Nhân Quyền-Nhân Trí (P4)

Nhân quyền, từ cá thể nhân trí
Mỗi lần nhân quyền được hiểu rộng ra, sâu ra, cao ra, thì định nghĩa về cá nhân được mở ra, mới ra, sáng ra; chính chuyện này làm cho ý lực muốn sống chung trong một xã hội phải luôn được điều chỉnh, được hoàn thiện, được cải tiến, từ quan hệ xã hội tới định chế xã hội, từ sinh hoạt xã hội tới tổ chức xã hội. Các biến động lớn của toàn cầu hoá hiện nay được kích thích bởi tự do truyền thông càng làm cho quá trình cá nhân hoá ngày càng nhanh, ngày càng mạnh; các nghiên cứu gần đây cho thấy lối ra và cách giải quyết phương trình nan giải này nằm trong một hệ vấn đề đôi: xã hội hoá cá nhân đi đôi với cá nhân hoá bằng xã hội tính. Xã hội hoá cá nhân là năng lực của xã hội chuyển hoá cá nhân theo hướng cùng hợp tác, cùng tham gia, cùng giải quyết, cùng chia sẻ các trở ngại của tập thể, các khó khăn của cộng đồng. Cá nhân hoá bằng xã hội tính là sự hiểu biết và tiếp nhận các ý thức, các đạo lý, qua giáo dục của gia đình, của học đường, của xã hội, để biết bảo vệ tự do và quyền lợi của cá nhân mình, nhưng cùng lúc phải «biết người, biết ta», «biết trên, biết dưới», «biết trên kính, dưới nhường». Nhân cách giáo lý Việt tộc giáo dưỡng rất sắc sảo hai chuyện này; nội công của Nhân Việt là ở đây. Đừng tránh né hệ vấn đề tự do cá nhân, mà thẳng thắn đặt nó vào trung tâm các chính sách lãnh đạo để phát triển xã hội, đưa dân tộc đi lên. ĐCSVN giữ thói quen ngăn chặn và kiểm duyệt, trừng phạt và bắt bớ…từ gần một thế kỷ nay, thì chỉ làm trò cười cho các thế hệ mai sau; trước mắt là làm trò hề trước thế giới văn minh. Bắt bớ các blogger, đóng cửa các blog, công an tưởng dùng bạo quyền một cách thô bạo thì không ai dám làm gì được mình, họ lầm! Hậu quả không lường được! Các cơ quan, các hội đoàn, các liên minh về nhân quyền của thế giới đã xếp lãnh đạo ĐCSVN vào loại lãnh đạo không có nhân tính, nhân đạo, nhân tâm, với một hệ thống công an mang vật tính, súc tính, man tính. Hiện nay, tất cả tội ác của công an không nằm trong biên bản của công an, không được quản lý bởi Bộ Công An, không được giám sát bởi chính quyền, dưới quyền lãnh đạo ĐCSVN, mà nó đã thành tư liệu, thống kê, thư viện, văn khố… trên internet với hằng triệu tin tức, phóng sự, dữ kiện, chứng từ… có hình ảnh, có âm thanh mà thế giới thấy rất rõ là nhân quyền bị chà đạp, miệt thị, phỉ bán bằng nhiều cách, rất vô tâm, rất bất nhân trên đất nước Việt Nam. Công an hằng ngày đánh chết người, hằng ngày hành hung, bạo động với nhân dân từ chợ ra đường, từ nông thôn ra thành thị, từ miền núi tới miền xuôi, từ nhà ga tới sân bay, từ chùa chiền tới nhà thờ …. Các lãnh đạo ĐCSVN đang đưa Việt tộc đi về đâu? Trong khi nhân cách giáo lý Việt tộc thì rất rõ, được Nguyễn Trãi đúc kết đã thành mô hình luân lý: «Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo». Chuyện này càng rõ trước mắt mọi người năm nay 2015: tổng thống Mỹ vui vẻ mở rộng cửa Nhà Trắng đón tiếp ký giả dân chủ và nhân quyền Điếu Cày, tươi cười vui vẻ trò truyện trong một môi trường văn