Nhân Quyền-Nhân Trí (P5)

Nhân quyền, từ giá trị cá nhân luận dân chủ
Thượng đế vắng mặt trong hệ vấn đề nhân quyền, thần linh cũng không xuất hiện trong hệ vấn đề nhân trí, xử lý hai hệ vấn đề này là chuyện giữa các con người, là chuyện giữa người với người, chúng ta cũng đừng kêu gọi thượng đế hoặc thần linh làm trọng tài, kể cả tôn giáo cũng đừng nên can thiệp một cách «vô ý, vô tứ» vào hai việc này, như đã được phân tích trong Concordat, năm 1801: «Tôn giáo làm ra một xã hội được xây dựng trong quan hệ giữa con người và thượng đế, còn xã hội của con người là xã hội giữa con người và chính quyền». Trong các quốc gia tôn trọng nhân quyền, tôn vinh nhân trí, thì dân chủ đã đủ bản lĩnh, đủ nội công, đủ tầm vóc đặt tôn giáo vào đúng chỗ của nó, không để tôn giáo quyết định vào các việc nhân đạo mà tôn giáo không xử lý được, không để tôn giáo hành động vào các việc nhân lý mà tôn giáo không hành xử được. Vì nhân đạo đòi hỏi phải có công bằng về pháp luật, vì nhân lý đòi hỏi phải chống bất bình đẳng bằng công pháp; đừng trông chờ thượng đế, thần linh, tôn giáo làm ra pháp luật và công pháp. Sau khi đã đưa dạng siêu nhiên (surnaturel) của thượng đế, thần linh, tôn giáo ra khỏi các định chế, xã hội dân chủ cũng đẩy lùi được dạng thiên nhiên (naturel) của bản năng, đói ăn, khát uống, giờ đây con người đã tới đúng dạng nhân tính (humain), biết lấy kinh nghiệm hay làm thành kiến thức tốt, lấy đạo lý lành làm thành giáo dục đẹp. Trong lịch sử nhân loại, con người không hề rời bỏ quan hệ siêu nhiên với thượng đế, thần linh, nhưng hiểu biết của con người về tôn giáo là hiểu biết có điều kiện; còn hiểu biết của con người về khoa học là hiểu biết không cần điều kiện. Một bên là tôn giáo không được đặt lại vấn đề, mặc dù không kiểm chứng được là có thượng đế, có thiên đường hay không? Còn một bên là khoa học luôn luôn tính chuyện: thí nghiệm lại, tính toán lại, khảo tra lại. Niềm tin về thượng đế phải ở thế trường cửu một cách vô điều kiện, ngược lại không có một chân lý nào của khoa học là vĩnh hằng cả. Cái giống nhau, cái hội tụ giữa khoa học và dân chủ là ở đây, không có gì trường cửu, không có gì vĩnh hằng, phải luôn luôn làm rõ ra để thấy sự thật, phải luôn luôn làm sáng ra để thấy chân lý, phải luôn luôn làm tốt hơn, khá hơn ra để thấy lẽ phải. Mà hiện nay, những con người thông minh, những chính quyền khôn ngoan đã đưa vào trong quan hệ giữa con người và chính quyền một phương hướng chủ đạo hoàn toàn mới trong văn minh nhân loại: giá trị cá nhân luận dân chủ (valeur de l’individualisme démocratique). Khi cá nhân luận dân chủ này ra đời, nó không những bị các lực lượng độc tài, độc đảng hủ lậu tấn công liên tục một cách vô minh, mà cũng bị luôn cả giáo hội cùng các linh mục giáo điều xỉ vả ngày đêm một cách vô tri. Nhưng trong toàn cầu hoá hiện nay, thì nó hiển nhiên xuất hiện ở những nơi văn minh nhất, lại còn làm hải đăng cho tất cả các xã hội đang còn tăm tối trong các chế độ phản nhân quyền, chống nhân trí. Nó đương nhiên thành chủ đề, thành định đề, thành tiền đề giữa các dân tộc văn minh tiến bộ khi trao đổi với nhau, nó thành «miếng trầu là đầu câu chuyện» của toàn cầu hoá nhân quyền hiện nay. Nó là hình ảnh của em thiếu niên 15 tuổi, Tuấn Anh lên internet qua hệ Youtube, kêu gọi thế giới hãy bảo vệ cha mẹ, ông bà của em, mà công an đã hành hung tàn nhẫn khi đến cướp đất, cướp nhà của gia đình em, từ ông ngoại đến cha mẹ của em bị đánh trọng thương, chính em cũng bị tra tấn dã man trong đồn công an, sau đó lại bị đuổi học; cả ba thế hệ cùng một gia đình mà số phận thua súc vật. Và, câu cuối cùng trong lời trần tình của em là: nhân quyền không được tôn trọng tại Việt Nam, Liên Hiệp Quốc hãy tìm mọi cách để bảo vệ những con người đang sống trên đất nước này! Nghe lời kêu gọi của em, chúng ta thấy thương em, muốn chia sẻ các khổ nạn này cùng với gia đình của em, cùng lúc chúng ta thấy bị xúc phạm nặng nề như gia đình của em. Hình ảnh Việt tộc đó sao? Tại sao Việt tộc lại lâm vào cái cảnh vô luân này? Nhưng đây cũng là một chứng từ quý báu của nhân quyền, đánh dấu cho một vùng nhận thức mới về nhân trí, trong một bối cảnh vô cùng thuận