Chuyện Lưỡng Đảng Mỹ và Con Người

Kể từ khi tổng thống Trump lên nắm quyền 1-2017, nước Mỹ đi vào suy thoái nhanh hơn bất kỳ thời đại nào trước đây.

Có dư luận cả Mỹ lẫn Việt ủng hộ Trump. Có dư luận chống.

A. Dư luận Mỹ

Chủ trương làm được việc (pragmatism) ngày càng có nhiều sơ hở. Đa số cho rằng Cộng Hòa (Conservative) và Dân Chủ (Liberal) phải  thỏa hiệp (compromise) để giải quyết vấn đề mỗi khi có bế tắc. Thời kỳ của Reagan được coi là cực thịnh của Mỹ: phá vỡ khối Liên Xô.

Nhưng khi Bush I kế vị và tham chiến Kuwait thì manh mối bắt đầu. Nếu bảo là bảo vệ trật tự quốc tế thì ai bênh Mỹ sẽ trả lời sao cho chiến tranh diệt chủng tại Bosnia (Nam tư cũ), Rwanda, Angola, Sudan (Phi Châu)? Kẻ chống thì cho vì quyền lợi dầu hỏa. Có người cho là Tây Phương bênh Do Thái muốn phá vỡ khối Hồi Giáo.

Khi Bush I thua Clinton, chỉ được một nhiệm kỳ thì thù hằn giữa Cộng Hòa- Dân Chủ bắt đầu trầm trọng. Quốc Hội Cộng Hòa xung đột với Hành Pháp Dân Chủ: đóng cửa chính quyền liên bang (Government shutdown). Clinton là một tổng thống dẻo miệng, chinh phục được đa số dân miền Nam nên từ một Thống Đốc của tiểu bang nhỏ Arkansas giữ quyền Tổng Thống 2 nhiệm kỳ. Vấn đề của phía Dân Chủ là chiều ý các nhóm thiểu số.

Các nhóm thiểu số cứ hễ biểu tình, thỉnh nguyện thư (petition), vận động quốc hội (lobby) hay làm bất cứ gì cho giới truyền thông Mỹ nhảy vào là có cơ hội thắng (thí dụ: cung cấp vật liệu sạch cho dân ghiền ma túy, đồng tình luyến ái, tăng an sinh xã hội, vô gia cư (homeless), luật trừng phạt tội ác…). Trong khi Dân Chủ thường lơ là chuyện quốc tế (thí dụ: Bosnia , Rwanda…)

Đinh mệnh đã đặt nước Mỹ vào hạng cường quốc, dù muốn hay không cũng phải làm anh hai thế giới. Nếu bỏ lơ thì hai cuộc thế chiến là bài học cho Mỹ và thế giới.

Vậy nếu Mỹ không cân bằng chuyện quốc tế và quốc nội thì nước Mỹ sẽ khổ (ít) và thế giới cũng khổ (nhiều).

Chuyện Hành Pháp thuộc một đảng và Lập Pháp thuộc đảng khác tưởng là sẽ cân bằng quyền lực qua thỏa hiệp nhưng khi một bên bắt đầu chơi xấu (đóng cửa chính phủ bằng cách không cấp ngân sách) thì bế tắc bắt đầu.

Khi Bush II thắng Gore qua kiểm phiếu thì tranh chấp càng dữ dội nhưng chưa tệ hại. Khi biến cố 9-11 xảy ra thì ai cũng thấy chứng cớ ghép Iraq có liên quan đến nhóm khủng bố Al-Qaeda, Taliban là mơ hồ nhưng Mỹ quyết định gây chiến . Khi phó tổng thống Cheney tuyên bố là Mỹ đủ khả năng đánh 2 mặt trận thì có mấy ai hiểu?  Tất cả chỉ vì dầu hỏa cho dù Cheney nói rằng sẽ lấy tiền Iraq trả nợ (giống như Trump nói lấy tiền Mexico trả chi phí xây tường biên giới?)

Có ai để ý Thống Đốc Virginia, Gilmore 1998-2002,  đảng Cộng Hòa, khi tranh cử đã tuyên bố bỏ thuế xe (no car tax) và thắng cử. Sau 4 năm Virginia rơi vào thâm thủng ngân sách trầm trọng. Thống đốc Dân Chủ lên kế vị phải hoàn trả hệ thống thuế xe như cũ.

Con người gian dối cho xong việc?

Khi sự thật (sau nhiều năm) cho thấy Iraq không liên hệ gì đến nhóm khủng bố 9-11 thì chẳng ai nói gì, chẳng thấy ai quy trách nhiệm về Tổng Thống hay phó Tổng Thống? Và những sai lầm của Mỹ tại Iraq hay A Phú Hãn cũng chẳng ai buồn nhắc. Nhưng phe Dân Chủ để bụng. Biết vậy phó Tổng Thống Cheney tuyên bố không ra tranh cử trong khi hãng dầu hỏa Haliburton của ông thâu vào hàng chục tỷ nhờ chiến tranh Iraq.  Và giá xăng dầu đã có lúc lên đến 140 mỹ kim một thùng. Công ty Exxon thu vào 10 tỷ (3 tháng) trong nhiều năm. Trong khi chi phí quốc phòng gia tăng thì không ai chống vì lý do “chống khủng bố”, một lý do hợp lệ để chi tiền (dù ngân sách thâm thủng) và Ngũ Giác Đài đã phung phí qua các công ty đấu thầu cho quân đội (thí dụ: Blackwater).

