Đi tìm một nền dân chủ (P1)

Lời mở đầu
Đây không phải là bài viết về dân chủ hay cơ cấu dân chủ. Mục đích của người viết là đưa ra sự chuẩn bị, sửa soạn cho những ai quan tâm đến nền dân chủ tại Việt Nam (VN) trong tương lai có cơ hội trao đổi tầm nhìn về tương quan giữa sinh hoạt dân chủ và người dân, về kinh nghiệm của các nước dân chủ hiện nay, sự suy thoái hay những đe dọa hiện thời cho sinh hoạt dân chủ, tại các nước trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.
Nhiều người tin rằng nền dân chủ chỉ cần có Hiến Pháp phân quyền giữa Hành Pháp, Lập Pháp và hệ thống Tòa Án (với Tối Cao Pháp Viện). Tình trạng suy thoái dân chủ tại Mỹ dưới thời Trump (2016-2020) cho thấy chúng ta phải xét lại từ Hiến Pháp cho đến tam phân lập, hệ thống tòa án, lưỡng đảng, nhân quyền (Bill of rights), tôn giáo và chính quyền… cũng như vai trò của người dân (cử tri) đối với các vị đại diện dân cử. Xã hội dân chủ rối loạn và suy thoái chỉ vì người dân không còn tha thiết tham dự hay tham dự một cách thiếu suy nghĩ chỉ vì không được giáo dục, hướng dẫn và tạo cơ hội cho họ tham dự một cách thiết thực để xây dựng xã hội qua sinh hoạt dân chủ.
Hiến pháp
Trong quá khứ của 47 năm sống tại các nước dân chủ, đã có nhiều nhóm người Việt cố gắng đưa ra một hiến pháp mới cho Việt Nam tương lai. Đó là những người quan tâm đến tương lai của nền dân chủ tại VN. Nhưng có lòng cũng chưa đủ, có kiến thức về luật pháp, luật hiến pháp cũng chưa đủ vì thiếu sự đóng góp của toàn dân. Có toàn dân tham dự cũng chưa đủ vì cần có tiến trình thực hiện. Vì thảo luận hiến pháp không phải là họp chợ. Nói cho đúng thì không phải ai cũng quan tâm đến hiến pháp nhưng cần có sự mở rộng trong khối quần chúng thì mới gọi là dân chủ. Dĩ nhiên không thể đợi đến lúc thay đổi chế độ mới nghĩ đến soạn hiến pháp. Mà soạn thảo hiến pháp thì không thể bấm nút máy điện toán là có, hay là dịch, cóp nhặt từ hiến pháp các nước dân chủ trên thế giới. Hoặc là thích điều gì thì nhét vào hiến pháp vì người đóng góp thường là chính trị gia, nhà hoạt động (activists) hơn là luật gia. Mà luật gia thì không phải kinh tế gia. Và người dân khi đồng ý sống chung trong một xã hội dưới quy định của một hiến pháp là để có đời sống chính trị, kinh tế tốt đẹp hơn là sống một mình trong rừng.
Nhưng có hiến pháp (lý tưởng) không bảo đảm là sẽ đạt được sinh hoạt dân chủ, chưa nói tới các điều kiện khác (tự do, bình đẳng…). Các cơ cấu dân chủ được gọi là phân quyền có giúp người dân tham dự sinh hoạt chính trị đúng nghĩa dân chủ hay vẫn bị tầng lớp ưu tú (elite) quản lý? Hay bị tôn giáo vận dụng?
Theo quy trình nghiên cứu thì phải nhìn lại quá khứ và xét hiện tại để nhìn về tương lai. Vậy muốn có một nền dân chủ thực sự (có sự tham dự hay đồng ý của toàn dân hay đại đa số quần chúng) thì nền dân chủ phải hội đủ các yếu tố nào?
