Câu Chuyện Cạnh Tranh Của Người Việt

Cạnh tranh là chuyện rất bình thường trong thị trường thương mại. Nhờ sự cạnh tranh này mà các công ty đưa những sản phẩm mới ra thị trường để với hy vọng là nắm được thị trường tiêu thụ. Công ty Microsoft hoặc Apple là thí dụ điển hình.

Cạnh tranh trong thị trường của Mỹ có rất nhiều hình thức. Các công ty lựa chọn nhiều cách để nắm thị trường tiêu thụ hoặc phục vụ. Bằng cách này hay cách khác, mục đích chính của họ là muốn nắm toàn bộ thị trường để gia tăng mức thu lợi cho công ty, đồng thời loại bỏ đối thủ của mình ra khỏi thị trường để mình có thể nắm độc quyền.

Để làm được điều trên, họ thực hiện những cách sau đây:

  • Nâng cao phẩm chất của sản phẩm hoặc phục vụ. Khi mà phẩm chất hàng của mình có chất lượng cao và sự phục vụ tốt thì sẽ lối kéo được khách hàng về phía công ty của mình trong việc tiêu thụ sản phẩm hoặc công việc phục vụ.
  • Tung ra thị trường những sản phẩm mới đánh trúng vào tâm lý của người mua. Công ty Apple là một thí dụ điển hình. Dĩ nhiên những công ty khác chẳng hạn như Samsung, Google muốn cạnh tranh với Apple thì phải tung ra thị trường những sản phẩm tương đương, với giá cả nhẹ nhàng ,với hỵ vọng nắm cao phần trăm tiêu thụ sản phẩm của công ty mình trên thị trường.
  • Phối hợp với một công ty khác để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các công ty và giảm bớt chi phí quản trị nhằm mục đích gia tăng lợi tức của công ty. Sự phối hợp giữa hãng máy bay Delta và Northwest vào năm 2008 là thí dụ điển hình. Hãng máy bay American và US Airway cũng đang dự tính phối hợp với nhau thành một công ty.
  • Mua lại các công ty nhỏ với những sản phẩm đặc biệt và đưa sản phẩm đó vào công ty lớn của chính mình, nhằm mục đích phát triển sản phẩm mà không cần phải mất nhiều thời gian nghiên cứu.

Đó là một vài hình thức gọi là cạnh tranh. Và trong cạnh tranh sẽ đem lại sự tiến bộ về mặt sản phẩm và làm cho người tiêu thụ có lợi. Tuy nhiên, không hẳn sự cạnh tranh nào cũng đem lại quyền lợi cho người tiêu thụ. Vụ sáp nhập hãng điện thoại AT & T và T-Mobile là một thí dụ điển hình. Các công ty điện thoại nhỏ cũng như giới tiêu thụ đặt câu hỏi là liệu chăng sự phối hợp này tạo ra thiệt thòi cho giới tiêu thụ? Cuối cùng thì cuộc sáp nhập này không xảy ra bởi sẽ làm mất sự cạnh tranh và người tiêu thụ phải trả giá cao cho dịch vụ điện thoại nếu sự sáp nhập này thành công.

Cạnh tranh trong cộng đồng VN

Sự cạnh tranh giữa các cở sở thương mại Việt Nam thì có những lúc lành mạnh, có những lúc không lành mạnh.

Trong lãnh vực làm nail, người Việt Nam cạnh tranh nhau bằng cách ai cũng muốn mở một tiệm nail. Và khi mà nhiều tiệm nail mở ra thì dĩ nhiên phải cạnh tranh về giá cả. Và cuối cùng thì giá cả càng lúc càng xuống và người tiêu thụ là người có lợi. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh bởi có lợi cho người tiêu thụ. Và người làm chủ nào muốn làm rẻ thì là quyền của họ, chẳng ảnh hưởng đến ai. Và nếu tất cả các chủ tiệm nail đồng ý xuống giá thì cũng chỉ là quyết định của chủ tiệm, chẳng ảnh hưởng đến người tiêu thụ.

