Sự thật và Tự do (P2)

Sự thật giáo dục tính tự chủ để nhận kiến thức, đưa đạo lý kiến thức tầm sư học đạo tới đạo đức tôn sư trọng đạo mà Việt tộc đã đúc kết thành luân lý bền vững: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy cũng đang sa vào bùn lầy. Các tệ nạn giáo dục: trò uy hiếp, bạo hành thầy cô, thầy cô cũng tra tấn học sinh, tất cả chỉ vì giáo dục bị lãnh đạo bởi một đảng rất sợ, rất ngại một nền giáo dục chân chính có gốc, rễ, cội, nguồn từ: sự thực của nhân tính, chân lý của nhân phẩm, lẽ phải của nhân đạo, không ngu dân được qua tuyên truyền sống sượng của tuyên giáo man trá. Tất cả cái giả tạo, phản sự thật sẽ tạo ra một nền cảnh giáo dục quái thai: vừa tha hóa kiến thức, vừa đồi trụy hóa tri thức, mà tội lỗi tới từ các lãnh đạo giáo dục độc tài nhưng bất tài nên bất tín, sẵn sàng bất chính ngay trong trách nhiệm trao truyền kiến thức trong sứ mạng giáo dục vì sự thật.

Sự thật được sống và lao động bằng kiến thứctri thức của mình, được làm trí thức qua ý thức của chủ thể có trách nhiệm với giáo dục, có bổn phận với các thế hệ của mai sau, trong nhận thức của giáo dục là chỉ có sự thật mới là kiến thức chân chính. Bọn quen thói tiền gian bạc lận qua học giả, thi giả, điểm giả, bằng giả không bao giờ có chỗ đứng để đối diện rồi trực diện với sự thật, vì sự thật là khoa học của học lực, tức là phải học thật để có học vị thật, học hàm thật. Sự thật đến để vạch mặt chỉ tên bọn gian lận mua bằng bán cấp, để làm chuyện mua chức bán quyền qua bằng cấp giả, có học vị lẫn học hàm mà không có học lực!

Sự thật chống kiểm duyệt của bạo quyền, bằng lòng quả cảm của mình chống lại hành vi tự kiểm duyệt do nỗi lo sợ bị trừng phạt bởi tà quyền. Chống đối để bảo vệ sự thật, đề kháng để bảo trì chân lý, đấu tranh để bảo quản lẽ phải, tự do thông tin trong tự do truyền thông không sợ kiểm duyệt, kiểm tra. Sự thật có cùng một giòng sinh mệnh với đạo lý truyền thông: đối thoại cho sự thật, đối lý vì chân lý, đối luận vì lẽ phải. Sự thật đòi hỏi minh bạch trong đối thoại về dữ kiện, minh chứng trong điều tra, minh luận trong chứng từ. Sự thật trong truyền thông chống lại quy trình truyền lệnh-tuân lệnh-hành lệnh của bồi bút, của văn nô, vì chúng xum xoe chống sự thật để cúi đầu nhận bổng lộc của bạo quyền, nhai nuốt đặc lợi để ngấu nghiến đặc ân vung vãi của tà quyền.

Từ vong thân tới vong nghiệp, bọn ký nô, văn nô viết để tha hóa thông tin, để gian lận tin tức, để đánh tráo chứng từ; trong bọn chúng có kẻ còn dùng nghề làm báo, nghề viết lách của mình để đâm thuê chém mướn qua bôi nhọ, chụp mũ, vu khống những ai lương thiện khi chúng nhận được nhiều tiền của các kẻ bất lương. Làm tay sai vì tư lợi, đi ngược lại lương tâm nhà báo khi chúng lội ngược giòng của sự thật thì chúng chỉ là loại phản phúc chống lại chân lý. Bọn này đã đánh mất đi một nghiệp vụ học quý nhất là: tự do trao tin vì sự thật, truyền tin vì chân lý, đưa tin vì lẽ phải! Vì chúng đã rơi vào tà lộ của điếm nghiệp.

Sự thật sẽ làm nền sự sống, giúp sử học viết đúng, viết trúng, tức là viết thật. Viết thật hay nói thật có khi bị trù dập, bị vu cáo, bị hãm hại, bị ám sát, bị tử hình… nhưng sự thật là sự thật phải được nói tới nơi, tới chốn. Nếu con người sống thật bằng sự thật thì cũng biết chấp nhận cái chết vì sự thật, sự thật là gốc của lòng tin biết dựa vào sự thật để nhận ra chân lý, vận dụng sự thật để làm nền cho lẽ phải. Lương tâm của trí thức là đây, lương tri của khoa học là đây, cả hai là hùng lực lương thiện của kẻ đi tìm sự thật.