Hiến pháp là bộ luật căn bản của một quốc gia nên không thể lảm nhảm, dài dòng, nhiêu khê… nhưng phải xác định các yếu tố quan trọng của một nước Cộng Hòa: lãnh thổ, dân tộc và luật pháp. Lãnh thổ chỉ có thể là một. Dân tộc cũng coi như là một, cho dù có các nhóm thiểu số nhưng sống trên cũng lãnh thổ và chấp nhận sống chung (vấn đề ly khai hay đòi độc lập sẽ nói riêng). Riêng yếu tố luật pháp là phức tạp nhất vì liên quan đến quyền lực (chính trị) và quyền lợi (kinh tế) trên căn bản xã hội (với các yếu tố văn hóa, tôn giáo, giáo dục…).
Hiến Pháp không quy định lưỡng đảng nhưng khi hệ thống chính trị thành hình qua lưỡng đảng thì lưỡng đảng kiềm chế sự thành hình của đảng thứ 3 để ép người dân phải chọn 1 trong 2. Khi có lãnh đạo giỏi thì không sao nhưng khi lãnh đạo suy thoái thì cả hai đảng đều chơi xấu và người dân không thể thay đổi hiến pháp trong khi đảng nào cũng tìm cách lũng đoạn để cầm quyền.
Tối Cao Pháp Viện
Cũng như Tối Cao Pháp Viện (cho dù 7, 9 hay 13) thì khi lỡ chọn phải thẩm phán có thành kiến thiên lệch thì làm sao mà sửa? (cho công ty tham dự vận động tài chính tranh cử. Cho phép công ty có tư cách pháp nhân. Phá vỡ án lệ 60 năm trước.)
Khi những vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện còn là ứng viên ra trước Quốc Hội thì hứa hẹn sẽ không đảo ngược những quyết định đã có. Nhưng khi được bổ nhiệm thì đảo ngược phán quyết của tiền nhiệm (Roe vs Wade) thì đâu là công lý? Đâu là dân chủ khi quyền hành xử án nằm trong tay của thiểu số cầm quyền phán xét cho tới khi chết? Và các nghị sĩ Quốc Hội chỉ than phiền “tôi đã bị gạt”? Vậy đâu là dân chủ? Đâu là công lý?
Khi Tối Cao Pháp Viện có nhiệm vụ diễn giải hiến pháp thì lại tránh né, trả lại cho tiểu bang tự quyết cũng như phán quyết ngăn cản các hành động của các bộ (EPA, DHS, FDA, FAA, IRS) thì đâu là quyền hạn của Liên Bang. Đặc biệt là khi Tối Cao Pháp Viện chấp thuận sự cầu nguyện trong trường học (khi chơi thể thao) mà không giải thích trường học là phạm vi chính quyền thì cầu nguyện là giáo quyền vào — thì vi phạm sự phân biệt tôn giáo với chính quyền. Nếu sau này các tôn giáo khác cũng đòi cầu nguyện thì sẽ giải quyết ra sao?
Khi Tối Cao Pháp Viện thiên kiến về tôn giáo thì đâu là dân chủ?
Tòa án, tội phạm và hình phạt
Đừng nói tới hiến pháp, ngay ở các tòa cấp dưới khi xử án thì có khi cùng tội ác mà ông Tòa (chánh án) phán cho tội nhân những bản án nặng nhẹ khác nhau. Rồi chuyện bồi thẩm đoàn (jury) kết tội nhưng bản án thì do ông Tòa quyết định, có khi ông Tòa bị mua chuộc thì sao? Tại sao nạn nhân (hay bồi thẩm đoàn) không được phép kết án? Còn chuyện “mặc cả” (plea deal) hay dàn xếp (settlement) mà bị can vẫn không có tội (without wrong doing)? Không có tội thì tại sao phải dàn xếp? Còn chuyện “cơ hội thứ hai” (second chance): tại sao cho phạm nhân cơ hội thứ hai mà không nghĩ tới nạn nhân, đã chết, làm gì có cơ hội thứ hai?
Đó là công lý của nền dân chủ hay sao?
Đi Tìm Một Nền Dân Chủ (P2)
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Bình luận về bài viết này