Trí thức xưa: những bài học
Chủ thể của thông minh suy quyết
Chủ thể có tư duy để suy quyết khẳng định sự thông minh của nhân loại tới từ sức mạnh của lý trí tự do, được chế tác ra từ các trải nghiệm, các kinh nghiệm, các thử thách, các thăng trầm mà lý trí đã tiếp thu được từ sự thực để nắm chân lý, lẽ phải. Chính lý trí đã dắt tư duy, đã đưa suy quyết vào sung lực của chủ thể. Chủ thể mang sự sáng suốt là nếu muốn thay đổi thế giới, trước hết phải biết thay đổi mình, rời bỏ ích kỷ để tiếp nhận nhân từ, rời bỏ cái tôi tự cung tự cấp để đón nhận cái chung trong chuyện lợi ích chung, biết chia sẻ công bằng để sống chung trong công lý. Chân dung của chủ thể thông minh suy quyết chính là lý lịch trí thức của Lê Quý Đôn. Thế kỷ XVII, Ngài đại diện cho hình ảnh của kẻ sĩ: thích học hành, ham khám phá, trí nhớ cao. Ngài là đứa con tin yêu vì tinh thông của quê hương Thái Bình, nhân dân yêu quý ngài, tặng nhau câu này: “thiên hạ vô tri vấn bằng Đôn”, ai không biết thì hỏi Lê Quý Đôn. Ngài đỗ cả ba kỳ thi, năm 17 tuổi thi Hương, năm 27 tuổi thi Hội, sau đó là thi Đình, Ngài đỗ Bản Nhãn, làm quan cho nhà Lê-chúa Trịnh. Ngài cũng là hình ảnh người thật trong học thật và khám phá thật, hoàn toàn ngược với sự suy đồi hiện nay trong nền giáo dục với bao kẻ mua bằng để mua quyền, bán chức, gian lận trong học giả-thi giả-bằng giả. Mà đến cả ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ lại tai tiếng vì đạo văn; đến cả Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Kim Tiến, thi học vị giáo sư đại học rồi lại bị thu hồi vì không đủ hoặc không có trình độ. Trước mắt bao thế hệ trẻ đây là một nền giáo dục từ suy đồi qua đốn mạt, với các Bộ Trưởng giả học. Ngài đại diện cho sự tinh thông toàn bộ, sự minh thông dường như toàn diện, Ngài nghiên cứu về khoa học tự nhiên, Ngài phân tích xã hội, giáo dục, văn hóa… với khối kiến thức đồ sộ. Ngoài tác phẩm lớn là Vân Đài Ngoại Ngữ, Ngài có những công trình kiến mà hậu thế phải cúi đầu khâm phục, cả một cuộc đời dâng hiến cho học thuật. Ngài còn là nhà sử học, nhà tư tưởng, nhà chính trị học, nhà đại lý học, nhà ngôn ngữ học… với các tác phẩm thông thái: Đại Việt Thông Sử, Thủ Biên Tạp Lục, Bác Sứ Thông Lục; Kiến Văn Tiểu Lục, Thư Kinh Diễn Nghĩa, Xuân Thu Lược Luận… Ngài là tấm gương thật sáng, là nhà trí thức chân chính cho tất cả trí thức, sinh viên, học sinh đang khao khát học hỏi, muốn dứt khoát thoát hoạn nạn trong tà thuật của mua bằng để mua quyền, bán chức, trong ma thuật của học giả-thi giả-bằng giả. Ngài có nhân cách một nhà nghiên cứu, một nhà giáo được người đời tôn kính, trong truyền thống hiếu học của Việt tộc, biết tâm niệm chuyện tầm sư học đạo để tôn sư trọng đạo, hậu thế này cứ mong có được một người thầy như Ngài, để học cho thỏa chí, thỏa trí, thỏa khí!