Sự thật dạy ta sự khiêm tốn, Socrate khuyên con người khi đi tìm sự thật, phải đi tìm với chính nhân phẩm của mình, đi tìm là đi học, khiếm tốn để khiêm nhường với tâm thức: “Tôi biết là tôi không biết gì cả!”. Khiêm tốn rồi khiêm nhường để có thái độ khiêm cẩn trước con đường tìm đến sự thật, sẽ có chướng ngại vật vì sẽ có rào cản, sẽ có thử thách rồi sẽ có thăng trầm; có quá trình của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Sự thật là sự định hình của chân lý, rồi nó trở thành bất di bất dịch, nó sẽ không thay đổi, sẽ không chuyển hóa, để được mọi người nhận như một giá trị vừa hiển nhiên, vừa vĩnh hằng. Có hai chỉ báo để “đánh dấu” trên sự thật: sự thật là tri thức, tới từ kiến thức của con người về một chuyện thật, mà chuyện thật này đã tách rời khỏi sự tưởng tượng, tức là đã ra khỏi ý tưởng tới từ cảm xúc chủ quan của cá nhân; sự thật hiện hữu bằng logos: sự thông đạt của lý.

Sự thật có quan hệ với lòng tin, cái thứ nhất thì mang lại chân lý, cái thứ hai có khi dẫn con người tới cuồng đạo, vào mê lộ của mê tín lại lấy sự mù quáng để nhấn chìm sự thật. Ta có nội chất sau đây để ta nhận ra sự thật: sự thật xuất hiện như sự vén màn bóng tối của sự giả dối đang che lấp sự thật. Khi sự thật tới như ánh sáng vừa lan tỏa, vừa xóa đi bóng tối, thì sự thật vén màn tới đâu là nhân gian khám phá cái thật tới đó, tại đây có quá trình của vén-lật-nhìn-thấy-hiểu, các động từ này chính là các chỉ báo khách quan để định nghĩa thế nào là khám phá sự thật.

Sự thật không những đứng giữa ánh sáng lại còn lan tỏa để nhập nội vào nhân thế, để đổi nhân sinh quan của nhân tình, mà còn đổi luôn thế giới quan của nhân loại, dẫn con người tới nguyên nhân của sự thật. Nguyên nhân có khi nằm trong động cơ của kẻ nuôi dưỡng chuyện phản sự thật. Sự thật tới có thể làm chúng ta sững sờ khi nó xuất hiện, nhưng khi sự thật đã tới như chân lý hiển nhiên, thì sự thật trao cho chúng ta những chìa khóa để mở cửa mọi nhà tù đang giam hãm ta, để giúp ta khám phá ra sự thật này.

Sự thật xuất hiện để tách người ra khỏi sự mê tín không có cơ sở vì không được kiểm chứng qua một quy trình khách quan của tri thức; như vậy sự kiểm chứng là cặp mắt của sự thật, làm nên quy luật vô trương bất tín (không thấy thì không tin). Và xa hơn nữa là khi ta thấy rồi, tin rồi, thì phải để kẻ khác kiểm chứng để chuyện thấy và tin, để sự thật trở thành chuyện không chối cãi được. Sự thật không đến thản nhiên rồi ra đi trong hồn nhiên, sự thật không chỉ bay lướt trên mặt đất mà nó yêu cầu ta phải đào thật sâu, bới thật rộng, cào thật xa để biết tại sao gốc, rễ, cội, nguồn của sự thật lại bị che lấp, và nó thường bị che lấp với các ý đồ của lòng tham không đáy. Sự thật đưa ra phân tích sâu và rộng để giải thích cao và xa, nên sự thật không bị giới hạn bằng biên giới của không gian, không bị định hạn bởi thời gian, cụ thể là nó không sợ hãi và không tuân thủ bất cứ vùng cấm nào cả. Sự thật khách quan yêu cầu ta tiếp tục điều tra, khảo sát, nghiên cứu chỉ như vậy sự thật mới là sự thật trọn vẹn, nhất định không phải là loại sự thật chột, què, ngọng, điếc đã bị tà quyền vo tròn bóp méo.

