Giấc Mơ Của Dế (phần 7)

Tiếng chuông điện thoại vang lên. Tôi vội đứng dậy, đến bóc điện thoại. Bạn dế bên kia cho tôi biết nội dung về một bài viết định giá dòng văn học phản kháng trong đất nước dế chúng tôi. Tôi trả lời là tôi chưa dám cho ý kiến khi chưa đọc qua bài viết, và tôi xin phép bạn dế là sẽ cho biết ý kiến vào một dịp khác bởi tôi đang tiếp chuyện với dế lửa.  Cũng qua cuộc đàm thoại ngắn ngủi đó, sau khi cúp điện thoại, tôi lên tiếng hỏi dế lửa.

         Mầy nghĩ thế nào về dòng văn học phản kháng trong nước? Có phải đó là dòng văn học phản kháng thật hay do tập đoàn dế lửa tạo ra?

         Mầy muốn tao nói sự thật không?

         Tại sao mầy lại hỏi như thế? Ngay từ lúc đầu của cuộc gặp gỡ đầu tiên, chúng ta đã đồng ý với nhau là sẽ bàn cãi vấn đề trong một tinh thần xây dựng, không thành kiến, và cần thành thật trong khi bàn cãi, thì tại sao tụi tao lại sợ sự thật mầy đưa ra?

Dế lửa mỉm cười xin lỗi.

         Tao xin lỗi, bởi câu hỏi mầy đặt ra ở trong cương vị của tao mà trả lời thật khó, có thể làm tụi mầy không tin.

Dế ốc tiêu tiếp lời.

         Tụi tao là những con dế biết phải — trái, mầy cứ thành thật mà nói suy nghĩ của mầy. Vả lại tụi tao đã nghe dế than bàn cãi nhiều về vấn đề trên, tụi tao muốn nghe tiếng nói từ phía dế lửa trước dòng văn học thức tỉnh bên nhà.

         Tại sao gọi là dòng văn học thức tỉnh? Tôi lên tiếng hỏi dế ốc tiêu.

         Tao sẽ giải thích tại sao tao gọi là dòng văn học thức tỉnh sau khi dế lửa nhận xét về vấn đề này.

Dế lửa gật đầu đồng ý với dế ốc tiêu.

         Tao đồng ý với dế ốc tiêu là dòng văn học trong nước hiện giờ phải gọi là dòng văn học thức tỉnh, chứ không phải là dòng văn học phản kháng.

Dế lửa đưa mắt nhìn tôi, nói tiếp.

         Tại sao chúng ta đặt vấn đề là dòng văn học thức tỉnh bên nhà có thật hay giả? Tại sao chúng ta không thông cảm, không tạo điều kiện cho những dế thức tỉnh có cơ hội góp phần vào việc xây dựng giấc mơ của dế?

Tao thiết nghĩ rằng,  không phải tất cả những dế đang phục vụ cho đảng dế lửa là những dế phục vụ vì tấm lòng, vì lý tưởng của dế lửa, mà có một số không ít, đã phục vụ vì cuộc sống, vì sự bắt buộc nào đó. Sự bắt buộc có hai lý do. Một là vì muốn bảo toàn sinh mạng cho thân nhân trong gia đình, hai là vì họ không còn một lựa chọn nào khác hơn. Trong thời kỳ chiến tranh giữa dế lửa và than, dế than tụi mầy đã đánh mất chính nghĩa khi phải dùng lực lượng bên ngoài đổ vào đất nước dế. Và với tư cách của những con dế lãnh đạo đã làm một số dế có lòng yêu nước chán ghét, và họ nhìn về dế lửa, với những tư tưởng cao đẹp và lối tuyên truyền đạt kỹ thuật cao siêu về bịp bợm, cho nên họ quyết định theo dế lửa để mong thực hiện giấc mơ mà họ hằng mơ ước.  Thế nhưng sau khi thống nhất đất nước, họ mới nhìn ra rằng họ đã sai lầm khi phải chọn dế lửa trong quá khứ là cứu cánh trong việc thực hiện giấc mơ của dế. Tuy nhiên, vì sự sống còn, họ vẫn tiếp tục phục vụ với hy vọng có một cơ hội nào đó để chuộc lại lỗi lầm đã phạm phải. Những dế làm văn hóa cũng thế. Khi mà trào lưu dân chủ bùng nổ ở Đông Âu, khi mà cả đất nước dế tan thương, cả dân tộc dế nghèo đói, và khi mà đảng dế lửa tung ra chính sách cởi mở, họ lợi dụng sự cởi mở để nói lên những thực tế đau thương của đất nước nhằm xây dựng lại một nền dân chủ thực sự cho đất nước.

