài Gòn, bác tâm sự: «Đối với nghệ sĩ trên đời này chỉ có hai chế độ, chế độ ác và chế độ lành, chế độ này không lành, vì nghệ sĩ không được tự do sáng tác, kể cả tự do gặp gỡ nhau. Moi về đây đã năm năm, bị mổ, bị bịnh, bạn bè không dám tới thăm… nhưng buồn nhất vẫn là chuyện dân tộc mình còn trong lầm than, nhất là về nông thôn, đồng bào mình sống khổ cực lắm cậu à!… Có lẽ moi sẽ trở lại Mỹ, rồi viết tiếp hồi ký, cuốn hồi ký lần này, moi sẽ đặt tựa là: năm năm mặc áo giấy!».

Các người là lãnh đạo của ĐCSVN, chắc các người biết ngạn ngữ đi với thầy tu mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, Việt tộc dặn dò, chỉ bảo nhau chuyện này vừa để phòng thân đối với bọn xấu, vừa để thủ thân đối với kẻ ác, cũng vừa để tìm cách lập thân trong một môi trường lành, rồi tu thân trong cái trong.

Phạm Duy đi và hát để thấu được số phận của Việt tộc đã nằm trong cái tăm tối của thế kỷ hai mươi, rời khỏi thế kỷ này không biết là mình đang cười hay đang khóc, hài kịch cõng bi kịch trong thế kỷ này vì thảm kịch đã bồng thảm cảnh trong thế kỷ qua, «nước mắt len sau từng nụ cười», vận nước nay mai rồi không biết về đâu? Nhưng đừng chùng bước trong cuộc tầm xuân: «… Người ôm nhân loại trong mình. Cười trong nước mắt cho xuân tình dấy men…».

Nhạc của Phạm Duy cũng dặn thêm cho đời chữ mất, người ta yêu và không ngừng yêu, vì đã bị mất mát nhiều, và biết vui lên khi cuộc sống trở lại bình thường: «Tình xuân chớm nở đêm qua khi mùa chinh chiến đã lùi xa ngoài đời», số phận của một dân tộc đếm bằng mùa chinh chiến. Không chờ, không đợi, sẵn sàng tìm nhau «Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu…» để gặp nhau«Gặp nhau trong vinh dự của đời người…».

Không chờ, không đợi để không vội, không hoảng, biết nhận vận tốc của thời gian như biết nhận tuổi đời, nhưng cũng biết thong thả với đời, để được ung dung với thân: “Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi chớ vội gì”. Phải tiếp tục sáng tác, phải tiếp tục làm chứng nhân cho sự thật và lẽ phải: «Đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn…», cũng chỉ vì: «… lời tôi thay cho tiếng đạn bay… lời tôi khâu vá tình thương… đừng cho ai ăn cướp tình ta… lời tôi sâu như tiếng tình yêu…». Trước sau, bác vẫn không nản: «tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người».

Phạm Duy có nhạc thuật như rừng thẳm mang bao bài thơ vào ca khúc, trao bao thi từ cho ca khúc Việt, trong đó có Phạm Thiên Thư “Chắp tay lạy người cho xin nụ cười”. Động tác nghiêm cẩn chắp tay, để khẩn nguyện, để gởi tới tấm lòng thành trên đường đi tìm tới các giá trị cao đẹp của cuộc đời, với hình tượng qua bài Chắp Tay Hoa, mang hình ảnh cao quý của con người lấy ý nguyện nhân tâm để tạo nên ý lực cho chính mình giữa nhân thế. Đây là một định nghĩa thuộc về hiện tượng luận của các giá trị tâm linh, qua «vô trương bất tín» (không thấy không tin, thấy rồi mới tin), vì thấy một người đang kính cẩn cầu nguyện ta hiểu người đó đang khẩn nguyện, và hình tượng chắp tay, đẹp lại đẹp hơn với nụ cười: Chắp tay lạy người cho xin nụ cười, xin nụ cười như xin sự vui sống để sống vui giữa người, giữa đời, chỉ một nụ cười là cuộc sống giữa người và người vui lên, là sinh hoạt giữa người và người sẽ hay lên, là quan hệ giữa người và người sẽ đẹp lên.