Sự thật đến như một sự kiện của sự cố để giải thích các biến cố đã, đang, sẽ xẩy ra khi sự thật xuất hiện với nguyên vẹn hình hài của nó. Và khi chủ thể khám phá ra sự thật nguyên vẹn này, thì chính chủ thể thường có nhận định là mình đã đi sau tới trễ đối với sự thật. Chính cảm nhận này sẽ hướng dẫn chủ thể thực hiện thêm hai việc: kiểm nghiệm lại mọi quá trình thực nghiệm (thật sự của sự thật) và đi thêm một bước hay nhiều bước nữa để được tiếp nhận sự thật đầy đủ mà không bị thiếu sót, để tiếp nhận sự thật được toàn diện, không bị phiến diện như là một sự thật tật nguyền.

Sự thật được khai sáng nhờ kiến thức, nhưng trước đó sự thật có thể bị vô thức của người trần mắt thịt vì đã quá cả tin vào chế độ đang quản lý sự thật, vào chính quyền đang quản trị sự thật; tệ hơn nữa sự thật còn có thể bị vùi lấp bởi mê thức, tới từ hậu quả của tuyên truyền, từ hậu nạn của kiểu lưỡi gỗ chỉ biết nghĩ, biết nói một chiều làm ra đêm giữa ngày, để ma quyền dễ gạt đi mọi phản biện. Khi vô thức song hành cùng mê thức thì sự thật bị coi như một hiểm họa vì sự thật có thể đặt lại toàn bộ vấn đề về tổ chức xã hội, trong đó có tư lợi của chính kẻ đang là nạn nhân của vô thức hoặc mê thức. Cụ thể là quan hệ xung đột giữa kiến thức với vô thứcmê thức là quan hệ trong đó quyền lợi đặt chủ thể của nhận thức vào sự tỉnh thức trước sự thật; hoặc ngược lại loại bỏ ý thức tới từ kiến thức để bảo vệ tư lợi trong vô ý thức.

Sự thật đưa kiến thức ra ánh sáng, mà ngay trong kiến thức cũng có loại kiến thức bị giấu giếm, để chỉ được chia sẻ kín đáo trong cùng bè đảng như trường hợp của ba lực lượng độc hại cho số phận Việt tộc hiện nay: bạo quyền lãnh đạo trong độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất, tất cả đều tham tiền. Chính chúng là giặc nội xâm, trực tiếp hay gián tiếp mở cửa cho ngoại xâm Tàu tặc, chúng sống bất lương để làm giàu bất chính, loại này luôn “mất ăn, mất ngủ” vì sự thật sẽ tới để lột mặt nạ của chúng. Vì vậy sự thật không bao giờ được chính thức hóa qua hệ độc (độc đảng, độc tài, độc trị, độc quyền, độc tôn). Sự thật xuất hiện trong xã hội không đơn thuần như sự chứng minh một định đề toán, không thuần chất như giải nghiệm qua thí nghiệm của các ngành khoa học thực nghiệm hóa, lý, sinh…. Sự thật xã hội là một mạng lưới có dây mơ rễ má trong sinh hoạt xã hội, có gốc, rễ, cội, nguồn trong đời sống xã hội, nơi mà quan hệ xã hội bị thao túng bởi những tư lợi; người ta giấu một sự thật vì người ta có quyền lợi trong sự che giấu đó, là nền cho sự dối trá của kẻ muốn bảo vệ tư lợi của mình.

Sự thật đối nghịch với sự mù lòa, khi người ta thấy một con voi to lớn giữa nhà, nhưng người ta giả vờ như không thấy nó, thì đó là kết quả của vô thức đã cộng nghiệp cùng mê thức để sinh ra hậu quả của vô ý thức, tức là không tỉnh thức trước kiến thức. Tại đây, tri thức của khoa học xã hội và nhân văn sẽ làm nên được ý thức để giúp quần chúng có được nhận thức về chính số phận của mình: chỉ có sự thật Việt mới nói rõ được số phận Việt, không có một mê tín, mê lộ, mê cung, mê chấp nào thay thế được sự thật. Sự thật được tìm ra bởi thiện ý như là một ý chí muốn nhập nội vào sự thật để hiểu tới nơi tới chốn sự thật. Tại đây, khi ý chí dựa vào thiện ý đã trở thành ý lực thì ý lực này chính là thể lực của niềm tin, cái tin này cũng là bước đầu của trí tuệ, giúp ta khởi hành trên lộ trình đi tìm ra cái lý để hiểu cái thật. Cả cái tin, cái lý sẽ tìm ra cái thật, nơi mà cái tin chọn cái lý để tạo nền tảng đón cái thật được tới.