Dĩ nhiên, với kinh nghiệm của họ với đảng dế lửa, họ biết rằng họ không thể nào nói thẳng thừng những gì họ thực sự muốn nói. Họ không thể nào tuyên bố thẳng rằng phải loại bỏ chủ nghĩa dế lửa trên đất nước chúng ta, phải dẹp tan đảng dế lửa bởi nó độc tài, phá nát truyền thống của dế.  Kinh nghiệm của những cuộc cởi mở ở quá khứ đã dạy họ bài học. Đấu tranh như những con dế làm văn học phản kháng trong quá khứ tức là dẫm theo bước chân đau thương,  để rồi sẽ bị tiêu diệt ngay từ lúc khởi đầu. Mục đích mà họ thường nói là để xây dựng lại đảng dế lửa trong hoàn cảnh mới, nhưng đó chỉ là bề ngoài cần phải tô điểm, để thực hiện chủ đích thực mà họ đang nhắm tới cùng với toàn dân dế.  Đặt giả sử họ không có chủ đích bên trong, nhưng những vấn đề họ đặt ra, phù hợp với những đòi hỏi của cao trào tự do dân chủ, chúng ta phải lợi dụng để biến chủ đích của họ thực sự hướng về số đông của tập thể dế dân, là loại bỏ chủ nghĩa dế lửa trên đất nước dế của chúng ta, bởi nó là một chủ nghĩa ngoại lai, đưa đất nước xuống lầm than đói khổ.

Tao thiết nghĩ rằng, bất cứ hành động bắt buộc nào, thì không sớm thì muộn, trước cao trào của thế giới, những dế bị bắt buộc đó sẽ bất chấp những tai hại có thể xảy ra cho chính bản thân họ, hay cho gia đình họ, họ cũng sẵn sàng dứt gánh nặng bắt buộc để trở về với khối quốc dân.  Tao tin tưởng rằng, những dế đang nằm trong dòng văn học thức tỉnh đó, một sớm một chiều, họ sẽ thực sự trực diện thẳng với những kẻ cầm  quyền ngu xuẩn để đứng về khối quốc dân nhằm thực hiện giấc mơ của dế mà chúng ta đang bàn cãi. Tao xác quyết điều đó bởi kinh nghiệm ở chính bản thân tao, khi trào lưu dân chủ Đông Âu bùng nổ, đã tạo cho tao can đảm dứt bỏ những ràng buộc phải phục vụ dế lửa, để đến nói chuyện với tụi mầy, tuy rằng những cuộc nói chuyện như thế này, thân nhân tao bên nhà có thể bị hảm hại, nhưng tao chấp nhận đổi sự hy sinh đó để sống cho xứng đáng là một con dế.  Đất nước dế chúng ta đã quá đau thương, chủ nghĩa dế lửa sau bao nhiêu năm thực nghiệm trên thế giới và trên toàn đất nước dế chúng ta, đã chứng minh rằng đó là một thứ chủ nghĩa phản khoa học, đưa dế xuống đau khổ lầm than. Chúng ta đã bao nhiêu năm vì thành kiến, vì tự ái, và nghi kỵ lẫn nhau cho nên đã không hợp lực lại với nhau để phá tan ngọn lửa dế lửa đang thiêu đốt khối quốc dân dế. Nếu chúng ta tiếp tục giữ những quan niệm của thành kiến, của nghi kỵ, chủ nghĩa dế lửa sẽ mãi mãi ngự trị trên đất nước chúng ta.