Chủ thể của ý thức về nhân phẩm
Chủ thể tôn vinh ý thức về phẩm chất con người: nhân phẩm, nên chủ thể chính là tự do đấu tranh vì phẩm chất đó. Chủ thể dựa vào giáo dục vừa để giáo dưỡng cá nhân, vừa để trao truyền các nhân thức vì nhân tri qua các thế hệ. Chủ thể sử dụng tự do thể hiện nguyện vọng sống trong hạnh phúc, với ý nguyền được sống chung với đồng bào, đồng loại trong liêm sỉ. Chủ thể chuyển hóa hoài bão tới phương án cụ thể để hoàn hảo hóa nhân lý cho thật chỉnh lý, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hành động vì tự do. Chủ thể tôn trọng tự do chọn lựa, từ chối áp đặt, phản đối áp chế, vì đó là bản chất của bạo quyền. Chủ thể tôn trọng độc lập suy nghĩ, chống lại bạo quyền đã tước quyền tự do nhân luận, để độc quyền tư duy trong độc đoán của độc đảng. Phan Bội Châu, chính là chân dung chủ thể của nhân thức vì nhân tri, đứa con cứng cáp của quê hương Nghệ An, quê hương của các kẻ sĩ ham học và yêu nước, dâng cho đất nước nhiều anh hùng, vừa có thư, vừa có kiếm, biết dấn thân để cứu nước. Dưới ách thống trị của thực dân cạnh một triều đại phong kiến hủ bại, Ngài chủ trương cách mạng triệt để qua giáo dục quần chúng, chấp nhận đấu tranh bạo động, Ngài muốn lập nên Cộng Hòa Dân Quốc Việt Nam. Ngài đi cả nước, gặp các chí sĩ cùng thời: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp… để bắt mối đồng tâm. Ngài kề cận phong trào Cần Vương, Ngài hiểu Cường Để. Năm1904, lập hội Duy Tân tại Quảng Nam năm 1905, Ngài cùng Tăng Bạt Hổ qua Trung Quốc, tại đây Ngài đã gặp Lương Khải Siêu đã khuyên Ngài nên dụng thơ văn để khơi dậy lòng yêu nước của Việt tộc. Đông Du, tại Nhật Ngài đã gặp Phan Chu Trinh, nhưng bất đồng ý kiến về hai thể chế, Ngài chọn quân chủ và cụ Phan Chu Trinh chọn dân chủ qua nhân trí.
Ngài chủ xướng phong trào Đông Du với hàng trăm du học sinh. Chân trời mới lập ra lý tưởng mới, xuất dương vì yêu nước. Chủ trương Việt Nam Quang Phục Hội, là phải đuổi Pháp cho bằng được, chúng bắt giam Ngài tại Hàn Châu, Trung Quốc, xử án chung thân, nhưng phong trào bảo vệ Ngài nổi lên khắp nước, lan cả sang Pháp, sang Trung Quốc, thực dân phải đổi án qua: quản thúc. Tầm vóc chủ thể của Ngài là: chính trị đi đôi với văn hóa, trong đó nhân cách chính trị song hành cùng nhân cách văn hóa, đây là mô hình lãnh đạo chính trị với kiến thức uyên thâm của Ngài. Đây là một bài học vừa hiện đại, vừa cụ thể cho các kẻ lãnh đạo hiện nay của ĐCSVN: không có kiến thức uyên thâm thì làm sao có văn hóa, không có văn hóa thì làm sao lãnh đạo chính trị? Các tác phẩm của Ngài luôn khơi dậy lòng yêu nước, chống thực dân Pháp, Ngài là người thầy của mô hình giáo dân trong giáo dục (một ngày mà không học là một ngày bị đe dọa mất nước), vì kiến thức dựng lên nhân tri, kẻ lãnh đạo phải vững