Cũng trong ngành này, dĩ nhiên có sự cạnh tranh không tốt đẹp lắm. Chẳng hạn như một người làm chủ tiệm nail và bán lại cho người khác. Sau khi bán xong rồi thì cũng chính cá nhân đó mở một tiệm nail kế bên, hoặc gần đó — và kéo khách cũ của mình qua lại tiệm mới mở.  Sự cạnh tranh này, chẳng biết phải dùng từ ngữ nào cho chính xác. Thôi tạm gọi là sự cạnh tranh không lành mạnh.

Có người thông minh hơn, biết luật pháp hơn, kêu người bán tiệm nail phải làm giấy tờ bán với điều kiện là không mở tiệm nail trong chu vi 10 miles hay 15 miles. Người bán tiệm đồng ý và làm hợp đồng sang tiệm.  Nhưng rồi vài tháng sau, người bán tiệm đó mở một tiệm nail khác gần đó mà chẳng ai làm được gì. Lý do là người bán tiệm cũng biết xử dụng luật, nhất là luật ở đất Hoa Kỳ này, ai cũng đều biết luật để làm thương mại. Luật ở đây là người đã bán tiệm nail sẽ không hề đứng tên tiệm mà để một người khác đứng tên tiệm. Trên mặt giấy tờ thì họ chẳng hề vi phạm hợp đồng buôn bán. Nhưng trên thực tế, họ sẽ kéo khách hàng cũ từ tiệm đã bán. Cạnh tranh này xếp vào loại gì? Xin độc giả tự chọn từ ngữ cho kiểu cạnh tranh này.

Thế chuyện cạnh tranh trong ngành truyền thông của người Việt Nam ra sao? Và phải chăng chuyện cạnh tranh này sẽ có lợi cho người tiêu thụ, có nghĩa là có lợi cho độc giả hoặc thính giả?

Trước khi tìm hiểu để trả lời câu hỏi trên, người viết xin trích một đoạn trong quyển sách Con Người Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai, do nhà xuất bản Ngàn Lau xuất bản vào năm 1992. Tác giả Đằng Sơn, một trong nhiều tác giả viết trong quyển sách này có lời nhận xét sau đây:

“Một trăm cơ sở truyền thông kêu gọi đoàn kết đã có hơn 90 cơ sở sẵn sàng triệt hạ nhau để giành một vài khung quảng cáo. Tức bực cá nhân là đủ lý do viết bài phỉ báng, mượn danh chính nghĩa đặt điều chụp mũ đối phương khốn đốn. Người đọc, người nghe chẳng còn biết đâu là đúng sai, thật giả”

Xin thưa đó là thực tế của 20 năm về trước.  Bây giờ chuyện đó chắc ít khi xảy ra, đặc biệt là chuyện phỉ báng, bôi nhọ, chụp mũ. Người Việt tại hải ngoại có cái nhìn khác và phương cách đấu tranh chống nhà độc tài Việt Nam khác hơn thời điểm của 20 năm trước. Chính vì thế chuyện chụp mũ, bôi nhọ, phỉ báng sẽ chẳng làm ai tin nữa.

Gần đây, trong cộng đồng người Việt tại Dallas, có sự cạnh tranh của hai đài phát thanh.  Bên đài VAB (Vietnamese American Broadcasting) ví vón rằng sự giành lấy làn sóng 1600 giống hình ảnh cha lý bị bịt miệng. Bên đài Sài Gòn cho rằng (VAB) ví vón như thế là chẳng biết gì hết. Trái lại đài Sài Gòn giành làn sóng 1600 hợp pháp.  Người viết bài này là thính giả của hai đài và đã nghe qua chương trình của hai bên. Và cũng xin thưa rằng lý luận của ai bên đều đúng hết.

Nói đến đây, chắc sẽ có người khó tính cho rằng người viết ba phải.  Người viết  không phải là típ người ba phải.  Mà phải nói rằng, trên mặt pháp lý, đài Sài Gòn rất chí lý. Nếu ví làn sóng 1600 như là một căn nhà — thì ông chủ nhà có quyền cho bất cứ ai mướn. Và nếu người mướn nhà vi phạm hợp đồng, thì ông chủ nhà có đầy đủ pháp lý đuổi và cho người khác mướn căn nhà đó.  Đây là điều đài Sài Gòn nhấn mạnh rất nhiều.