Dế lửa nói một hơi rồi bỗng im bặt. Sau khi dế lửa dứt lời, tôi có cảm tưởng là những lời nói trên phát xuất từ một con dế than, chứ không phải là cái nhìn của một con dế lửa.

         Tao rất mừng và đồng ý với những điều mầy vừa nói. Ít nhất chúng ta đã là đồng chí.

Dế lửa nhìn tôi, mỉm cười.

         Chưa hẳn chúng ta đã là đồng chí. Hiện giờ tao là bạn chứ không phải là kẻ thù, nhưng chúng ta chỉ là đồng chí khi chúng ta có một sự đồng thuận nào đó trong vấn đề xây dựng giấc mơ của dế, và giấc mơ đó chúng ta đang bàn cãi, chưa chấm dứt.

Tôi gật đầu tán đồng ý kiến của dế lửa. Xoay qua dế ốc tiêu, tôi hỏi.

         Tại sao mầy cho rằng dòng văn học trong nước hiện giờ là dòng văn học thức tỉnh?

         Tại sao phải gọi là dòng văn học phản kháng? Dòng văn học phản kháng có từ lâu, không phải chỉ mới có trong thời gian gần đây. Còn nếu bảo dòng văn học hiện giờ là cao điểm của dòng văn học phản kháng cũng không đúng, bởi làm sao chúng ta xác định là cao điểm? Phải hiểu dòng văn học phản kháng là những con dế làm văn hóa chống đối tập đoàn dế lửa ngay từ khi chúng áp đặt chủ nghĩa dế lửa trên một nửa đất nước dế, và dòng văn học đó tiếp tục sống còn cho đến khi toàn bộ đất nước dế rơi vào tay tập đoàn dế lửa, dòng văn học phản kháng đó xuất hiện trên toàn đất nước dế chúng ta. Những con dế làm văn học phản kháng đó, đa số là những dế ngoài đảng dế lửa, một số ít trong đảng, nhưng đã phản kháng tức thời khi nhận ra sự sai lầm của chủ nghĩa dế lửa.  Riêng những con dế làm văn học đặt lại vấn đề của đảng dế lửa hiện giờ, họ đã theo đảng mười mấy năm, coi đảng là thần tượng, là ân nhân, thế mà hôm nay họ đặt lại vấn đề với đảng, thì đó là một hành động thức tỉnh, và chúng ta phải gọi đó là dòng văn học thức tỉnh.  Những con dế đó đã thức tỉnh trước trào lưu của thế giới, thức tỉnh trước sự thảm bại của chủ nghĩa dế lửa trên toàn giới nói chung và trên đất nước dế chúng ta nói riêng. Sự thảm bại đó đã đưa đến sự sụp đổ của khối dế lửa Đông Âu, đưa đến sự nghèo đói, lạc hậu của quốc dân dế chúng ta. Chúng ta nên đón nhận sự thức tỉnh đó, đồng thời kêu gọi những dế trong dòng văn học thức tỉnh hiện giờ, hãy biến từ thức tỉnh đi đến hành động cụ thể để đem lại tự do, dân chủ cho quốc dân dế, hãy cùng quốc dân dế thực hiện giấc mơ của dế hầu đưa đất nước dế tiến lên, thoát khỏi lạc hậu nghèo đói, thoát khỏi độc tài đảng trị.

Dế ốc tiêu vừa dứt câu, tôi lên tiếng.

         Chúng ta tạm thời gác bỏ chuyện đó qua một bên, bây giờ tao xin phép trở lại vấn đề giấc mơ của dế mà chúng ta đang bàn cãi.

Như tao đã nói từ lúc đầu, chính quyền dế mà chúng ta xây dựng sau này, rút ra từ những đau thương cũng như sai lầm trong quá khứ, chúng ta sẽ đặt ra nhiều điều kiện để giảm bớt sự tái diễn đau thương.  Chuyện xây dựng lại mẫu dế, chúng ta đã bàn qua; nhưng khi chúng ta có mẫu dế như thế, chưa chắc giấc mơ của dế được thực hiện, bởi tâm lý dế cho thấy, khi dế có quyền hành, thì dế muốn xây dựng quyền đó càng nhiều, không bao giờ từ bỏ quyền hành đó nếu không có những áp lực nào đó từ bên ngoài.  Tập đoàn dế lửa là một điển hình. Cho nên để tránh tình trạng tham quyền cố vị, chính quyền dế, tùy theo chức vụ mà quy định thời hạn nhiệm chức, đồng thời những tiêu chuẩn căn bản để lựa chọn dế vào trong chính quyền. Phần này tao chia ra làm hai phần: trung ương và địa phương.

Đối với chính quyền trung ương, chúng ta sẽ nhìn vào hành pháp dế, lập pháp dế, tư pháp dế, và dân pháp dế. Nói đến hành pháp dế là chúng ta nói đến tổng thống chế. Vị này là biểu tượng cho cả một quốc gia, cho nên ngoài tài và đức, mà đức là phải ưu tiên số một, vị này tối đa chỉ có hai nhiệm kỳ tại chức, và mỗi nhiệm kỳ là năm năm, được quốc dân bầu lên.

         Tại sao phải là năm năm?

         Tao chọn năm  năm bởi đó là thời gian đủ để dế lãnh đạo chứng tỏ tài năng của mình. Bất cứ vị tổng thống nào, hai năm đầu tiên là để củng cố nội bộ, giải quyết những khó khăn tồn tại do vị tiền nhiệm để lại, và ba năm kế tiếp là thời gian để vị tổng thống tại chức dồn mọi nỗ lực vào chương trình cho đất nước dưới cơ quan nội các của chính vị đó.  Nếu năm năm đó vị tổng thống làm việc giỏi, đạt được sự tín nhiệm của quốc dân, thì thêm một nhiệm kỳ nữa, sau đó nhường lại cho những dế khác lên thay, mục đích tạo cơ hội cho những dế tài giỏi hơn có điều kiện đóng góp vào việc lãnh đạo trực tiếp đất nước.  Vị tổng thống đứng đầu ngành hành pháp không được quyền từ chức — trừ trường hợp do lập pháp, tư pháp, dân pháp dế đề nghị từ chức, hoặc do đa số tập thể dế dân đề nghị từ chức vì một lý do nào đó.

Riêng lập pháp dế, tao đề nghị chúng ta sẽ bầu theo từng địa phương và dựa vào dân số dế của từng tỉnh để quy định mỗi tỉnh sẽ có bao nhiêu người đại diện vào quốc hội, và chỉ nên có một quốc hội mà trong đó không có thượng viện hay hạ viện gì hết.  Lý do tao đề nghị như thế, bởi đất nước ta nhỏ, cho nên không có những khác biệt lớn lao về từng vùng, không cần thiết phải có một thượng viện đại diện cho từng tỉnh như ở một số nước tây phương.

Cơ quan này, vì được dân dế địa phương đề cử vào cơ quan, cho nên mỗi nhiệm kỳ là bốn năm, và làm tối đa sáu nhiệm kỳ, tức là hai mươi bốn năm. Lý do tao chọn hai mươi bốn năm để tránh những con dế giữ chức vụ trung ương ba bốn chục năm thì dễ gây ra sự bảo thủ của chính quyền trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho những con dế khác tham gia vào chính quyền trung ương để phát huy những sáng kiến mới trong việc lãnh đạo đất nước.

Đối với tư pháp dế, những vị trong cơ quan này sẽ do hành pháp, lập pháp dế đề nghị và biểu quyết để chọn dế vào cơ quan, và những con dế này sẽ tại chức mãn đời, nhưng sẽ bị bắt buộc từ chức khi đã vị phạm về mặt đạo đức.

         Tại sao tư pháp dế lại do hành pháp và lập pháp đề nghị và bầu ra, và tại sao lại tại nhiệm mãn đời? Dế lửa lên tiếng.

         Tư pháp dế là một cơ quan chuyên môn, kiểm soát hành pháp và lập pháp trong việc thực thi bản hiến định, cho nên tại nhiệm càng lâu càng có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát chính quyền.  Việc để cho lập pháp và hành pháp chọn dế vào cơ quan này vì những con dế trong lập pháp và hành pháp có cái nhìn sắc bén để chọn những con dế có khả năng diễn dịch và bảo vệ bản hiến định.

Dân pháp dế, tao đề nghị mỗi tỉnh nên bầu một dế vào dân pháp dế, và thời gian tại nhiệm cho mỗi nhiệm kỳ là bảy năm, tối đa là ba nhiệm kỳ.  Vì cơ quan này là cơ quan nắm giữ quân đội, nên cần phải có một con dế trong cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tổ chức quân đội, và vị này phải được thay đổi trong bảy năm, để tránh tình trạng vị này bị lập pháp và hành pháp mua chuộc, đi ngược lại nguyện vọng của tập thể dế dân. Cơ quan này ví như là bộ quốc phòng, nhưng không nằm dưới quyền của hành pháp, trái  lại cơ quan này tách rời khỏi hành pháp như tao đã trình bày tại sao ở phần dân pháp dế. Tuy không trực thuộc vào hành pháp dế, nhưng cả hành pháp và dân pháp phải có sự làm việc đồng nhịp để tạo cho hành pháp có đủ uy tín trong việc ngoại giao với các nước khác.  Cơ quan này hoàn toàn không có quyền quyết định vào chính quyền dế. Nó chỉ có quyền duy nhất mà tao đã nói ở phần dân pháp dế, nghĩa là kiểm soát và cảnh cáo chính quyền dế nếu thực sự chính quyền dế đi ngược lại nguyện vọng của tập thể dế dân.

Đối với chính quyền địa phương như các tỉnh, huyện, xã, ấp được bầu theo từng địa phương một.  Nhiệm kỳ cho chính quyền địa phương là năm năm, và tối đa được sáu nhiệm kỳ. Những vị này nếu vi phạm một điều nào đó có ảnh hưởng đến đạo đức của dế, tập thể dế dân ở địa phương sẽ yêu cầu từ chức, nếu cần tập thể dế địa phương có thể làm áp lực với chính quyền trung ương để bầu một vị khác có đạo đức hơn.

Bây giờ tao xin nói về một vài điều kiện cần thiết để ra ứng cử và tranh cử vào các chức vụ ở trung ương và địa phương. Tất cả mọi công dân dế đều có quyền ứng cử vào các cơ quan chính quyền dế mà không phân biệt thành phần giai cấp, đảng phái, tôn giáo, hay trình độ học vấn, miễn sao có thể chứng tỏ được khả năng, tài năng trong một lãnh vực nào đó cần thiết cho chính quyền dế, và phải có một tiêu chuẩn đạo đức để tạo niềm tin nơi tập thể dế dân.

Tuổi tác để tham gia vào các chức vụ trong chính quyền dế phải được quy định rõ ràng. Đối với ngành hành pháp dế, muốn ứng cử chức tổng thống phải tối thiểu là ba mươi lăm tuổi. Ngành lập pháp phải ba mươi tuổi mới được ứng cử vào quốc hội. Tư pháp phải đạt tiêu chuẩn bốn mươi tuổi, và dân pháp dế phải đạt tiêu chuẩn là ba mươi tuổi. Các chức vụ địa phương, tuổi tối thiểu để ra ứng cử là hai mươi lăm tuổi.

         Mầy có thể giải thích rõ ràng hơn tại sao có sự khác biệt tuổi tác ứng cử trong chính quyền địa phương và trung ương? Dế ốc tiêu lên tiếng hỏi.