lợi của toàn cầu hoá dân chủ hiện nay: mọi cá nhân, dù chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng đã ý thức được nhân quyền của mình, và đã báo động đúng lúc cho nhân loại biết: kiếp làm người trên đất nước này, đã có 4000 năm văn hiến, nhưng nhân quyền dân tộc này đang bị chà đạp thậm tệ! Cái lý muốn sống phải được hỗ trợ bằng cái quyền được làm người một cách trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất, trong quan hệ xã hội mà người với người biết đối xử tử tế với nhau, xem nhau như bát nước đầy. Như vậy, hệ vấn đề nhân quyền khi được chuyển tải bằng các phương tiện truyền thông dân chủ đã cho phép thẩm định hai loại chính quyền trong bối cảnh toàn cầu hoá mà tin tức có thường xuyên làm cho thông tin được liên tục, không ngừng nghỉ: loại thứ nhất là chính quyền đáng tin cậy vì biết tôn trọng nhân quyền, tôn vinh nhân trí; và loại thứ nhì là loại chính quyền không đáng tin cậy vì không tôn trọng nhân quyền, không biết tôn vinh nhân trí, cả hai được đánh giá trực tiếp, khi dữ kiện đã thành chứng từ trên internet, dựa trên phương pháp cổ xưa nhưng rất hiệu quả: «vô trương bất tín» (không thấy thì không tin), thấy mới tin! Các tổ chức nhân đạo quốc tế mà tôi biết thường lấy các phóng sự trên internet mà trong có cảnh: các vị lãnh đạo của ĐCSVN và các tướng lãnh của Bộ Công An vào các chùa, đứng thắp hương vào những ngày lễ, họ biết cúi đầu, biết chắp tay, biết khẩn lạy… những hình ảnh này được đem ra so với các phóng sự khác cũng trên internet: công an của các vị lãnh đạo này đánh đập, bắn giết dân chúng, kể cả các phụ nữ đang mang thai; để thấy đây thực sự là trò «phô trương bất tín». Thật bi đát cho Việt tộc! Các liên minh nhân quyền quốc tế mà tôi biết cũng vậy, họ chỉ làm đơn giản một chuyện là họ lấy các phóng sự trên internet về Việt Nam: một bên là cảnh đàn áp các cuộc biểu tình mà công an đánh đập không xót xa đồng bào của họ; một bên là cảnh công an bị dân chúng tấn công trong các cuộc biểu tình mà hình ảnh là do các đài truyền hình của chế độ rao truyền trên các kinh chính thức của chính quyền. Thực hư rất rõ, một bên là sự thực của tổng thể, một bên là quan điểm một chiều, làm công cụ cho tuyên truyền; nhưng tại sao chính quyền lại tuyên truyền ở một trình độ thấp kém như vậy? Làm cho các tổ chức nhân quyền, nhân đạo quốc tế không thể nào thông cảm với một chế độ phản nhân trí như vậy. Lại chưa hết, đất nước đang trong cảnh chỉ mành treo chuông trước hiểm hoạ thôn tính của Bắc Kinh, thì một số lãnh đạo ĐCSVN lại dùng internet để truyền lan chuyện đấu đá, chém giết nội bộ của họ qua mạng Chân Dung Quyền Lực, trong đó người dân thấy các lãnh đạo ĐCSVN không những là các con đỉa đói trong tham ô, tham nhũng với lòng tham không đáy, mà còn là những tên sát nhân, sẵn sàng giết hại đồng đảng để chiếm quyền lực. Khả năng của khoa học kỹ thuật truyền thông thật sự đã mở ra một không gian mới về quyền làm người, một bối cảnh mới cho nhân quyền có chỗ đứng trung tâm, nó giúp cho nhân loại trong các vùng văn hoá khác nhau gần nhau hơn, sẵn sàng biết bảo vệ nhân quyền chung để bảo vệ lẫn nhau trong nhân sinh toàn cầu hiện nay. Chính quyền của một quốc gia không còn độc quyền về lãnh thổ và biên giới của quốc gia đó, và dân tộc sống trong quốc gia này giờ ít nhiều đã được thế giới che chở, nếu bị chính quyền đó bạo hành với họ. Các quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong các định chế quốc gia, giờ cũng bị-hoặc cũng được-các hùng lực truyền thông toàn cầu hoá tác động liên tục, tin tức trực tiếp kèm theo hình ảnh trực tiếp, kích thích hệ dây chuyền đề nghị – tranh luận – đàm phán – quyết định – hành động, phải kịp thời, phải đúng lúc, phải nhanh nhẹn. Thật đáng mừng là cái bạo quyền hàng dọc độc tài thuở nọ, bây giờ phải tìm cách tồn tại tử tế trước cái hùng lực mới của truyền thông hàng ngang, được trợ lực bởi cái ngoại lực của toàn cầu hoá, ngày càng tỉnh táo về nhân trí, ngày càng sáng suốt về nhân quyền. Chưa bao giờ sức tự chủ của cá nhân, sức nhạy bén của tập thể, sức phản hồi của cộng đồng được phát huy một cách thuận lợi như trong điều kiện truyền thông toàn cầu hoá hiện nay.