Nụ cười đánh thức chuyện hay, đẹp, tốt, lành của kiếp người, mà nó cũng là dấu hiệu của sự thức tỉnh giúp người biết gần người hơn. Chắp tay lạy trời xin đám mưa rơi, lạy trời được làm mưa để làm mát, làm mát nhân tình, làm sạch nhân thế; mà Việt tộc còn biết biến mưa thành lửa nữa: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Những câu ca dao tưởng là tầm thường, nhưng nó mang lòng thành của một cõi tâm linh nói lên chuyện “biết ơn”, vì khi “biết ơn” là bạn đã đi được một bước để vào cõi tâm linh. Chắp tay lạy đất cho mầm cây tươi; lạy đất là lạy gốc, rễ, cội, nguồn của chính mình, lạy với sự kính cẩn của kẻ biết được mình đang sống là nhờ: đất, từ đất “đâm chồi, nẩy lộc” làm nên cây trái, nuôi người, nuôi bao sinh vật khác cùng chung sống trong chung vui với mình. Biết nghiêm cẩn để biết, để nhận sự chung sống-sống chung là đã đi được bước thứ hai vào các giá trị tâm linh rồi đấy!

Chắp tay lạy nước cho mát cõi đời, lạy nước thượng nguồn của mọi sự sống, lạy toàn thể quá trình nuôi dưỡng sự sống; vì nếu không có cõi nước, chắc chỉ còn cõi khô, cằn, gục, quỵ, đang báo tin là sự sống đã ra đi. Nước còn làm mát cõi đời, khi con người đang bị khô trong nhân tính, rồi cằn trong nhân tâm, để gục trong nhân tri, và quỵ trong nhân vị, thì nước còn biết rửa các vết nhơ, các bẩn chất, nước sẽ mang lại cái trong cho nhân tri, và cái sạch cho nhân phẩm. Khi đã lạy người, lạy trời, lạy đất, lạy nước rồi, thì bạn sẽ vừa lạy cung kính, vừa bay trong tự do: “Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng”, lạy để được bay cao trên nhân tình, thế thái, bay cao trong nhân nghĩa, trong nhân ái. Cõi tâm linh là cõi cao rộng, chính nó là cõi của tự do, vì nhân vị cao trong nhân quyền rộng.

Khi tâm lực của bạn biết bay cho trời cao rộng, thì tâm trí của bạn đã bay thảnh thơi, bay nhẹ nhàng vào cõi tâm linh đấy: “Tôi lạy sông trôi cho sạch sầu đời/ Tôi lạy tất cả hiện hữu diệu vời/ Đâu không là Phật… đâu chẳng là trời/ Xin mở lòng ra cho trời đất hiện/ Tâm là đạo quý… Thần thánh đi rồi… chỉ có lòng thôi/ Hiện hữu đây rồi… Không ý không lời… Tôi không là tôi… người không là ngườiLạy cho sạch sầu đời… lạy tất cả hiện hữu diệu vời”, cho vạn vật hiện rõ nguyên hình, hiện sáng nguyên trạng trong cái đẹp tuyệt vời, rồi hòa chung vào Phật, vào trời, vào đất, nơi có tâm của bạn là đạo của cõi tâm linh, không cần thần thánh, chỉ cần lòng thành của chính bạn, vì trong đó cái tôi cái người đã nhất quán là: một!

Việt tộc xa lạ với các bài quốc ca cổ vũ chuyện diệt thù, việc giết người vì đã chọn thù hằn để diệt đối phương, để bị đánh mất cái đức của cái tâm làm nên cái đạo của cái người. Việt tộc rất xa lạ với các khẩu lịnh sát nhân kiểu Tố Hữu: “nhìn thẳng đầu thù mà bắn”, loại khẩu lệnh này gây cho chúng ta cảm giác lờm lợm, buồn nôn, chỉ vì nó không được trợ duyên bằng một chiều sâu tâm linh của cõi người. Chiều sâu tâm linh dặn dò ta là thù cũng là người, hãy vận dụng sự thông minh tâm linh để biến thù thành bạn, vì vậy trong chiến tranh diệt thù bằng cách giết thù là một hành động có thể hiểu được, vì phải giết thù để sống còn, khi thù đang tìm cách giết ta, nhưng khi giết thù rồi thì đừng xem đó là chiến thắng của nhân tâm.