nhân trí để trì vị với nhân tâm. Qua sự nghiệp trí thức của Ngài (Phan Bội Châu toàn tập, 10 tác phẩm, hơn 5000 câu), hậu thế thấy tâm huyết của Ngài: «… Đúc gan sắt để dời non lấp bể. Xối máu nóng để rửa vết nhơ nô lệ…». Tâm huyết của Ngài đến cuối đời đã thành huyết lệ, để trước khi từ trần để lại cho mai sau một bài học về lương tri trí thức, về lương tâm kẻ yêu nước: «Tôi có chí mà không có tài… tôi xin chịu tội với nhân dân…». Cuối cùng là một câu hỏi cho tất cả những ai vì nước-vì dân, tự chối và không chấp nhận đứng ngoài vận mệnh của dân tộc: «Hào kiệt đi đâu, giang sơn trơ đó!».Tầm vóc chủ thể của Phan Bội Châu là: chính trị đi đôi với văn hóa, vậy Ngài nghĩ sao về thảm trạng xã hội Việt hiện này dưới chế độ công an trị hiện nay của ĐCSVN:
- Một xã hội là nạn nhân của một tập đoàn lãnh đạo vô học-thực, cho sản sinh ra đại nạn của học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả, có học vị mà không có học lực, có học hàm mà không có học thật.
- Một xã hội là nạn nhân của một tập đoàn lãnh đạo vô tâm-thực, đưa cả dân tộc vào sa đọa của vô cảm, vào tha hóa của vô tri, vào âm vực của vô giác; đánh mất nhân tính trước đồng loại, đánh lạc nhân đạo trước đồng bào.
- Một xã hội là nạn nhân của một tập đoàn lãnh đạo qua bạo động cướp chính quyền, qua bạo lực của công an, từ khi nắm được quyền lực trong độc đảng của toàn trị thì không đề nghị một luân lý cộng đồng nào, một đạo lý tập thể nào, một đạo đức quốc gia nào cho Việt tộc.
Chủ thể của tuệ giác truyền luận
Chủ thể dùng tự do để dắt tự chủ tới nổi dậy, với ý thức của kiềm chế nổi giận có thể đưa đến nổi loạn, từ đó giết chính nghĩa của chủ thể. Biết bảo vệ chính nghĩa của chủ thể là biết đấu tranh bền vững vì tự do, đây là sự trưởng thành sáng suốt và tỉnh táo của các phong trào dân chủ và nhân quyền của Việt Nam trong những năm qua. Chọn bất bạo động song hành cùng đấu tranh ôn hòa, chọn đối thoại để tranh luận, chọn đàm thoại để đàm phán, là nội chất thông minh của chủ thể, vừa có chính nghĩa vừa có lý trí, vừa có trí tuệ trao luận vừa cho tuệ giác truyền luận. Chủ thể vượt lên thiên nhiên, vì tự do đã rời bản năng «đói ăn, khát uống», vì tự do từ chối kiếp «ăn tươi nuốt sống» để chọn cuộc sống: có hậu. Tự do vượt luôn qua thượng đế, vì tự do chịu nhận kiếp người để tự đổi kiếp người, để tự thăng hoa trong công bằng và bác ái qua đường đi nẻo về của tự do. Chủ thể biết tự cứu chống tha hóa, vì biết tự trọng đối với chính nhân phẩm của mình, trước một xã hội suy đồi từ đạo đức tới giáo dục, có thể dẫn tới sự suy vong của một dân tộc. Tự do để tự cứu vừa vì tồn sinh của đất nước, vừa vì tiền đồ của tổ tiên. Chủ thể để chống diệt vong, trước mưu đồ xâm lăng của Tàu tặc, trước một ĐCSVN được xếp loại là «hèn với giặc, ác với dân».
Hãy nhận ra chân dung chủ thể của Phan Chu Trinh trong lời kêu gọi “Hỡi những người tuổi trẻ tài cao… rủ nhau đi học mọi điều văn minh”, Cụ cả đời bị ám ảnh bởi chữ văn minh, vì Cụ biết chỉ có chữ đó mới đưa Việt tộc tới con đường phát triển, mới cứu Việt tộc ra khỏi con đường lạc hậu, nô lệ, độc tài… Cụ đậu phó bảng, nhận chức Thừa Biện Bộ Lễ. Cụ đi Pháp, sang Nhật, cổ vũ cho một dân tộc phải tìm lối ra bằng văn minh, lấy nhân trí làm nhân tri, lấy nhân tri dựng nhân sinh. Cụ vừa vận động cho dân chủ nơi mà cải cách đất nước đi đôi với thực hiện dân chủ, dân giàu nước mạnh qua trí của nhân, lý của khoa học, luận của văn minh. Thời đó, cụ hiểu dân quyền sẽ tạo cường lực cho dân sinh, chế tác ra dân khí, giúp dân tộc thăng hoa, đây là nguyên tắc căn bản phong trào Duy Tân. Chính sách này với phương pháp luận tinh thông của nó không hề lỗi thời, và nếu chính trị của ĐCSVN mà lương thiện trong chính quyền bằng lương tri trong chính phủ thì phải nghiên cứu thật kỹ, thật rõ đường lối của cụ Tây Hồ để cứu nước-cứu dân. Cụ thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (học đường vì nghĩa), cũng là một bài học rất hiện đại và hữu hiệu cho mọi cải cách giáo dục hiện nay, nơi mà chính sách giáo dục đang đi moi tiền-móc túi, từ phụ huynh tới học sinh. Tại sao hiện nay, lại có một cơ chế giáo dục đang bần cùng hóa các gia đình, các bậc cha mẹ bằng học phí quá cao? Trong“Bản yêu sách của nhân dân An Nam” viết tại Pháp, Cụ chỉ ra ưu tiên cho giáo dục là ưu tiên cho dân trí, trong chủ trương khai trí cho dân, qua kinh nghiệm cụ thể của Pháp, của Nhật… Với Cụ, giảng dạy đi đôi với diễn thuyết, lấy lý để luận, lấy tri làm trí… với vai vóc trí thức thật sự, ngược hẳn với các kẻ luồn lách hiện nay trong nền giáo dục đồi trụy học giả-thi giả-bằng giả, không có học thực mà đòi học hàm, không có học lực mà đòi học vị, chưa bao giờ lên đứng trên bục bảng mà đòi chức giáo sư. Chưa hiểu lý làm sao lập được luận, kiến thức giả thì làm sao quang minh chính đại thảo luận để tranh luận; bằng cấp giả thì làm sao giải luận qua diễn luận. Buôn chức, bán quyền không sao có chỗ trong kiến thức, trong giáo dục, trong học đường. Bọn học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả luôn lẩn tránh hội nghị, hội luận, hội thảo quốc tế, nhưng cũng luôn lén lút buôn giáo dục để tham ô, tham nhũng. Xin Tây Hồ tiên sinh chỉ giáo để giúp Việt tộc thoát hiểm để thoát nạn-giả-học hiện nay:
- Có bằng cấp thạc sĩ mà chưa bao giờ đặt chân tới đại học.
- Có bằng cấp tiến sĩ mà chưa bao giờ nghiên cứu trong một trung tâm nghiên cứu.
- Có học vị tiến sĩ, có học hàm phó giáo sư, rồi giáo sư mà chưa bao giờ có đóng góp trong học thuật quốc tế qua hội thảo, hội luận, hội nghị.
- Có học vị tiến sĩ, có học hàm phó giáo sư, rồi giáo sư mà chưa bao giờ có đóng góp trong học thuật quốc tế qua tập chí, tập san.
- Có học vị tiến sĩ, có học hàm phó giáo sư, rồi giáo sư mà chưa bao giờ có đóng góp trong học thuật quốc tế bằng chuyên môn, chuyên nghành, chuyên khoa của mình.
Hậu thế biết chắc bẩm một điều là chủ nhân của nạn-giả-học (học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả) không bao giờ trở thành chủ thể cả!
Chủ thể dụng tự do, vận tự chủ, dựng tự trọng
Chủ thể sử dụng tự do, vận dụng tự chủ bằng tự lực trong quá trình khai thác hệ tưởng để minh bạch hóa: ý tưởng biến tự do bên trong thành hành động bên ngoài; ý thức đi tìm hạnh phúc khi đã từng chịu đựng khổ đau, ý muốn sống trong công bằng vì đã là nạn nhân của bất công; ý định biến hiện tại xấu thành tương lai tốt; ý lực đưa hành động tự do của mình vào ngay đời sống xã hội. Chủ thể biết sáng tạo để tự hành động là chống lại bạo quyền đang đe dọa, khống chế, đàn áp tự do qua bạo lực có mặt trong cuộc sống. Tri thức của tự do không nhất thiết phải dùng bạo động để giành tự do mà có thể xua đuổi, xóa bỏ các bạo lực chống lại tự do qua phương trình thông minh của đối thoại-đối chất-đối luận. Chủ thể mở để học thấy rõ qua chân dung Nguyễn Trường Tộ. Học Sĩ này nhận ảnh hưởng văn hóa phương tây, mặc dù sinh ra từ một gia đình nho giáo, Cụ đã thấy rất sớm phải mở cửa để học bên ngoài, mở cửa để chống lạc hậu, để đưa dân tộc đi lên. Cụ hiểu đạo Ki Tô giáo và có thể theo đạo giáo này, nhưng Cụ cũng hiểu là chuyện truyền đạo này có âm mưu với thực dân trong thời đấy. Nhưng chính vẫn là chuyện triều Nguyễn thời đó phải tức khắc dẹp “bế môn tỏa cảng”, bỏ chuyện “ngăn sông cấm chợ”, mà hậu quả chuyện bài thị các sức mạnh của phương Tây về khoa học kỹ thuật gây ra bao hậu quả cho đất nước, cho dân tộc. Chính vì lạc hậu về khoa học kỹ thuật, mới lạc điệu với thời cuộc, để thực dân “đè đầu, đè cổ” dân ta.
Cùng lúc đó Nhật Bản đã vào thời đại của Minh Trị Thiên Hoàng để liên tục phát triển cho tới nay. Chuyện lạc hậu của đất nước Việt trong thế kỷ của Ngài là lỗi của triều Nguyễn, của bọn quan lại vô minh chỉ biết vơ vét tiền của nhân dân: đúng như hoạn bịnh mà xã hội Việt hiện nay đang gánh chịu trong một chế độ độc đảng mà tham quyền sinh đôi cùng tham nhũng. Cuộc đời của Cụ gắn liền với bảng 56 điều trần lên vua để canh tân đất nước, tâm huyết tri thức và ý lực trí thức của Cụ là ở đây. Cụ chủ trương bước đầu của lãnh đạo của đất nước là nên hòa với Pháp để học, nhưng bản thân Cụ không hề cộng tác với Pháp. Cụ phân tích rõ ràng là phải củng cố lương lực, qua các chương trình đào tạo về cơ khí, kiến trúc, kể cả về luật, cùng lúc xem lại toàn bộ các mạch giao thông trên toàn đất nước, và đất nước Việt phải có nông học để tăng mạnh về nông nghiệp. Quyết tâm trí thức của Cụ thật rõ, không ngừng ở lý thuyết, Cụ muốn tham gia tích cực, trực tiếp vào các công trình do chính Cụ đề nghị, nhưng Vua không nghe, bọn tham quan ngăn chặn các công trình này với bao ngờ vực, với bao vô minh của một cơ chế dày đặc bọn tham quan “sâu dân, mọt nước”. Triều Nguyễn không nghe, gian thần ngăn chặn, Cụ mang bao u uất và rút lui, ở ẩn, nhưng Cụ vẫn viết, vẫn điều trần, vẫn thiết tha với vận mệnh của dân tộc, cho đến khi bại liệt, thành phế nhân. Cả đời Cụ không rời chuyện học, nghiên cứu, thực nghiệm qua mắt thấy tai nghe qua các chuyến Tây du. Cụ thấy rõ một quân đội mà lính là nông dân với giáo, đao, gậy, gộc thì không thể thắng được thực dân có khoa học kỹ thuật trong tay, chúng chỉ cần nã đại bác trước, rồi chúng vào Gia Định, vào Đà Nẵng như vào chốn không người. Thảm kịch của đất nước trong tay một tầng lớp lãnh đạo bịt mắt-bịt tai không nghe trí thức, y như thảm kịch ngày nay của thời độc đảng-độc quyền của ĐCSVN, được Cụ đúc kiếp qua lời cuối trước khi vĩnh viễn ra đi: “Một bước sa chân muôn kiếp hận… Đất nước Việt này ai là chủ? Muốn đem tâm sự hỏi trời đây!”
Hoạn cảnh làm nên hoạt cảnh “sân sau”, hoạt thảm “chống lưng”chính là thảm cảnh của Việt tộc hiện nay: bạo quyền lãnh đạo để độc quyền trong độc tài; tà quyền tham quan để tham nhũng; ma quyền tham đất, tham tài nguyên vì tham tiền: chúng chỉ là một! Một lực lượng đang đưa Việt tộc vào hoạn lộ âm binh của chúng!
Chủ thể tìm thông minh, nhận thông thạo, tiếp thông thái
Chủ thể có sự thông minh nắm bắt được cái duyên của các chuyện hay, đẹp, tốt, lành, biến sơ ngộ thành hạnh ngộ, để tao ngộ với năng lực tái tạo lại điều kiện thuận lợi cho việc tái ngộ, bằng tiềm năng của hệ thức (kiến thức, trí thức, ý thức, nhận thức) đưa nhân tính về hướng nhân trí của hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo). Chủ thể có sự thông minh đề nghị chúng ta phải cân, đo, đong, đếm trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt xã hội, trong quan hệ xã hội, bằng thực nghiệm (một duyên, hai nợ, ba tình), bằng khoa học (duy lý, chỉnh lý, hợp lý). Và, tự do bó buộc chúng ta phải tra, truy, xét, kiểm lại chính ý thức của chúng ta trước các bất công vẫn còn tồn tại trong xã hội để làm người với phẩm chất của tự do. Chủ thể ngay trong ngôn ngữ, chính là mức độ và trình độ làm người, muốn hay không tiếp nhận nhân trí, để dùng tự do mà đòi hỏi nhân sinh phải có nhân tính. Nhân tri của Trương Vĩnh Ký đầy đủ chân dung chủ thể Việt thuở giao thời, bên trong phong kiến thủ cựu, bên ngoài phương Tây tiến bộ. Người đời truyền tụng ông là một kiệt xuất về ngoại ngữ: thông thạo tiếng Miên, tiếng Lào, tiếng Xiêm, cùng với tiếng Pháp, tiếng Ấn Độ, tiếng Tây Ban Nha, kể cả tiếng Hy Lạp…. Ông đi nhiều, biết nhiều, được Hàn Lâm Viện Pháp mời làm thành viên. Ông là đứa con thông thái của Nam Kỳ, là nhà bác học nghiên cứu về khoa học tự nhiên, xã hội, văn hóa…. Ông học với người Pháp, làm việc cho Pháp khi đó là thực dân đang đô hộ đất nước ta, những kẻ thấy ông được chính quyền Pháp trọng đãi một thời, thì họ «không tha» cho ông. Ông làm «thông ngôn» cho chính quyền bảo hộ Pháp, thì họ coi như đã «thông đồng» với Pháp, họ mỉa mai ông là: người tài nhưng làm tay sai cho Pháp! Cuộc đời của ông mang bao nghịch lý, năm 1862 ông trong phái đoàn Pháp, đi thương lượng với triều Nguyễn để lấy ba tỉnh miền Đông Nam kỳ; sau đó ông lại theo Phan Thanh Giản qua Pháp để chuộc lại ba tỉnh đó, nhưng thất thành.