Vấn đề đặt ra là, phải chăng chỉ có căn nhà 1600 là căn nhà duy nhất và tốt nhất tại Dallas-Fort Worth này?

Câu hỏi này có hai câu trả lời. Trường hợp thứ nhất, căn nhà 1600 không phải là căn nhà tốt nhất mà vẫn còn có một căn nhà khác tốt hơn. Nhưng vì sự cạnh trạnh giữa hai đài, đài Sài Gòn đã dùng luật pháp để mướn căn nhà 1600. Khi mà đài Sài Gòn mướn được căn nhà 1600 và đài VAB phải dọn đi trong khoảng thời gian quá ngắn, và nếu đài VAB không tìm được một làn sóng khác thì chuyện chết là nắm chắc trong tay. Sự cạnh tranh này là sự cạnh tranh tìm điểm yếu của đối thủ mình và dùng pháp luật để dập đi tiếng nói của đài VAB. Chính vì thế mà đài VAB đã ví von hình ảnh của cha Lý (bị công an bóp miệng trong toà án xử cha Lý) trong câu chuyện này. Ví von này có hơi quá đáng hay không?  Xin để quý vị tìm câu trả lời cho chính mình.

Trường hợp thứ hai, căn nhà 1600 là căn nhà tốt duy nhất tại Dallas và đài Sài Gòn, trong sự cạnh tranh, bắt buộc phải lựa chọn căn nhà tốt nhất để phục vụ cộng đồng.  Hơn nữa, nếu làm được điều này thì đài Sài Gòn có cơ hội cho đài VAB đi chỗ khác chơi; hoặc sẽ không còn dịp để tiếp tục phát thanh vì đã mất làn sóng, và khó tìm một làn sóng khác trong khoảng thời gian quá ngắn.  Có lẽ chính vì suy nghĩ này mà nhân viên của đài Sài Gòn thông báo với nhân viên đài VAB rằng đài quý vị sắp chết rồi, hãy qua bên đây và đem tất cả quảng cáo qua bên này. Trường hợp thứ hai này cũng là sự cạnh tranh trong thương mại. Mà cạnh tranh trong thương mại, sẽ chẳng có sự nhung nhượng là Việt Nam hay anh đang phục vụ cộng đồng Việt Nam.

Trong buổi phát thanh của đài Sài Gòn vào ngày 30 tháng 8 năm 2012, lên tiếng về vụ này và mở đường dây điện thoại để thính giả gọi vào — thì có một thính giả trẻ, du học sinh từ Việt Nam qua, gọi vào đóng góp ý kiến. Câu sinh viên trẻ phát biểu đại khái như sau “sự đấu đá giữa hai đài chứng minh rằng cộng đồng VN ngoài này chia rẻ. Và chính sự chia rẻ này mà Tập Đoàn Của Bố Cháu Thắng”.

Cộng đồng Việt Nam có thực sự chia rẻ hay không? Đây là một đề tài mà người viết đã trình bày trên trang mạng này.

Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại chỉ hình thành và lớn mạnh như ngày hôm nay do biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Nếu gọi là thắng thì tập đoàn cầm quyền hiện giờ đã thắng từ năm 1975 chứ không phải tại sự “chia rẻ” của cộng đồng ngoài này mà đưa đến sự thắng của tập đoàn cầm quyền hiện giờ.

Đây là xứ sở của luật pháp và luật pháp cho phép mọi người cạnh tranh với nhau miễn sau theo đúng luật pháp. Cạnh tranh giữa hai đài là chuyện cạnh tranh mà sẽ có người ủng hộ và sẽ có người không ủng hộ. Ai cũng có lý của họ. Và không phải vì sự cạnh tranh  trên mà tạo ra cái thắng của tập đoàn cầm quyền hiện giờ tại Việt Nam.