Lõi nhân tâm làm nên cõi tâm linh, như vậy chiến thắng lớn nhất trên cõi người này là chiến thắng cùng với kẻ thù, cùng với đối phương, cùng với đối thủ, cụ thể là song hành cùng kẻ thù để cùng đi về phía chân trời của vị tha: sống giữa đời và sống suốt đời mà không có tử thù! Nếu thù ai quá đổi tới độ phải thốt lên câu: “không đội trời chung” với kẻ đó, thì đây là một quyết đoán của chủ quan, có thể hiểu được nhưng ta có quyền không chấp nhận nó, chỉ vì nó không mang một giá trị tâm linh vĩnh hằng nào cả, mà ngược lại nó là sự thất bại của cõi người. Vì chuyện sống chung với người là chuyện đội trời chung với người, qua thử thách và cùng người vượt thoát và vượt thắng chuyện thảm sát nhau; không thực hiện được chuyện này, thì thất bại này sẽ lớn lắm bạn à.

Mỗi lần có những nỗi buồn lo ập đến trong tâm hồn bạn, mang theo bao độc chất của tà quyền đang biến thành ám chất trong cõi người, với loại câu hỏi như sau, làm hỗn loạn tư duy: Tại sao Việt tộc ra nông nổi này? Người Việt hiện nay chọn vô cảm làm phản xạ trước các nỗi khổ niềm đau với chính đồng bào mình. Tại sao Việt tộc lại đánh để mất đời sống tâm linh của nhân tâm như vậy? Rồi gọi tên mê tín, dị đoan là tâm linh, biến cõi tín ngưỡng, từ chùa chiền tới lăng miếu, thành nơi buôn thần bán thánh có vụ lợi, để phục vụ cho tư lợi. Tại sao Việt tộc lại cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối trước bạo quyền độc tài, trước tà quyền tham quan, trước ma quyền buôn người bán tình? Mà không vận dụng chiều sâu tâm linh của tổ tiên, để biến nó thành chiều cao cho chính nhân phẩm của mình; là đứng dậy, là thẳng lưng, là ngẩng đầu, để gạt đi cái bạo, xóa đi cái , vất đi cái ma, để lấy lại cái người vì cõi người.

Các người là lãnh đạo của ĐCSVN có thể trả lời câu hỏi này qua ca khúc Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy: Việt Nam, Việt Nam tên gọi là người… Việt Nam đem vào sông núi tự do, công bằng, bác ái muôn đời: nên chỉ có thể là nạn nhân của bao tàn phá chiến tranh, bị đổ nát sâu đậm trong tâm hồn như Việt tộc mới thấy hết giá trị của tự do, công bằng, bác ái. Vì ba định đề này là ba tiền đề cho nhân quyền, một nhân quyền bao la, đó là quyền yêu người để yêu mình, yêu đồng loại để yêu đồng bào… yêu muôn đời. Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau, Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu: Việt tộc không đòi xương máu, quyết tâm ra khỏi vòng điêu lụy của xương máu, để kêu to, để kêu xa, để kêu sâu bằng tiếng gọi thương nhau; trong cõi thương nhau, luôn mang hai giá trị của hạnh phúc mà cũng là hai giá trị của tâm linh yên (và) vui, dài (và) lâu.

Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế giới, Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời: Việt tộc sẽ đi trên con đường tương lai không bằng sự vô cảm đã bị độc chất của tà quyền ám chụp bao lâu nay, mà chúng ta sẽ đi trên con đường tương lai bằng ý nguyện của lửa thiêng để biến nó thành ý lực đủ sức soi toàn thế giới; chính sung lực của ý nguyện và hùng lực của ý lực trao tặng cho Việt tộc bản lĩnh biết nguyện tranh đấu cho đời. Việt Nam, Việt Nam… tình yêu đây là khí giới, tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người: có bản lĩnh lấy tình yêu làm khí giớinhân phẩm Việt làm cao nhân ái; có tầm vóc trao tặng tình thương cho muôn nơinhân tâm Việt làm rộng nhân từ, có nội công với tiếng nói đi xây tình ngườinhân đạo Việt đi xa vào nhân bản.