Đề nghị 5. Nhân quyền, từ giá trị cá nhân luận dân chủ là hướng đưa Việt tộc vào quỹ đạo nhân quyền, vào chân trời nhân trí, nó không những phải được bảo vệ bằng hiến pháp, công pháp, luật pháp mà phải bằng chủ trương, chính sách, quyết tâm của chính quyền từ định chế tới hành chính, từ giáo dục tới y tế, từ văn hoá tới kinh tế…và luôn được hỗ trợ, che chở, bảo vệ bởi các lực lượng xã hội chủ đạo trong tri thức, trong khoa học, trong đạo lý.

Năm 2015, ĐCSVN muốn có những «lễ lớn»: 40 năm thống nhất đất nước, 70 năm tuyên ngôn độc lập, không quên 85 năm thành lập ĐCSVN; chúng ta có nên để chuyện «lễ mừng» lấn áp sinh hoạt của tư duy về các ngày tháng này không? Mỗi cá nhân được (nhân) quyền đánh giá về các sự kiện lịch sử này với tự do (nhân) lý trí của mình, trước hai câu hỏi: Tiền đồ dân tộc sẽ ra sao? Dân tộc ta sẽ khá lên chăng để làm chủ trọn vẹn được vận mệnh của mình? Cũng năm này, tại Pháp là nơi sinh ra cuộc cách mạng dân chủ và bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, có một sự cố hay lạ về (nhân) trí thức, đó là cuộc tranh luận giữa hai tư tưởng gia hàng đầu trong học thuật hiện nay: Alain Badiou, một triết gia đa năng, đa nghệ và luôn tin vào chủ thuyết cộng thể (cộng sản-cộng đồng-tập thể), đối diện với Marcel Gauchet, triết gia chính trị, dòng thác chủ đạo của chủ thuyết dân chủ, ngọn hải đăng của luận thuyết nhân quyền; đối diện với nhau-nhưng thật ra là đối đầu với nhau-về tương lai của nhân loại qua tương lai của dân chủ và nhân quyền. Từ tranh luận về dữ kiện đến bất đồng trong phân tích, rất dị biệt từ diễn luận tới phán đoán trước các dự phóng của nhân sinh, ngay trên đài truyền hình quốc gia, vào cuối tuần, lúc nhiều người nghe, xem, chú ý, sau nhiều giờ tranh luận trôi qua, chủ trì của chương trình yêu cầu mỗi bên phải dứt khoát kết cuộc! Và Alain Badiou kết trước: «con người luôn có mơ ước về một chế độ cộng thể (cộng sản-cộng đồng-tập thể) vì muốn sống chung với nhau». Đến lượt Marcel Gauchet làm việc kết (của kết), ông nói: «Vấn đề không phải chỉ là mơ ước về một chế độ, mà là kinh nghiệm của nhân loại giờ đã thành kiến thức cho nhân trí, vì từ tạo thiên lập địa đến nay con người đã biết, đã sống, đã trải nghiệm với các chế độ cộng thể (cộng sản-cộng đồng-tập thể), tất cả các chế độ cộng thể này đều thất bại, từ tự do tới dân chủ, từ hành pháp tới lập pháp, từ tư pháp tới công pháp, từ kinh tế tới giáo dục, từ hiệu quả tới năng xuất… như vậy, vấn đề của con người không phải mơ ước, mà là ý thức làm người, ý thức của nhân quyền và nhân trí».
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

 

Bình luận về bài viết này