“Đạo kỷ là sự trông về trước, ngoái về sau, đứng vào lập trường của loài người tìm đường đạo”. Lý Đông A, Chìa Khoá Thắng Nghĩa(1)
Từ ngàn xưa, con người đã luôn phải tự tìm lấy đường sống, lối sống cho chính mình; từ những việc đơn giản như ăn gì, mặc gì, đến những câu hỏi phức tạp hơn như thế nào là đời sống người, hoặc phải tổ chức cuộc sống chung ra sao cho an vui hạnh phúc? Nhất nhất, con người đều phải tự quyết định lấy, sao cho phù hợp với đời sống, cách sống đặc thù của mình nhất, còn được gọi là đạo kỷ(2).
Cách nhìn như vậy gọi là sử quan nhân đạo, bởi người, cho người và vì người. Người vừa là động lực của lịch sử, vừa là cứu cánh của một kiến thiết toàn diện và hướng thượng, không phải chỉ lo xây dựng một cuộc sống thuần tâm (tinh thần – duy tâm), thuần vật (vật chất – duy vật) hay thuần sinh (Tôn Văn đề xướng) như nhiều chủ thuyết đã thiếu sót đề ra.
Kiểm nghiệm lại giòng-sống-sử tiến hoá của loài người, Lý Đông A nhận ra rằng lịch sử nhân loại bao gồm bốn thời kỳ: nhân đạo sơ khai (hay xuất phát), nhân đạo thành lập, nhân đạo tăng tiến và nhân đạo ổn định(3) (so sánh với Karl Marx: cộng sản nguyên thuỷ, nông nghiệp, công nghiệp tư bản và cộng sản hiện đại).
Thời kỳ nhân đạo sơ khai
Theo khám phá của ngành nhân chủng học, cách đây khoảng 10 triệu năm, có ít nhất hai giống khỉ ở châu Phi, một là tổ tiên loài khỉ đột (gorillas) ngày nay và một là tổ tiên chung của tinh tinh (chimpanzees) và người tiền sử. Họ thấy rằng bộ gen của tinh tinh và của người giống nhau tới 96%. Nhưng sau đó, cách naysáu triệu năm, tổ tiên loài tinh tinh và người tiền sử tách rời thành hai giống khác nhau(4). Các nhà khoa học chưa biết rõ tại sao, đưa ra giả thuyết rằng có thể do phóng xạ mà con người chỉ có 23 cặp nhiễm sắc thể, trong khi tinh tinh và khỉ đột có 24 cặp. Đây vẫn còn là một thách đố lớn cho các khoa học gia và ngành nhân chủng học, rằng có phải tổ tiên của cả tinh tinh và loài người tách làm hai, hay người là một giống hoàn toàn khác biệt?
Dù thế nào, khởi đầu loài người cũng ăn lông ở lỗ, săn thú hái lượm, mạnh được yếu thua, được Lý tiên sinh gọi là thời kỳ Duy Nhiên.
Tuy bắt đầu bằng một cuộc sống hoang sơ, người tiền sử dần sáng tạo các dụng cụ đơn giản. Các nhà nhân chủng tìm thấy viên đá được đẽo cho sắc bén, các mảnh đá nhọn và búa đá cách đây hai triệu năm. Họ còn biết di chuyển đá từ nơi này đến nơi xa khác để săn bắt. Dù chỉ là các dụng cụ thô sơ, chúng đánh dấunhững giai đoạn đầu tiên về khả năng người tiền sử có thể thay đổi (đẽo đá cho nhọn sắc) và sắp xếp lại môi trường chung quanh (alter and rearrange the surroundings)(5).