Sự thật có thượng nguồn là chỉnh lý, để đi tìm cái đang ẩn sâu trong cái lý, khi xem sự thật khi được tung ra như một loại ánh sáng có sức mạnh vô song tới để khai phá ý chí của con người muốn biết tận gốc rễ của cái thật. Chính độ sáng mãnh liệt này làm ngời cái thật được hiện hữu tròn đầy rồi hiện hình trọn vẹn giữa nhân sinh. Nó có lực tập hợp rất lớn đưa cá nhân tới tập thể, đưa các cộng đồng riêng rẽ tới chung một số phận của một dân tộc sống để bảo vệ sự thật sáng rực này. Ánh sáng sự thật càng lớn thì nó tạo ra được sự thỏa thuận, làm nên sự đồng lòng của mọi người thì sức vận hành của nó trong xã hội con người rất mạnh. Sự thật xuất hiện để xóa đi sự ngờ vực, sự thật đứng vững với chân lý của nó, vừa bằng lý thuyết luận, vừa bằng phương pháp luận của nó, làm nên khoa học luận về sự thật, sẽ mang một giá trị tuyệt đối.

Sự thật được phân tích như một nghệ thuật sống mà con người biết tự thuyết phục mình trước cái hiển nhiên vì nó rõ ràng trong tuyệt đối, đó chính là sự thật. Mà muốn tới sự thật này thì phải biết yêu cái thật để thấu cái thật. Platon chắc chắn một điều là cái yêu đi tìm cái thật làm nên cái biết, cái hiểu về cái thật. Nhưng sự thật đi giữa tri thức quyền lực, sự thật luôn bị chi phối bởi hai cực này, ông tin là sự thật không vô tư và không vô điều kiện, vì cả hai tri thức và quyền lực đều không vô điều kiện. Platon chống lại quá trình của niềm tin khi nó đi tìm sự thật, ông giải thích là khi sự thật nằm giữa kiến thức và lòng tin, thì kẻ có lòng cả tin luôn có ảo tưởng đã là người nắm trọn được sự thật, nhưng thật ra là người đó đang nhốt sự thật vào lồng của niềm tin.

Sự thật tuân thủ các nguyên tắc khách quan thì niềm tin phải theo sự thật, chứ không phải ngược lại là sự thật phải theo niềm tin. Có ít nhất ba yếu tố cấu tạo ra sự thật: cơ cấu lý lẽ của sự kiện tại sao nó xuất hiện trong cuộc sống; sau đó là tính biến đổi của nó qua thời gian – đây chính là sử tính của nó; và cuối cùng là sự sống còn của nó qua các không gian khác nhau của xã hội con người. Trong sinh hoạt xã hội, quyền lực luôn tìm cách chi phối các tổ chức xã hội. Trong khi đi tìm sự thật Việt để hiểu số phận Việt, thì ai cũng biết là gần ngàn cơ quan truyền thông, dưới độc quyền của tuyên giáo qua độc tài trong độc trị của Đảng cộng sản Việt Nam, thì có chục ngàn bút nô, ký nô, văn nô được trả lương tháng để phục vụ cho một hệ thống truyền thông được tồn tại chỉ để viết những chuyện phản sự thật. Cái phản sự thật độc hại do độc đảng gây ra, từ nghèo nàn trong lạc hậu của xã hội Việt, tới các cuộc đấu tranh vì nhân quyền trong nhân phẩm qua dân chủ, thì đều bị vu cáo, vu khống, vu họa. Bọn bút nô, ký nô, văn nô hùa sủa với sự hỗ trợ vô điều kiện của bộ máy đồ sộ của tuyên giáo vang danh nhờ man trá.