         Đối với chính quyền trung ương, vì là cơ quan đầu não của đất nước dế, có những quyết định quan trọng đến vận mạng của cả một dân tộc dế, cho nên đòi hỏi dế phải đạt ít nhất ba mươi tuổi mới được ứng cử vào các chức vụ trên.  Có thể nói, tuổi ba mươi là tuổi có đủ kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề quan trọng trong một tinh thần ôn hòa, không quá khích. Những cơ quan khác trong chính quyền trung ương phải đạt những tiêu chuẩn tuổi tác tối thiểu cũng không nhằm mục đích tạo cho chính quyền dế có những quyết định già dặn, không quá khích, hầu tránh những tai hại về sau. Riêng về chính quyền địa phương, mục đích để giải quyết những vấn đề tại địa phương nên cần có những lớp tuổi trẻ hăng hái, để họ đem sáng tạo ra giúp tập thể dế dân tại địa phương, đồng thời cũng là nơi để họ tôi luyện tài năng hầu tham gia vào chính quyền trung ương sau này.

Đến đây thì vấn đề tham quyền cố vị đã được giải quyết. Riêng về vấn đề làm lũng đoạn chính quyền qua hành động tham nhũng đã được chứng nghiệm trong quá khứ cũng như trong hiện tại, cũng như hậu quả vô cùng tai hại của nó, tao đề nghị một phương thức để tránh tình trạng tham nhũng xảy trong chính quyền dế tương lai của chúng ta.

         Tao đồng ý. Chúng ta cần phải có một luật pháp thật gắt gao trong việc chống tham nhũng. Dế lửa lên tiếng.

Tôi gật đầu nói tiếp.

         Phải có một luật thật gắt gao không những đối với những dế tham nhũng mà đối với những con dế tạo ra điều kiện tham nhũng.  Nhằm mục đích chấm dứt hành động tham nhũng và hành động tạo ra tham nhũng, tao đề nghị như thế này: Những con dế nào tạo ra hành động tham nhũng, nghĩa là đút lót tiền bạc cho bất cứ dế nào trong chính quyền, thì con dế trong chính quyền có quyền đưa con dế tạo ra hành động tham nhũng ra trước pháp luật.  Và nếu hành động được chứng minh rõ ràng là tạo ra cơ hội tham nhũng, dế đó phải bị tịch thu toàn bộ tài sản hiện có, và dế tố cáo với chính quyền những việc trên được hưởng một phần thưởng thật xứng đáng.  Đó là một phương thức để ngăn chận cơ hội tham nhũng xảy ra. Tuy nhiên, nếu con dế được đút lót tiền bạc không lên tiếng tố cáo con dế tạo ra cơ hội tham nhũng thì sao? Con dế tạo ra cơ hội tham nhũng có quyền tố cáo ngược lại con dế làm hành động tham nhũng.  Khi ra trước tòa, con dế tạo ra cơ hội tham nhũng không cần biết đó là vô tình hay cố ý,  nhưng khi đưa một con dế tham nhũng ra trước tòa, và nếu có đầy đủ chứng cớ thì con dế tạo ra hành động tham nhũng sẽ không có tội, trái lại con dế đó được thưởng một số tiền, và con dế bị tố cáo phải bị tịch thu toàn bộ tài sản hiện có. Đây là một lối kiểm soát lẫn nhau giữa dế tạo ra cơ hội tham nhũng và dế làm hành động tham nhũng, nhằm mục đích không ai dám khơi đầu chuyện tham nhũng. 

         Nhưng nếu cả hai đều đồng lỏa với nhau để làm chuyện tham nhũng thì sao? Dế ốc tiêu hỏi.

         Nếu trường hợp đó xảy ra, và một con dế thứ ba phát giác chuyện đó thì được quyền đưa cả hai dế tạo ra cơ hội tham nhũng và dế tham nhũng ra trước pháp luật. Khi đứng trước pháp luật và chứng minh là phạm pháp, cả dế tham nhũng và tạo ra cơ hội tham nhũng sẽ bị tịch thu hết tài sản, và dế tố cáo sẽ được thưởng một số tiền.

Như tao đã nói cần phải có một luật thật gắt đối với chuyện tham nhũng, cho nên không chỉ tài sản của những dế tạo ra tham nhũng và dế tham nhũng bị tịch thu mà những dế đó phải nằm tù ít nhất là mười năm.

Tụi bây còn ý kiến nào khác trong vấn đề đề phòng tham nhũng trong tương lai xây dựng đất nước không?

Bình luận về bài viết này