Khả năng biến đổi môi trường cho thuận tiện và phù hợp với mình đã trở thành nền tảng cho đời sống nhân loại mà Lý Đông A gọi là sự tu chỉnh tự nhiên. Nhận xét này tương đồng với quan sát của nhà Cổ Sinh học (Paleoanthropologist) Rick Potts khi ông ta cho rằng: “Sự khác biệt giữa con người ngày nay với các giống người [tiền sử] thân cận đã tuyệt chủng (theo nghĩa tiến hoá) là những sự thích nghi cơ bản của chúng ta dựa nhiều vào khả năng thay đổi môi trường chung quanh. Đây là phương thức sống còn của chúng ta”(6). Nhìn sâu xa hơn Rick Potts, Lý tiên sinh nhận thấy khả năng thay đổi môi trường sống (tu chỉnh tự nhiên) không chỉ là “phương thức sống còn” mà còn làm cho con người thành tựu và tiến hoá luôn mãi: “Loài người thành tựu được là bởi sự tu chỉnh tự nhiên, nó là cuộc cách mạng tối sơ của loài người, nó là động cơ tiến hóa không dứt, nó là nét phác cần yếu nhất của cương thường”(6). Hàng triệu năm qua, nếu tổ tiên chúng ta chỉ biết săn bắt hái lượm thôi thì không thể tạo được nền văn minh như ngày nay.
Một trong những khả năng tu chỉnh tự nhiên là trồng trọt. Hạt cây từ trái chín rụng xuống đất thì chỉ thụ động chờ “mưa thuận gió hoà” mới mọc lên. Con người trái lại, chủ động đem hạt đi trồng, không chỉ tại chỗ mà còn ở những nơi thời tiết thích hợp, vun tưới bón phân để thu hoạch cao hơn. Lý tiên sinh gọi đó là “tái sinh sản bởi loài người đối với tự nhiên sinh sản”(8). Thuần hóa súc vật, dùng lửa nấu chín thức ăn, biết giữ vệ sinh…cũng mang ý nghĩa tương tự.
Thời kỳ nhân đạo thành lập
Trải qua thời gian dài nhân đạo sơ khai, con người dần nhận ra sự khác biệt giữa mình với tự nhiên và các loài vật chung quanh, thấy rằng không thể sống như động vật: tranh giành miếng ăn, sắc tính hỗn loạn mà phải tạo ra cuộc sống riêng, đặc thù cho mình để sống một đời người chứ không còn là kiếp vật. Lý Đông A gọi đây là thời kỳ Duy Nhân.
Nhờ trí não phát triển, con người bắt đầu nhận ra phạm trù Người, biết phân biệt thế nào là nhân tính, thế nào là vật tính, thế nào là đời sống người. Nói cách khác, nhờ có tư tưởng mà con người biết nhận thức, và nhận thức ngày càng hướng thượng hơn. Với vận động hướng thượng, về nhu yếu tính, biết chia sẻ miếng ăn với nhau, hoặc chia nhau manh áo khi trời lạnh giá; về sắc tính, trai gái biết chung sống với nhau thành vợ chồng, không còn là đực cái nữa; về xã hội tính và tự vệ tính, biết vui sống hoà hài bên nhau.
Nhằm chống chọi với tự nhiên (tự vệ tính), giúp nhau đáp ứng những nhu cầu căn bản của cuộc sống (nhu yếu tính), duy trì và phát triển nòi giống (sắc tính) mà con người quần tụ lại với nhau (xã hội tính), được Lý tiên sinh gọi là xã hội tự tính(9). Xã hội người thành hình.
Cách nhìn về sự hình thành xã hội người của Lý tiên sinh phù hợp với các khám phá của khoa học, cho rằng việc chia sẻ miếng ăn, chăm sóc trẻ sơ sinh và xây dựng mạng lưới xã hội giúp tổ tiên chúng ta đáp ứng được những thách thức hàng ngày của môi trường chung quanh, đồng thời sự chia sẻ nguồn lực (dụng cụ săn bắt và thức ăn) dẫn tới mối liên kết chặt chẽ và gia tăng cơ hội sống còn của nhóm(10).
Cho dù là xa lạ, loài người vẫn có thể tụ họp chung sống với nhau; ngược lại, những loài gần người nhất như tinh tinh hay khỉ đột phải quen biết nhau mới có thể sống chung thành đàn khoảng trăm con, chúng không thể quy tụ vài trăm hay hàng ngàn con như người.
Xã hội thành hình thì tương quan giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể và giữa các tập thể với nhau phát triển.
Các tương quan này không chỉ đơn thuần về mặt vật chất mà tăng tiến cả về phương diện tinh thần. Sáng tạo chữ viết, văn chương, thi ca, nghệ thuật…làm cho mối tương quan giữa người với người ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn. Nhu cầu sống, còn vươn lên một mức cao hơn để nối, tiến, hoá.