Tại sao giờ đây trong một chế độ độc đảng vô thần, tạo nên vô tri trong xã hội, sinh ra vô cảm trong dân tộc, vì vô giác trước tiền đồ của tổ tiên, đã “vô luân hóa” các giá trị tâm linh của Việt tộc? Dân tộc dưới tà quyền độc đảng đang đánh mất linh hồn Việt! Nếu có một ngày nào đó, có một cuộc thăm dò ý kiến về chuyện nên chọn một bài trong ca khúc Việt nào gồng gánh được vai vóc tâm linh Việt, một bài hát có ý lực tâm linh để xây dựng lại tâm hồn Việt đã bị rã nát qua bao cuộc chiến, đã bị một chủ thuyết ngoại lại vô thần (nên vô linh) dùng độc tài vô giác để vùi dập cõi thiêng Việt từ hơn 70 năm qua, thì Việt tộc có thể chọn bài Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy.

Sự chọn lựa này không chỉ cho riêng ai, mà còn vì Việt tộc phải lấy lại chiều sâu tâm linh cho chính mình, để lấy lại chiều cao cho cả thế giới, cho mọi dân tộc, vì Việt tộc biết thương hòa bình vì thương đồng loại, như thương chính đời sống tâm linh của mình, đã bị đổ nát qua bao chiến cuộc vô nhân. Các người đang cuồng quyền trong bạo quyền độc đảng toàn trị, các người hãy bình tâm nghe kỹ bài Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy, không chỉ vì Việt tộc, mà còn vì cả thế giới này, vì Việt tộc biết thương cả nhân loại này!

Chiều sâu tâm linh giúp Việt tộc nhận ra mọi cõi: cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận… mà sức mạnh của khoa học không nhận ra được, mà giáo dục không nhìn ra được, ngay cả đạo đức của đạo lý và của luân lý cũng không nắm bắt được. Chỉ vì cõi tâm linh là cõi có lực vận hành rộng hơn khoa học, sâu hơn giáo dục, xa hơn đạo đức, nó có đường đi nẻo về của tâm cảnh làm nên tâm cảm, tương tác liên tục với nhân thế để đúc kết ra nhân cảm. Trong nhiều cõi: cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận… mà mỗi cõi có quy luật riêng vì có lập luận riêng, có chuyển động riêng vì có sự vận hành riêng, mà một người đã vào được nhiều cõi và đủ an nhiên tự tại để: nằm đó nằm yên mọi chốn, thì người này yêu cõi sinh nhưng cùng lúc không sợ cõi tử, và người này hiểu cõi hận nhưng không để ai đó xóa đi cõi tình của mình.

Câu chuyện mọi chốn của Phạm Duy là câu chuyện của chính cuộc đời ông, đi nhiều nên sống nhiều, sống nhiều và cũng hận nhiều vì tình nhiều, câu chuyện mà mọi trải nghiệm không hề vô thưởng vô phạt, nó chính là kinh nghiệm của sự sống đã được sống, trong mọi chốn, nên khi tổng kết cuộc đời thì ông kết luận được: tôi nằm đó nằm yên mọi chốn… Cõi tâm linh là cõi của sự sống đã được sống, nó không trên trời rơi xuống, nó không dưới đất trồi lên, thậm chí nó không xuất đầu lộ diện trong đời sống xã hội nếu đời sống xã hội đó không có các giá trị tâm linh trong quan hệ giữa người và người, nếu đời sống đó không có tầm vóc tâm linh trong sinh hoạt người và người.

Mà vắng bóng các giá trị tâm linh thì con người sẽ rời xa nhân tính, rồi sa vào mê lộ nửa nhân tính-nửa thú tính, mang nửa nhân kiếp nhưng bị đày đọa bởi nửa thú kiếp. Vì chỉ biết đói ăn khát uống mà không biết thụ hưởng nhân cảm đã có trong nhân cảnh, vì chỉ biết ăn tươi nuốt sống mà không biết tận hưởng tâm cảm làm nên tâm khảm! Một cuộc đời mà không được trợ lực bởi các giá trị tâm linh, không được trợ duyên bởi cõi tâm linh của mọi chốn, thì chắc chắn cuộc đời này sẽ chật vì nó hẹp nhân cảm, thì chắc chắn cuộc đời này sẽ cạn vì nó đã để khô tâm cảm.