minh đầy nhân trí. Trước báo chí thế giới, các lãnh đạo Mỹ hiên ngang và nói thẳng, nói rõ về vấn đề nhân quyền trên đất nước Việt Nam trong sự «yên lặng lắng nghe» của các lãnh đạo Việt Nam, vì trong hệ vấn đề nhân quyền lãnh đạo Mỹ đã chủ động coi đây là chuyện trung tâm trong quan hệ của hai nước. Nhân cách giáo lý Việt tộc dạy chúng ta rõ chuyện này: «đi với thầy tu mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy», mà trên thượng nguồn là «trứng rồng lại đẻ ra rồng, điêu điêu lại đẻ ra dòng điêu điêu», cho nên ở hạ nguồn thì «nồi nào úp vung nấy»…. Tự do cá nhân là nội lực vận hành của xã hội, tính chủ động cá nhân dẫn tới những phong trào tích cực làm tiền đề cho văn minh và tiến bộ, trực tiếp phục vụ cho nhân quyền và nhân trí, vì cá nhân giờ đã trở thành tác nhân trực tiếp làm ra kiến thức, tri thức, của cải, tiền tài cho xã hội. Khi một kiến thức mới ra đời, chúng ta phải tìm cho ra tác giả của kiến thức đó, để biết lý tưởng và hoài bão của tác giả này, để hiểu đúng nhân quyền của cá nhân này; như vậy, sau một doanh nghiệp phát đạt, phải thấy doanh nhân tạo ra nó, để hiểu thêm động cơ và quyền lợi doanh nhân này, để thấu rõ nhân sinh quan của doanh nhân này. Tự do cá nhân luôn dựa vào tư tưởng cá nhân, một lực lượng lãnh đạo khôn ngoan trước hệ vấn đề đôi nhân quyền-nhân trí, là một tập hợp tinh hoa hiểu được gốc, rễ, cội, nguồn của tự do, vì tự do không phải chuyện của giáo điều mà là kết quả tất yếu của nhân tính, không phải chỉ là khung của nhân sinh mà là nền của nhân phẩm. Tự do cá nhân không có sẵn trong bẩm sinh, mà tới từ sức mạnh của nhân loại luôn dùng văn minh để tự giải phóng mình, luôn dụng tiến bộ để tự chuyển hoá mình. Dunoyer phân tích rằng lịch sử của nhân loại luôn được sử dụng không những như kiến thức, mà còn được khai thác như một tri thức để chế tác ý thức, luôn tìm cách đưa nhân sinh đi theo hướng nhân phẩm. Khi lịch sử biến kinh nghiệm thành kiến thức, được hỗ trợ bằng đạo lý và luân lý, thì con người sẽ biết làm ra luật để bảo vệ cá nhân, tập thể và cộng đồng, luật không đơn thuần cho một giai cấp, không đơn giản cho một chế độ, mà là bộ luật, trong đó có luật hình sự và luật gia đình, có luật hành chính và có luật thương mại…tất cả được bảo trợ bằng hiến pháp, có chính thể của tư pháp, có công lực của pháp quyền. Spencer yêu cầu nếu làm luật để bảo vệ tự do cá nhân, thì đừng làm một cách hình thức, mà phải làm vừa cụ thể, vừa ở thế sẵn sàng, hễ chế độ mà thô bạo, hễ hành chính mà bạo hành, hễ công an và quân đội mà bạo động đe doạ tính mạng dân chúng, thì luật phải có mặt ngay, với luật sư chính thực, toà án công minh, để vô hiệu hoá ngay mọi bạo quyền. Như vậy, luật được làm ra để bảo vệ tự do cá nhân, phải luôn cụ thể, phải luôn ở thế sẵn sàng, đi cùng với một chính quyền xã hội, chính quyền này hoàn toàn ngược lại với loại chính quyền độc tài bằng quân đội, với loại chính phủ độc đảng bằng công an. Chính quyền xã hội bảo vệ cá nhân bằng chính sách sáng suốt của hệ vấn đề sống chung (l’être-ensemble) trong