Trong cuộc cạnh tranh sinh tồn với tự nhiên, nhiều thứ có thể tiêu diệt loài người: sấm sét, bão tố, sông biển, động đất, thú vật… Con người sợ hãi, thấy mình nhỏ bé yếu đuối, không thể đương đầu với những động vật hung dữ hay tai ương thiên nhiên, phải cầu cứu đến quyền uy bên ngoài giúp mình tồn tại, bớt sợ và an tâm hơn. Tín ngưỡng xuất hiện trong thời kỳ này, Lý Đông A gọi là giai đoạn thần tắc. Với người Việt là đạo thờ ông bà, thờ các vị anh hùng dân tộc – người thờ người. Trời, thường được người Việt nhân cách hoá hoặc dùng làm bối cảnh để nói đến chuyện khác, chứ không tuyệt đối hoá thành một vị thần có quyền sinh sát trên con người (ông Tơ bà Nguyệt, hoặc: Người ta đi cấy lấy công/ Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm… – Ca dao).
Quan niệm đa thần lúc đầu dần được thay đổi, đặt định duyên khởi vũ trụ và muôn loài vào một vị thần tối cao cai quản tất cả: thần Zeus của Hy Lạp, Allah của người Hồi, Bramah của Ấn Độ, Ngọc Hoàng của Trung Hoa… Lý tiên sinh gọi là giai đoạn đế tắc(11). Tuy tin là được thần che chở, đôi khi người ta phải giết con trai trưởng hay trinh nữ dâng hiến để thần linh không quở phạt dân làng phải chết vì một bệnh dịch nào đó. Người ta còn nhân danh niềm tin tôn giáo của mình là chân lý tuyệt đối để khủng bố, sát hại lẫn nhau mà không nhận ra rằng, con người mới là động lực và là cứu cánh của kiến thiết.
Người thì tin ở thần với nhiều tôn giáo đôi khi chống đối nhau, người thì tin ở vật, người tin vào hiện sinh, vậy đâu là chân lý nếu không dựa vào nhân bản, lấy con người làm gốc? Nếu nhân sinh quan và xã hội quan phụ thuộc vào nguồn gốc vũ trụ, con người bị trói buộc vào vũ trụ quan. Khi cho rằng thần là nguồn gốc vũ trụ, người ta phải tuyệt đối phục tùng thần, đánh mất vị trí người trong cuộc sống.
Trải qua hàng ngàn năm, nhân loại thường dùng thượng đế để giải thích các hiện tượng tự nhiên. Ai tạo ra mưa? Thượng đế. Tại sao có đời sống trên trái đất? Thượng đế. Trong vài thế kỷ qua, khoa học đã trả lời chi tiết về các hiện tượng trên nhưng không bao giờ cho rằng thượng đế là nguyên nhân. Cũng thế, các sử gia không lập luận rằng sự thua trận của phe Trục trong thế chiến 2 là vì thượng đế ở bên khối Đồng minh(12).
Vũ trụ và sự hình thành của tự nhiên là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Khoa học khám phá tới đâu, sức hiểu biết của con người mở rộng tới đó. Các khoa học gia cho rằng vũ trụ được hình thành từ vụ nổ Big Bang. Vậy vũ trụ là gì trước Big Bang? Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking trả lời rằng, nếu đi ngược thời gian tới ngay trước khi có Big Bang khoảng 13.8 tỉ năm trước, vũ trụ thoạt đầu nhỏ như một nguyên tử, chỉ có nhiệt và năng lượng, thời gian không hiện hữu (…time… literally did not exist). Những gì xảy ra ngay trước Big Bang không thể xác định được(13). Nếu thời gian đã không hiện hữu, không thể có câu trả lời cho câu hỏi chuyện gì đã xảy ra ngay trước đó. Nói cách khác, đây là vấn đề bất khả luận.
Vũ trụ, theo Lý tiên sinh, mang tính vô nguyên và tương đối: “Tự nhiên không biết đâu là bắt đầu (vô hạn duyên khởi), không biết đâu là cuối cùng (vô hạn cứu cánh), bao gồm vô hạn các chất và lượng (vô hạn lượng tính), luôn luôn biến đổi và tác động lẫn nhau để hình thành và làm tan rã mọi sự vật theo những quy luật và cách thức cũng vô hạn (vô hạn phương trình thức)”(14). Nước có lúc ở thể lỏng, thể khí (hơi) hay thể đặc (đá). Vật chất có tính tương đối.