Tròn như viên đạn đồng đen, chỉ một thi từ mà mang bao khổ nạn của Việt tộc qua bao cuộc chiến, với bao triệu đồng bào đã bị mất đi sinh linh của mình, mà linh hồn Việt đã chịu bao đổ nát, bây giờ lại bị bạo quyền độc tài đã biến thân thành tà quyền độc trị vùi sâu trong vô minh làm ra vô tri, để vô giác tạo ra vô cảm ngay trong tâm khảm Việt. Hãy thấy trong từ: tròn, trong quy trình tròn trịa của nhân sinh, vì chúng ta phải đi cho trọn cái tròn, như để che chở cái hòa sẽ làm nên cái hoàn, nơi quyết lực đi tìm sự hài hòa để loại bỏ chiến tranh, từ đó hoàn tất kiếp người, phải được tròn như lý tưởng của chúng ta quyết tâm bảo vệ sự sống.

Hãy ngừng lâu hơn với từ: khô qua giòng thời gian đã làm ráo đi bao hậu quả của chiến tranh, khô thì ráo đi mọi hận thù, nơi mà mọi oán thù sẽ bốc hơi, vì sự sống mang sung lực biết quên, làm được chuyện quên thù cũ để chế tác nhận thương mới, chiều cao tâm linh biết xa cái hận cũ để tìm những cái yêu mới. Đây là tiềm lực đôi của chiều sâu tâm linh làm nên đạo đức cho nội công tâm linh, biết quên đi những cái xấu, tồi, tục, dở để con người xa rời được những cái thâm, độc, ác, hiểm, từ đó dễ dàng tìm tới những cái hay, đẹp, tốt, lành của các giá trị tâm linh được dựng lên từ gốc, rễ, cội, nguồn của cõi tâm linh cao, sâu, xa, rộng.

Sự thất bại tâm linh vô cùng lớn của bạo quyền độc đảng hiện nay là không làm được chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc, sau chiến cuộc huynh đệ tương tàn 1954-1975, để tạo dựng nên được sự chung sống (anh em một nhà) trên gốc rễ của sự chung chia (hạt muối cắn làm đôi) làm nên sự chung dạng (anh em như thể tay chân), tạo ra từ nguồn cội của sự chung vui (chia ngọt sẻ bùi). Hãy tới cõi tâm linh bằng chính tự do của bạn, bằng chính tâm hồn trong, linh hồn sáng của bạn, hãy đi trên con đường: nhân tính làm nên nhân tình; nhân từ biết chở che cho nhân nghĩa, từ đó mọi tuyên truyền ngu dân, mọi khẩu lịnh mỵ dân tự nhiên thành bọt bèo, rồi tự biến mất trong cõi sinh, cõi sống của bạn.

Việt Nam có nhạc sĩ Phạm Duy, có thi sĩ Phạm Thiên Thư mà nhiều dân tộc khác mơ mà không có; câu chuyện ta có mà ta không biết đã là một cái lỗi, nhưng các người là lãnh đạo độc đảng toàn trị biết mà không giữ gìn, nâng niu, chăm sóc là một cái tội! Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ… sương thì yếu yểu, rơi là tan, nhưng hoa cũng mong manh vậy, vậy mà hoa biết hứng đỡ sương, lấy chính thân mong manh của mình để hứng đỡ cái chóng chày, cái đang phôi pha giữa sự sống. Đây là một bài học quý về giá trị tâm linh, nếu bạn đang yếu lả, đang mong manh, bạn vẫn có thể giúp, có thể cứu những ai yếu hơn mình, mong manh hơn mình.

Tình thương thật cụ thể, vì nó không bỏ quên ai, dù kẻ cứu cũng đầy ngập các khó khăn, các thử thách, các thăng trầm, nhưng phải giúp-cứu-nâng-đỡ kẻ yếu «trước đã», còn mọi chuyện khác thì để «tính sau»! Muôn loài như cát trắng, xin làm dòng nước trong. Khi cát đang bị nóng, đang bị khát, nếu nhân phẩm là dòng nước trong thì bạn sẽ cứu được vô vàng hạt cát; chỉ một động thái mở lòng nhân từ để làm dòng nước trong, thì lòng nhân từ này chính là lòng nhân hậu. Muôn loài như mây lam, xin làm trời bát ngát… Hãy thấy trong trạng từ: bát ngát, cái rộng mở của cõi thương, biết thương dung dị vì đã biết thương sâu đậm; thương để chứa, để nâng, kẻ được thương nhờ vậy mà yên tâm; bài học tâm linh này, xin được đặt tên là: thương bát ngát!