đó cá nhân chọn lựa tỉnh táo cùng sống chung với các cá nhân khác trong cùng một môi trường xã hội, trong đó tính mạng và tương lai của mỗi cá nhân được bảo đảm bằng luật. Dicey còn phân tích thực tiễn hơn: trong tiến trình bảo vệ tự do, luôn có sự xung đột giữa chủ nghĩa tập thể chống lại chủ nghĩa cá nhân, vấn đề không còn là bảo vệ tập thể và hy sinh cá nhân, mà xét xử nghiêm minh, lý của cá nhân đúng hay lý của tập thể đúng, tất cả phải dựa trên cái lý của nhân quyền và cái lý của nhân trí. Schatz công nhận rằng mỗi lần có xung đột giữa cá nhân và tập thể, thì phản xạ của xã hội là bênh vực tập thể, một phản xạ bất công «cả vú lấp miệng em», sinh ra từ thói quen «áo mặc sao qua khỏi đầu». Trong nhân cách giáo lý Việt tộc, ông bà ta vẫn dặn dò con cháu «sống có tình, có nghĩa», chúng ta xin tổ tiên được thêm vào một câu mới: «sống có công bằng, xử có công pháp» để giáo dục và bảo vệ cá nhân của cộng đồng và cả các thế hệ sau. Mill rất thực tế khi cho rằng chính quyền luôn tìm cách thao túng xã hội, giới hạn tự do cá nhân, để củng cố quyền lực của mình, nên có những bước lùi về nhân quyền trên một số quốc gia trong lịch sử chung của nhân loại; cho nên muốn thật sự bảo vệ tự do cá nhân thì lập ra các luật ngăn trước (droit d’anticipation) để làm rào chặn các khả năng của bạo quyền. Weber, cũng có nhận định này, và cảnh giác các lực lượng đòi hỏi tự do trong xã hội phải cẩn trọng với hành chính, nó như con dao hai lưỡi, và khi nó bị chính quyền độc tài biến thành công cụ thì nó trở thành quan liêu, bao cấp, sẵn sàng coi thường tính mạng, số phận và nhân phẩm cá nhân. Khi nghiên cứu về tổ chức hành chính cai quản các sinh hoạt xã hội, Schumpeter có thêm vào nhận định khác: một doanh nghiệp không thể có, nếu không có doanh nhân, hành chính cũng vậy không thể có nếu không có các cá nhân; chính các cá nhân điều hành bộ máy hành chính và các cá nhân sử dụng bộ máy hành chính, sẽ đấu tranh làm thay đổi tệ quan liêu, tục hủ lậu của của hành chính. Trong một chế độ thật sự dân chủ, thì cá nhân trong thiên nhiên giờ đã thành chủ thể của xã hội, chính quyền độc quyền lãnh đạo giờ đã thành chính quyền xã hội bảo đảm được tự do của mọi cá nhân; trong đó mỗi cá nhân có quyền đòi hỏi chính quyền vừa phải bảo vệ tài năng và vừa phải bảo vệ tài sản của họ. Tự do cá nhân luôn đi đôi với độc lập của cá nhân, chuyện này không hề bất hợp với việc các cá nhân muốn sống chung với nhau trong cùng một xã hội, vì chính xã hội là nơi bảo đảm được chủ quyền của cá nhân, từ vật chất tới kinh tế, từ sáng tạo tới sáng tác, từ thành quả tới thành công, tránh được chuyện vô chính phủ «cá lớn nuốt cá bé» của luật rừng, tức là không có luật. Chúng ta cũng không quên phân tích của Greef, một xã hội đầy đủ nhân quyền là nơi mà đặc tính, đặc điểm của mỗi cá nhân được tôn trọng, mặc dù các đặc tính cá nhân, đặc điểm của cá thể bó buộc các định chế xã hội phải luôn luôn linh động trong đa nguyên, luôn nhanh nhạy trong đa dạng, để các đặc tính, đặc điểm này có chỗ đứng, có chỗ sống.