Sự thật có cội là vốn liếng của gia đình đó trong quan hệ xã hội. Vốn kinh tế tạo nên vốn quen biết, rồi lấy vốn quan hệ xã hội để lợi dụng trên vốn chung của xã hội, lợi dụng rồi lạm dụng là động cơ chính để bảo vệ tư lợi; cụ thể là tìm quyền để có quyền, và khi có quyền thì lạm quyền. Nên nguồn cội là quyền lợi qua tiền tệ-hậu duệ-quan hệ của một nhóm có thể làm giàu cá nhân đó, là con ông cháu cha dễ thành đại gia; và ngược lại thì chuyện dân chúng lại nghèo đi, chật vật trong nheo nhóc, dễ thành dân đen, và chỉ một sớm một chiều bị cướp đất, cướp nhà là thành dân oan.

Sự thật của xã hội Việt Nam hiện nay có thể nhìn qua các nạn nhân của quyền lực qua đàn áp do công an trị được trợ lực bằng bạo động qua các hệ thống truyền thông, báo chí phục vụ ý đồ của tuyên giáo. Ta lại càng không quên: bạo động truyền thông với giọng điệu của chính quyền bắt buộc dân tộc phải nghe sự dối trá như là chân lý; để từ đó chôn vùi thực chất của sự thật, tạo nền tảng để chính quyền này dễ vu khống để vu cáo, dễ điêu ngoa để chụp mũ sự xuất hiện của mọi lẽ phải. Sự dối trá bằng phản xạ điêu ngoa luôn vùng vẫy trong bùn nhơ phản sự thật.

Sự thật mở cửa cho lương tri, vì chủ thể có lương tâm trong hành động, làm nên tính lương thiện trong lý luận đưa chủ thể đó về hướng: phải nói thật để phải thật khi nói, mặc dù có thể bị xử tử bởi bạo quyền lãnh đạo, bị ám hại bởi tà quyền tham quan, bị trừng phạt bởi ma quyền tham tiền. Khi nói thật để bảo vệ sự thật như chân lý để đi tìm lẽ phải, thì sự thật chính là tiền đề của đạo lý biết sống bằng hay, đẹp, tốt, lành trong mọi sinh hoạt xã hội, của luân lý làm nên điều hay lẽ phải trong trách nhiệm và bổn phận của một công dân đối với xã hội mà mình đang sống. Sự thật của xã hội được sự xếp hạng thứ tự trong những giá trị mà xã hội đó tôn vinh, chính sự xếp hạng này cho phép hoặc không cho phép một sự thật xuất hiện, tại đây có khen thưởng hoặc có trừng phạt. Sự thật chỉ được thuyết phục bởi cái lý, nhưng chính Platon cũng khuyên ta hãy cẩn trọng khi sự thật bị chính cái lý thông thường, phổ quát mà thực chất là phản sự thật, đang có sẵn trong tín ngưỡng vây bủa, bóp chết sự thật ngay trong trứng nước bằng cái lý độc tôn có trong độc quyền để chống lại sự thật đó.

Sự thật tác động vào lòng tin, nơi mà lòng tin có kiến thức riêng của nó, có cái lý riêng để định vị, cụ thể là con người không muốn tin những sự thật mới tới để rồi lật đổ các niềm tin đã có trong con người. Sự thật có thể nằm im lìm trong quên lãng, trong những gì mà người ta không muốn hiểu, những gì mà người ta không muốn biết. Khi sự thật đụng chạm tới tư lợi, đây là chuyện thường tình của nhân gian, nên trong khoa học cũng có chuyện tranh giành quyền lực như trong chính trị, trong tôn giáo cũng có chuyện tranh giành quyền lợi như trong kinh tế…. Nếu ta muốn bảo vệ sự thật khách quan, tới với chân lý của sự việc, chúng ta không bảo vệ sự thật một cách chung chung, mà trước hết là bảo vệ lý trí của sự thật làm nên chân lý cho lẽ phải.

Sự thật trước quyền lực và quyền lợi, nơi mà sinh hoạt xã hội được tạo ra từ hai loại người kẻ thống trịkẻ bị trị. Kẻ thống trị nắm không những quyền lực, mà còn thao túng luôn cả tri thức. Bằng thủ đoạn của mình, qua chính quyền thuộc về mình, với mục đích kéo dài chế độ thống trị, nơi mà sân chơi, trò chơi, luật chơi được tổ chức rồi giật dây để khống chế rồi áp bức kẻ bị trị. Tại đây, kẻ ăn trên ngồi trốc làm giàu qua sự bóc lột những người cày sâu cuốc bẫm; kẻ thống trị thì ngồi mát ăn bát vàng sống trên lưng những người lưng đội trời, mặt áp đất; kẻ thống trị này đi trên vai những người một nắng hai sương bằng thói ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau; kẻ thống trị này lại tự cho phép mình nằm chờ sung rụng lại còn dẫm lên đầu những người thức khuya dậy sớm qua sưu cao thuế nặng – đây chính là họa nạn của Việt tộc hiện nay. Sự thật của xã hội Việt hiện nay là kẻ thống trị vừa lạm dụng mọi sinh khí xã hội, vừa bóc lột tới tận cùng xương tủy kẻ bị trị.

Sự thật vạch mặt chỉ tên bạo quyền, nơi mà đời sống Việt hiện nay là kẻ thống trị vừa bòn rút, vừa trấn lột kẻ bị trị. Kẻ thống trị quây quần với nhau để lập ra những tập đoàn quyền lực, tạo ra bất công tuyệt đối kẻ ăn ốc, người đổ vỏ như ta thấy qua thảm kịch của dân đen hiện nay bị lợi tức tàn mạt, ngày ngày sống với lạm pháp phi mã. Lực lượng thống trị chung quanh Đảng cộng sản Việt Nam sống bằng bạo quyền độc tài trung ương, bằng tà quyền tham quan địa phương, ma quyền chung quanh các nhóm lợi ích, có sân sau, có ô dù, được chống lưng, hít vào bằng biển thủ, thở ra bằng gian lận… tồn tại như các ký sinh trùng bòn rút tài nguyên của đất nước, tiền tài của dân tộc. Các ký sinh trùng này được “tẩm bổ” để trở thành một tập đoàn tội phạm trong hệ độc: độc đảng để độc tài, độc trị để độc quyền, độc tôn để độc quyết, bất chấp mọi độc hại tới với đồng bào, đất nước.

Sự thật có ngay trong sự bất bình đẳng của xã hội; có ngay trong sự bất công xã hội đó; có ngay trong sự bất nhân xã hội đó, có ngay trong sự vô luân của kẻ thống trị bấp chấp đạo lý hay, đẹp, tốt, lành của tổ tiên đã làm nên luân lý của cộng đồng Việt biết sống có trách nhiệm với đất nước, làm nên đạo đức của dân tộc Việt biết sống có bổn phận với đồng bào. Sự thật là vũ khí để chống độc tài luôn tìm cách che lấp sự thật. Sự thật cũng là vũ khí chống mỵ dân của độc tài, chống đạo đức giả của độc đảng. Sự thật tới để lật mặt nạ của bạo quyền trong bất bình đẳng, của tà quyền trong bất công, sự thật giải thích dựa trên các công cụ phân tích về số kiếp của kẻ bị trị, để kẻ này thấy rõ số phận mình qua các bẫy của kẻ thống trị, khi kẻ thống trị xem kẻ bị trị như công cụ để lợi dụng rồi bóc lột.

Sự thật có mặt trong sự bất công, chính cái bất tín làm nên sự bất công, là cái phản sự thật đang xiết cổ sự thật, bất công được tồn tại để bất nhân được che giấu. Con người sẽ tìm ra sự thật của số phận mình ngay trong sự nổi dậy chống bất công, đây là một mệnh đề mới của học thuật đương đại, vì sự nổi dậy để lật đổ độc tài chính là gốc, rễ, cội, nguồn của bất công, và bất nhân đưa ta tới con đường của sự thật. Sự nổi dậy luôn dùng tự do của mình để tái tạo lại công bằng bác ái làm nên nội chất của Cộng hòa, tạo ra thực chất của dân chủ, đây chính là chân trời của sự thật. Không phải chỗ nào có bất công là chỗ đó có nổi dậy, nhưng chỗ nào nổi dậy rồi chỗ đó chắc chắn có bất công! Đây cũng là thử thách để kiểm chứng Việt tộc có phải là một minh tộc hay không trước cuộc sống hiện tại của chính mình? Đây chính là thử nghiệm để xác chứng Việt tộc có phải là một dũng tộc hay không trước tiền đồ của tổ tiên, trước vận mạng của đất nước, trước tương lai của giống nòi?

Lê Hữu Khóa

(13/12/2019)

Giáo sư Đại học Lille, Giám đốc Anthropol-Asie, Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á, Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc, Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Bình luận về bài viết này