Để tránh sự chống đối của dân chúng, chính phủ Cộng Hòa kêu gọi người dân mua nhà trong khi cơ quan Federal Reserve giữ lãi xuất thấp. Dân chúng đổ xô mua nhà, cơn sốt mua- bán qua tay (flip- flop) đã khiến nhà lên giá vô lý. Một số nhanh tay làm giàu nhưng cuối cùng bong bóng “nhà cửa” xì hơi (giống như dịch chim cút tại VN thời 1970) dẫn đến khủng khoảng tài chánh thế giới 2007-2008.

Đến 2008, khi Obama thắng cử thì phải cứu nền kinh tế sụp đổ bằng ngân quỹ 770 tỷ mỹ kim. Sau này mọi sự tố cáo phe Dân Chủ làm ngân sách thâm thủng 19 ngàn tỷ là ngụy biện của Cộng Hòa vì Bush II tạo ra và tiền chiến tranh rơi vào tay tư bản chứ không phải người dân.

Khi Tổng Thống Obama trong hai năm đầu thông qua bộ luật y tế cho dù phe Cộng Hòa tìm đủ mọi cách nói xấu về dự luật này.

Do đó phe Cộng Hòa (thiểu số) quyết tâm phá bằng cách chống mọi dự luật khác của phe Dân Chủ đề nghị. Sau khi lấy lại đa số trong quốc hội 2010 và 2012, phe Công Hòa liên tục tìm cách xóa bỏ luật y tế nhưng không thành công. Phải chăng vì luật y tế không đem lại lợi nhuận cho phe Cộng Hòa hay chỉ vì được thực hiện bởi một người da đen? Trong khi các tổng thống da trắng chỉ gây chiến tranh thì tổng thống da đen lo vết thương cho dân?

Sự bất hòa giữa hai đảng khởi từ Clinton, nặng hơn thời Bush II và trầm trọng dưới thời Obama. Ngoài bất đồng về chính trị: đối nội (dân chủ), đối ngoại (cộng hòa); kinh tế: công ăn việc làm; xã hội: nhà cửa, ma túy, vô gia cư …; di trú: người di dân bất hợp pháp … khi sự thỏa hiệp không còn giữa hai phe, sinh hoạt chính trị lưỡng đảng đi vào bế tắc vì mục đích là phá nhau để lấy điểm khi mùa bầu cử tới chứ không còn là lo cho dân. Thêm vào đó phong trào vận động hành lang (lobby) càng mạnh với sự tham dự của các chính phủ nước ngoài (thì dụ Ukraine, Đài Loan, VN, Nga, TC, các nước Phi Châu …) các chính trị gia khi nắm quyền là quên cử tri mà chỉ biết đồng tiền đi khách.

Khi chính trị gia đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi quốc gia thì người dân làm gì được? Khi chủ tịch đảng không có thẩm quyền mà chỉ có thể nương theo người thắng cử (có quyền). Và khi chính trị gia dùng thủ đoạn (gian lận) để thắng cử thì người dân vẫn phải chấp nhận kẻ lãnh đạo mất tư cách?

B. Cân bằng cán cân quyền lực

Vậy khi hành pháp và lập pháp tranh chấp thì tối cao pháp viện (TCPV) làm gì?

Sự bổ nhiệm thẩm phán TCPV Kavanaugh bị tố cáo sách nhiễu tình dục (giống như thẩm phán Clarence Thomas) nhưng được thông qua. Trong khi dưới thời Obama chỉ định thẩm phán Merrick Garland thì bị phe thiểu số CH Thượng viện ngâm tôm.

Vậy thì ngay trong hệ thống chính quyền lưỡng đảng chỉ là phe phái chứ không còn là chủ trương, chính sách của đảng tuy rằng mỗi mùa bầu cử là tiêu chuẩn bảo thủ, tiến bộ lại đưa ra câu phiếu cử tri.

Vậy thì có cơ chế hiến pháp, luật pháp nào bảo vệ người dân không có tiếng nói khi cần thiết, kể cả khi giới “lãnh đạo” bế tắc vì ích kỷ cá nhân, phe nhóm? Tại sao các nước Âu Châu trưng cầu dân ý khi lãnh đạo bế tắc mà nước Mỹ lại không làm được như vậy? Phải chăng đó là ưu (hay khuyết) điểm của hiến pháp Mỹ?

Xem ra hệ thống lưỡng đảng còn nhiều khuyết điểm và nếu người dân không liên tục tham dự thì tất nên dân chủ phải suy thoái.

C. Ý kiến người dân ở đâu?

Trong hệ thống lưỡng đảng, báo chí góp phần trách nhiệm rất lớn. Cách đặt câu hỏi, phê bình, đăng tin, phỏng vấn các nhân vật chuyên môn … cho thấy ngành truyền thông cũng có sự thiên vị trong đó. Làm sao người dân có thể khám phá những xảo thuật đó?

Giống như thời VNCH, Phe A(cộng hòa) nói X, phe B (dân chủ) nói Y, nếu bạn không đồng ý với A là bị gán cho nhãn hiệu B, mặc dù bạn cũng không đồng ý với B. Chụp mũ là bình thường thì làm gì có chuyện đứng giữa (hay trung lập). Vậy nếu dân tộc VN không thích cả CS lẫn tư bản thì sẽ đi về đâu?

Còn chuyện “theo tôi hay không theo tôi” (my way or high way) thì rõ là độc tài rồi.

D. Dư luận Người Mỹ gốc Việt

Những năm đầu thập niên 1980 tới mùa bầu cử, chẳng thấy ma tỵ nạn nào đi bầu. Tuy đã có người theo đảng CH hay DC nhưng theo CH vì CH “chống cộng” (và là anh em với VNCH) còn DC là thân cộng, giết VNCH (thực tế là TT Nixon-Kissinger đi đêm với TC 1972 và TT Ford, cũng là đảng CH cắt viện trợ cho VNCH 1975 cho dù quốc hội chấp thuận).

Có người còn õng ẹo chuyện nhập tịch (có lