Dân chủ toàn dân và trực tiếp(*)
Thứ nhì, đa số các nền dân chủ trên thế giới đều theo mô hình các chính đảng cử đại diện ra cho dân chúng bầu chọn,người dân vẫn chưa có cơ hội bình đẳng trong việc đề cử và ứng cử vào các chức vụ công quyền, nhất là ở cơ quan quyền lực cao nhất là quốc hội. Nền chính trị gần như được vận hành bởi các chính đảng và chính khách chuyên nghiệp, chưa mang tính toàn dân. Quyền dân gần như chỉ được thể hiện gián tiếp qua các chính đảng. Tại Mỹ, chỉ đảng viên hai đảng lớn (Dân Chủ và Cộng Hoà) là có cơ hội lọt vào trong lưỡng viện quốc hội, hiếm hoi mới có một hai dân cử độc lập. Ở các quốc gia đa đảng khác cũng tương tự, tức đảng viên các chính đảng mới có cơ hội trúng cử.
Để đáp ứng tính toàn dân, phải thực hiện cùng lúc ba nguyên tắc: bình đẳng cơ hội (opportunity), nghĩa vụ (duty, obligation) và quyền lợi (benefit), trong đó bình đẳng cơ hội là quan trọng nhất. Ai cũng có nghĩa vụ đóng thuế, ai cũng được quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu, nhưng người thì có nhiều cơ hội nằm trong cơ quan thiết kế và thi hành chính sách quốc gia, người thì không. Cơ hội chưa bình đẳng thì bình đẳng vềnghĩa vụ vàquyền lợi không còn mấy ý nghĩa.
Lý Đông A nhận định rằng chính trị là công việc của toàn dân, ông gọi là quốc dân, trong đó bao gồm những người tham gia vào guồng máy chính trị, được gọi là công dân. Quốc dân nào cũng có cơ hội trở thành công dân nếu đủ điều kiện (ví dụ 18 tuổi) qua các khoá huấn luyện có thi cử tốt nghiệp. Khi trúng cử và nắm giữ một chức vụ công quyền, nếu không làm được việc hay mất lòng dân thì phải từ chức, hoặc bị cử tri đòi phải từ chức chứ không chờ hết nhiệm kỳ, hay lại ra tranh cử nữa, có ai thắng mới xuống. Tham gia chính trị là để phục vụ xã hội chứ không phải tìm kiếm quyền lực cho mình hay cho nhóm mình (đảng). Tinh thần tư đảng không còn để tất cả trở thành công đảng– đảng mà không đảng,hay một từ khác ông sử dụng là vô đảng. Vô đảng hay công đảng là để nhấn mạnh đến tinh thần công cộng – công ích và công lợi (public interests), có thể xem như‘công đảng hoá’ toàn dân.
Mục đích đảng hoá toàn dân không phải là để xây dựng một hệ thống độc đảng hay đa đảng như ta thường thấy, mà là đoàn ngũ hoá cho nhân dân sống có lý tưởng, có kỷ luật, làm việc có phương pháp để mọi người cùng sống và giúp nhau tiến bộ, đồng thời để trực tiếp lo cho đời sống chung chứ không giao khoán cho một đảng hay các chính đảng.
Người dân cần một cơ chế mới để có thể trực tiếp quyết định những việc quan trọng, nhất là những vấn đề liên hệ đến đời sống hàng ngày của họ.
Hệ thống làng xã Việt Nam thời xưa đã từng đáp ứng được điều này trong phạm vi địa phương. Tất cả mọi việc trong làng đều được chính người dân quyết định qua các cuộc hội họp ởđình làng rồi viết thành hương ước. Hội đồng làng đứng ra thay mặt dân thực hiện hương ước. Đời sống là đời sống của dân, do đó phép vua đôi khi phải dừng lại bên ngoài cổng làng, nếu phép ấy có hại cho người dân. Đây là hình thức tự quản (self governance) của người dân địa phương, thông qua các công dân tầng của những công dân tham gia hệ thống chính trị nói trên (LĐA gọi là xã chính công dân tầng, huyện chính công dân tầng…). Hệ thống làng xã, hạt là tự quản, các đơn vị hành chánh lớn hơn (huyện, tỉnh) là bán tự quản.
Những gì không thuộc địa phương thì thuộc thẩm quyền trung ương, nơi quốc chính công dân tầng (tương tự quốc hội) được trực tiếp bầu lên từ dân chúng, không phải gián tiếp qua ứng viên các chính đảng như hiện nay.
Khi nói đến ‘trực tiếp’ tham gia không có nghĩa tất cả mọi công dân phải bỏ phiếu cho tất cả mọi vấn đề, hay phải ngồi trong quốc hội mới được quyền quyết định, mà người dân có thể tự quyết định nhiều vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của họ. Một trong số các quốc gia Bắc Âu đã dành quyền quyết định mức lương tối thiểu (minimum wage) cho người dân, qua sự thương lượng giữa hiệp hội chủ nhân, nghiệp đoàn công nhân và một số tổ chức xã hội dân sự liên hệ, chứ chính phủ không quyết định việc này. Đó chính là một hình thức dân chủ trực tiếp (dân tự quyết định). Tại Anh, cách đây vài năm đã thử nghiệm phương pháp giáo dục mới. Chính quyền tạo cơ hội cho nhà trường/học khu, giáo viên và phụ huynh học sinh được tự quản. Họ có quyền thiết kế chương trình học, chọn sách, tìm ngân quỹ v.v… miễn sao đạt được hiệu quả học tập tối đa cho học sinh.
Trên đây là một vài ví dụ về nền dân chủ trực tiếp – người dân trực tiếp thực hiện và thi hành quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống. Vai trò của nhà nước, vì vậy, chuyển từ cai trị sang điều hành nhằm tạo cơ hội cho toàn dân thực thi quyền lực thực sự của mình. Với việc tranh chấp quyền lực giữa các đảng phái của nền dân chủ đại diện hiện nay, nhà nước khó có thể đóng đúng và đóng trọn vai trò điều phối nói trên.
Phân công và hợp tác(*)
Cuối cùng, sự phân quyền trong hệ thống công quyền giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp của thể chế dân chủ đại diện hiện nay không thôi chưa đủ, nền chính trị quốc gia còn phải mang tính phân công và nhất là hợp tác. Tuy đã có cơ cấu phân quyền, hai ngành hành pháp và lập pháp vẫn tìm cách ngáng trở nhau mỗi khi có dịp chứ chưa hoàn toàn hợp tác làm việc, gây ra bởi quyền lợi phe nhóm. Mục đích phân quyền là ngăn chặn độc tài chứ chưa đạt tới sự hợp tác nhuần nhuyễn giữa các cơ chế nhà nước. Phân công là một khái niệm nhằm tránh phân quyền mà thiếu hợp tác, thậm chí thường xuyên đả phá nhau. Phân công là để tránh trùng lắp, dẫm chân lên nhau và để mỗi bộ phận làm đúng và đủ chức năng lẫn trách nhiệm của mình. Tuy gọi là phân công nhưng vẫn có sự bầu cử trực tiếp của nhân dân cho các vị trí trong chính quyền. Người được ‘phân công’ (qua bầu cử) lãnh một nhiệm vụ nào đó, được trao một số quyền để thực hiện công việc, chứ không phải lạm dụng chức vụ để tư lợi hoặc trù dập nhân dân. Quyền đi theo công; quyền là để thực hiện công. Nội hàm của sự phân công này hoàn toàn khác với phân công của người cộng sản, nhiều khi là mua bán chức vụ hoặc kéo bè kéo đảng sát phạt nhau.
Hợp tác giữa nhân dân với chính quyền và giữa các cơ quan công quyền với nhau để cả bộ máy vận động và kết hợp hoạt động nhịp nhàng. Bất cứ một cơ phận nào của bộ máy bị hỏng hóc đều ảnh hưởng đến toàn bộ.
Hãy hình dung cơ thể con người. Giữa tim và óc hay các cơ phận khác không có sự “phân quyền”, nhưng rõ ràng mỗi bộ phận được “phân công” làm một hay nhiều chức năng khác nhau. Chúng “hợp tác” với nhau để một cơ thể hoạt động bình thường và mạnh khoẻ. Muốn sinh hoạt chính trị hữu hiệu và lành mạnh hơn, nền dân chủ mới cũng cần được hình dungtương tự như thế. Phân công mà không hợp tác sẽ gây trì trệ, khó phát triển. Hợp tác mà không phân công sẽ dẫn đến rối loạn. Đây là mô hình hoạt động theo Bản Vị học thuyết hay hạch tâm thể do Lý tiên sinh đề ra nhằm thay thế mô hình kim tự tháp của cộng sản – có nhiều nét tương đồng với hoạt động mạng lưới (networking) hiện nay nhưng sâu rộng hơn. Khi có dịp chúng tôi sẽ trở lại đề tài này.
Kết
Để đạt được những điều trên, xã hội cần đến một phương tiện hỗ trợ. Đó là hệ thống giáo dưỡng nhân bản, qua nhiều hình thức, vừa nuôi vừa dưỡng và để mọi người vừa học vừa làm. Giáo dục học đường không thôi chưa đủ, cần đến cả môi trường sinh hoạt xã hội nữa. Ai có điều để dạy là thày, ai cần phải học là trò, nhằm đạt đến việc dạy-học-làm thống nhất. Mỗi cá nhân và mỗi tập thể phải được nâng cao ý thức công dân, đạt đến trình độ tự giác, tự chủ, tự độngquyết định sinh mệnh chính trị của mình (nhân chủ), chứ không chỉ trông chờ hoặc giao phó toàn bộ cho hoạt động đảng phái.
Tạ Dzu
25 tháng Chạp năm Mậu Tuất
Cập nhật 21/07/2019
—————————————–
(*) Ghi chú: Tất cả những khái niệm này là đề xuất của nhà tư tưởng Việt, Lý Đông A, vào đầu thập niên 1940, được đề cập đến trong nhiều tài liệu:
– Duy Dân Cơ Năng
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/bo5duydanconang-versionlayoutedjan2018.pdf
– Đường sống Việt
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duongsongviet-versionlayoutednov2016.pdf
- Chìa Khoá Thắng Nghĩa
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/chiakhoathangnghiachugiai-dongnhanhocxa.pdf
Ngoài ra, những chữ in nghiêng trong bài là những từ ngữ LýĐông A thường dùng trong các tài liệu của ông.