Việt Nam ngày nào vẫn còn những cá nhân như là Việt Khang, Điếu Cầy, nhà báo Tạ Phong Trần, Blogger Nguyễn Tiến Trung, Luật sự Nguyễn Văn Đài, luật sự Lê Thị Công Nhân, Luật sự Lê Công Định, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, BS Nguyễn Đan Quế, Cha Lý và rất nhiều người đã, đang tiếp tục tranh đấu cho quyền làm người — thì cái thắng hiện có của nhà cầm quyền Việt Nam hiện giờ — chỉ là đoản kỳ.  Lịch sử chứng minh không một cá nhân nào, một tổ chức nào, một đảng phái nào mãi mãi tiếp tục đàn áp, hút máu và tài sản của quốc gia dân tộc mà không gặp sự chống đối và sụp đổ trước làn sóng của chống đối của người dân.

Trở lại đề tài cạnh tranh của hai đài. Nếu đài Sài Gòn thực sự dập tắt được đài VAB thì sự cạnh tranh này có lợi cho cộng đồng?

Mỗi đài có điểm hay của mỗi đài. Mỗi đài có thính giả riêng của mình. Có thính giả nghe cả hai đài. Nhưng nếu chỉ còn một đài thôi,  chỉ có một tiếng nói của đài Sài Gòn — thì phải chăng đây là sự cạnh tranh có lợi cho cộng đồng?  Điều này chắc chắn chẳng phải là điều lợi cho cộng đồng.

Người viết tự hỏi, chẳng lẽ trong sự cạnh tranh thì con người mất đi cái tình cảm? Nói cho cùng, làm truyền thông để phục vụ cộng đồng Việt Nam tại xứ sở này không phải dễ sống đâu. Biết bao tờ báo ra đời rồi dẹp tiệm bởi nhu cầu ra báo không còn cần thiết nữa và tài chính cũng là một vấn đề đưa đến quyết định đóng cửa.  Những tờ báo Truyền Thông, Văn Uyển, Nhân Văn và nhiều tờ báo khác cũng vẫn phải đóng cửa báo dù rằng muốn có cơ hội đóng góp cho cộng đồng trên lãnh vực truyền thông.

Điều mai là tiếng nói của VAB vẫn còn. Dĩ nhiên hiện tại làn sóng của VAB không tốt, nhưng hy vọng trong tương lai, VAB sẽ chọn một làn sóng tốt hơn.  Người viết không tin rằng ở tại Dallas chỉ có làn sóng 1600 là mạnh nhất.  Vì sự tò mò, người viết tìm hiểu và biết rằng làn sóng 1100 mạnh gắp hai lần làn sóng 1600. Làn sóng 1100 mạnh 50 ngàn watt trong khi đó làn sóng 1600 mạnh 25 ngàn watt.

Nhắc đến chuyện làm đúng luật thì người viết nhớ đến vụ anh chàng ở tiểu bang California làm cuốn phim nói xấu về nhà lãnh đạo Hồi giáo. Anh chàng này cũng dùng luật ghi trong hiến pháp để thực hiện quyền tự do ngôn luận của chính anh ta. Trên thực tế, anh ta chẳng vi phạm luật gì hết khi làm cuốn phim trên.  Nhưng dùng đúng luật không có nghĩa việc làm đúng, được nhiều người ủng hộ.  Ai đó có sự suy nghĩ công bằng sẽ thấy rằng cuốn phim này thực hiện không vì mục đích thực hiện quyền tự do ngôn luận — mà là để phỉ báng người sáng lập Hồi Giáo.

Trở lại đài phát thanh Sài Gòn tại Dallas, nếu họ nói thẳng đây là sự cạnh tranh và tôi sẽ dẹp tan đối thủ tôi bằng mọi giá thì có lẽ dễ nghe hơn là cho rằng dùng đúng luật.

Xem ra giới truyền thông Việt Nam tại Hoa Kỳ không có đạo đức của nghề nghiệp. Có lẽ chính vì thế mà có những bài viết phỉ bảng đảng Dân Chủ không có cơ sở chứng minh hoặc chỉ nói một nửa sự thật thay vì trình bày trong một tinh thần phân tích rõ ràng.

Hy vọng những người cầm bút tương lai sẽ có cái nhìn phóng khoáng hơn là một số giới truyền thông Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay.

Vũ Hoàng Nguyên

Dallas, tháng 1 năm 2013

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s