Trong nhân cách giáo lý Việt tộc, chúng ta nên dặn dò con cháu đừng có phản xạ hoảng sợ trước luật rừng, rừng nào cọp nấy, rừng và cọp sinh tồn trong điều kiện thiên nhiên, xa nhân tính nên xa nhân quyền, vô tri về công bằng nên vô minh về pháp luật, chúng ta nên giáo dục nhau phải có pháp quyền để bảo vệ công bằng và tự do của mỗi cá nhân, vì chúng ta không hề sợ cọp, sợ rừng. Chúng ta cũng đừng sợ các quan lại loại mới được bao che bởi chế độ độc đảng, độc tài hiện nay, dám «xài lại» xảo thuật của bọn quan lại phong kiến xa xưa: «Miệng nhà quan có gang, có thép», chúng ta không sợ nữa và thẳng thắn yêu cầu: «miệng nhà quan » phải tôn trọng luật pháp, gan phải được uốn nắn bằng tư pháp, thép phải được rèn luyện bằng công pháp! Để mọi tiếng nói được tôn trọng như nhau, để mọi cách hành xử phải nằm trong khung của luật lệ; để mọi hành vi phải dựa trên nền của luật pháp. Hãy đi thêm một bước diễn luận nữa với cá-nhân-quyền trong một xã hội dân chủ để thực hiện được hai phương thức của Smilles: self-made-man (cá nhân tự làm) và self-help (cá nhân tự lo); chuyện này không hề mơ hồ trong các xã hội văn minh hiện nay, nó là chuyện có thực hằng ngày, thí dụ: tất cả cá nhân lái xe đều phải tôn trọng luật lưu thông để tránh tai nạn, nhưng tất cả cá nhân lái xe này đều trả tiền đóng bảo hiểm ngừa tai nạn, phòng khi có bất trắc giao thông xảy ra. Nó ngược lại với một số hành động gian lận «mua âm, bán dương» hiện nay của các lãnh đạo ngay trong các nghĩa trang liệt sĩ, mặc dầu họ không phải liệt sĩ, họ tự chế ra khu từ trần, để dành « chỗ tốt, đất cao» khi qua đời, theo kiểu phong kiến hủ bại «chiếu trên, chiếu dưới», với xảo thuật «ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau», xâm phạm nhân quyền ngay trên lãnh địa thiêng liêng của cái chết. Trong Văn Tế Chúng Sinh, Nguyễn Du có một lời than để đời: « Cõi dương còn thế, chi là Cõi âm», để nói lên cái (bi) quan nhân sinh quan của cụ trước thế thái nhân tình (không nhân tính); xin kính cẩn thưa với cụ Tiên Điền: nếu lấy nhân tính để soi nhân lý, lấy nhân lý để rọi nhân trí, thì ta có thể lập luận rằng: nếu Cõi âm mà có những người giữ cho bằng được nhân phẩm của họ thì chắc là nó hơn hẳn Cõi dương hiện nay của các lãnh đạo đang dành chỗ trong các nghĩa trang liệt sĩ của chế độ này!
Đề nghị 4. Nhân quyền, từ cá thể nhân trí, trong đó cá nhân hoá tự do đi cùng với xã hội hoá cá nhân trong hệ vấn đề bảo đảm trọn vẹn chủ quyền của cá nhân, từ sáng tạo tới sáng tác, nơi mà đặc tính, đặc điểm của mỗi cá nhân được tôn trọng, trong đó cá nhân có quyền đòi hỏi chính quyền vừa phải bảo vệ tài năng và tài sản của họ, trong đó tính mạng và tương lai của mỗi cá nhân được bảo đảm bằng luật.

Nhân Quyền-Nhân Trí (P5)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Bình luận về bài viết này