Cuộc cách mạng tín ngưỡng trong thời hiện đại, tác giả cuốn Homo Deus, ôngYuval N. Harari nhận xét, theo tin tưởng truyền thống thì chương trình tạo dựng vũ trụ (của thần) đã làm cho đời sống nhân loại có ý nghĩa. Nhưng chủ nghĩa nhân bản (humanism) đảo ngược vị trí thần-người và tạo ra ý nghĩa cho một vũ trụ vô hồn(15). Điều này phù hợp với nhận định của Lý tiên sinh: con người lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai. Đất trời vẫn vô tình vận động từ muôn thuở, nhưng người biết tạo ra lịch, phân chia thời gian thành xuân, hạ, thu, đông, có đầu có cuối. Cũng chỉ người mới biết thăng hoa đời sống, điều chỉnh lịch sử để ngày càng văn minh, bớt dã man đi.
Người là nguồn gốc của hiện-tượng-sống. Không có người, đất trời hiện hữu cũng thành vô nghĩa.
Tạ Dzu
Tháng 8 năm 2019 (Việt Lịch 4898)
1) Lý Đông A (khuyết năm). Chìa Khoá Thắng Nghĩa. Đồng Nhân Học Xã 1989 – 4868 T.V., trang 11.
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/chiakhoathangnghiachugiai-dongnhanhocxa.pdf
(2) Những chữ hoặc nhóm chữ in nghiêng trong bài là những từ ngữ Lý Đông A sử dụng trong các tài liệu của ông.
(3) Lý Đông A (1943). Chu Tri Lục 6. Học Hội Thắng Nghĩa 2016 – 4895 T.V., tr. 61.
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/chutriluc-version-layouted-nov2016.pdf
(4) Stefan Lovgren. Chimps, Humans 96 Percent the Same, Gene Study Finds. National Geographic News, accessed 26 January 2018, https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:i6cDIulz0UsJ:https://news.nationalgeographic.com/news/2005/08/0831_050831_chimp_genes.html+&cd=17&hl=en&ct=clnk&gl=us
(5) Rick Potts. The Moral Dilemma We Face in the Age of Humans. Smithsonian.com, dated October 7, 2014, accessed 26 January 2018,https://www.smithsonianmag.com/smithsonian-institution/moral-dilemma-we-face-age-of-humans-180952909/?no-ist
(6) Rick Potts. The Moral Dilemma, Oct. 7, 2014.
(7) Lý Đông A (1943). Duy Nhân Cương Thường. Học Hội Thắng Nghĩa 2016-4895 T.V., trang 25.
Cương thường không phải là ‘tam cương ngũ thường’, mà là đời sống đặc thù của loài người.
(8) Lý Đông A (1943). Duy Nhân Cương Thường, tr 24.
(9) Lý Đông A (1943). Mở Quyển. Học Hội Thắng Nghĩa 2017 – 4896 T.V., tr 5.
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/moquyen-version-layouted-jul2017-hvl-2.pdf
(10) Smithsonian. What does it mean? Human Characteristics. Social Life, accessed 26 January 2018,
http://humanorigins.si.edu/human-characteristics/social-life
(11) Lý Đông A (khuyết năm). Nền Triết Học Chính Thống. Học Hội Thắng Nghĩa 2016 – 4895 T. V., tr 8.
(12) Yuval N. Harari (2016). Homo Deus. Harvill Secker, tr 134.
(13) Brandon Specktor. Stephen Hawking Says He Knows What Happened Before the Big Bang. Live Science Mar. 2, 2018, accessed 15 April 2018,https://www.livescience.com/61914-stephen-hawking-neil-degrasse-tyson-beginning-of-time.html.
(14) Lý Đông A (1945). Đại Việt Mô. Học Hội Thắng Nghĩa 2016-4896 T.V., tr 24. https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/02/daivietmotocgiang-dnhxahieudinh-hvl-phuchu1.pdf
(15) Harari (2016). Homo Deus. Sđd, tr 259.