Muôn loài như hoa thắm, xin làm một ánh dương… Bạn ơi, hoa thắm, mỗi ngày đều cần ánh dương, cần bình minh, cần rạng đông, cái sáng, cái nóng của mặt trời để được ấm thân, để nuôi thân, để «tiến thân»: nở thật sáng cho đời, thật đẹp cho người, thật mạnh cho sự sống. Bài học tâm linh đã nằm sẵn trong vũ trụ hằng ngày: hoa thắm, một sinh thể hữu hình của cái đẹp, được làm nên, được tạo ra bởi cả một vũ trụ của ánh sáng, mang sức nóng của mặt trời để sự sống tự nói lên rằng: sự sống rất đẹp! Mỗi lần đi tìm các giá trị tâm linh trong cuộc sống, bạn đừng quên ánh dương này, không những đang ở trên đầu bạn, mà ở chung quanh bạn, đang làm ấm, làm sống bao sự sống! Muôn loài như hương thơm, xin làm cơn gió sớm… Hãy đưa và giữ hương thơm trong cõi sống của bạn, hãy đi cùng với hương thơm trên con các nẻo đường tìm tới các giá trị tâm linh, vì nhận ra được các hương thơmnhân cảm đang sống mạnh trong nhân tính, nhân tri.

Muôn loài như con suối, xin làm biển khát khao… Muôn loài mà chỉ như một con suối, muôn loài này tưởng bao la như cũng thật nhỏ bé, lẩn quẩn trong quanh quất qua lau sậy, vượt ghềnh thác, vì muốn ra được biển cả. Con suối này, muôn loài này, tạo tâm lực bền, trí lực vững để con suối có thể lực mạnh mà tìm đường ra biển. Vì vậy, chính Việt tộc cũng có thể là biển lớn để trợ lực, để trợ duyên, để giúp con suối muôn loài dể tìm đường ra biển, khát khao là động tự trong hành tác của các giá trị tâm linh, luôn tạo các điều kiện hay, đẹp, tốt, lành cho đồng loại, đồng bào, cho muôn loài đi về cõi cao, sâu, xa, rộng của đại dương. Biết mình là suối, nhưng muốn làm biển, đó là hùng lực của tâm linh! Một động tự khác: Xin làm, không phải cúi đầu đi «xin việc», mà ngẩng đầu để xin làm đẹp cuộc sống bằng các giá trị tâm linh:

Xin làm màu hoa kia hoa vàng trong kiếp sống; nơi mà hoa tự đẹp không chỉ cho riêng mình trong ích kỷ, mà làm đẹp cho cả cuộc sống, nơi mà tầm nhìn tâm linh làm nên tầm vóc tâm linh, rồi chế tác ra ngay tức khắc các giá trị tâm linh. Xin làm hạt cây nhé hoa cho đời hiện hữu xuân; làm hạt mầm trong lòng đất, làm hạt cây để cây sẽ được làm cây, để cây sẽ tặng hoa cho đời, dâng trái cho người. Một nghĩa cử mang giá trị tâm linh luôn là một hành động có ngay trên thượng nguồn của mọi sự sống, có trong hạt, có trong mầm, và sự thăng hoa của hạt, của mầm, sẽ làm đẹp đời, sẽ nuôi người.

Đây là cái đẹp sơ nguyên của mọi cái đẹp hiện hữu; nếu muốn luôn có hiện hữu xuân thì phải chăm lo cái đẹp sơ nguyên! Xin làm chim gõ mõ gõ tan kiếp thăng trầm; gõ mạnh, gõ lớn, gõ tan kiếp thăng trầm, cho người bớt khổ, cho đời bớt buồn, cho thăng trầm phải qua đi, cho trầm luân không còn ám kiếp nhân sinh nữa. Đây đích thị là định luận của các giá trị tâm linh đến để xóa đi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh.  Thơ của Phạm Thiên Thư nhạc Phạm Duy đưa thật xa nhạc điệu yêu đời ngay trong cõi tâm linh, với giọng hát của Thái Thanh ngân theo giòng đời có tiếng thương muôn loài, có tiếng thương yêu người, có tiếng thương yêu mình: Thương người như thương thân… Thương người như thương mình…

Trong sự nghiệp độc đảng trong toàn trị từ khi cướp chính quyền tới khi độc quyền luôn thiếu chữ thương; đây là một thảm bại của các người và là thảm họa của nhân kiếp Việt tộc đang bị trùm phủ bởi cuồng quyền của các người.

Vùi Sáng Tạo Việt (P5)

Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa  Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

 

Bình luận về bài viết này