Ông được các kẻ cầm quyền có tài của Pháp, các trí thức đương thời quý trọng, nhờ các ưu ái này ông được đi thăm nhiều nước Tây Âu. Đi nhiều nên thấy nhiều, thấy nhiều nên hiểu nhiều, bao lần ông khuyên triều đình phải canh tân đất nước, nhưng không ai nghe ông. Ông đủ bản lĩnh làm gạch nối giữa hai văn hóa Âu-Việt theo mô hình của V. Hugo là người ông rất khâm phục: giáo dục và báo chí là hai động lực để một đất nước có được văn minh và phát triển. Năm 1869, Ông cho ra đời Gia Định báo, Ông luôn vận đông đưa thanh niên đi du học, với châm ngôn: “phải đi và phải về để phục sự đất nước”. Ông quan niệm một công dân tốt phải là trò tốt và thầy tốt, phải làm được cả hai, Năm 1874, Ông tham gia giảng dạy trường đào tạo tham biện. Năm 1883, ông được bầu là Viện Sĩ Hàn Lâm Viện Pháp; Năm 1864, Ông là Cơ Mật Viện cho vua Khải Định. Năm 1865, có tên đô đốc Pháp sau khi tấn công các phong trào khởi nghĩa của miền Nam đã dùng lời hăm dọa, yêu cầu ông dịch văn bản của nó qua tiếng Hán. Ông làm ngược lại là dịch một bài thơ của Bùi Hữu Nghĩa từ chữ Nôm ra quốc ngữ: Ai khiến thằng Tây tới đây ha! Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba… Nam kỳ chi thiêu người trung nghĩa”. Ông viết Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Ông dịch Địa Lý An Nam lịch sử ra tiếng Pháp, Ông yêu quý văn học nhân gian mà ông gọi là vàng ròng của văn hóa Việt. Ông mến chuộng Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Ông luôn tham gia tích cực vào việc phát triển đất nước, nhân dân miền Nam thời đó để tên ông vào Tứ bất Tử (không bao giờ chết). Ông luôn xem kiến thức là nguồn sống: đây là bài học cụ thể cho sinh viên, thanh niên, và là bài học cấp bách nhất cho các lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay, bớt tham quyền mà nên quý kiến thức, dụng nhân tài, lấy đó làm ưu tiên để phát triển đất nước, để thay đời, đổi kiếp theo hướng thăng hoa cho Việt tộc. Trương Vĩnh Ký nghĩ sao về mức độ nhân tính và trình độ nhân tri của các lãnh đạo đang độc đảng để độc quyền, độc tài nhưng bất tài, chuộng độc trị nhưng không biết quản trị:
- Có điều kiện hòa bình trong toàn cầu hóa hiện nay để có thời gian và thuận lợi để học văn minh, văn hiến của nhân loại tiến bộ mà không chịu học!
- Có điều kiện thái hòa trong thế giới hóa rộng lãnh thổ, bớt biên giới để có địa bàn rộng khắp để học dân chủ, nhân quyền của nhân sinh bình đẳng mà không chịu học!
- Có điều kiện lãnh đạo chính trị trong hợp tác quốc tế hiện nay để có cơ hội toàn hảo thật sự được học thật với thi thật, điểm thật, bằng thật, để vĩnh viễn loại đi hoạn bịnh của giáo dục hiện nay là học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả.
GS Lê Hữu Khóa
***
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.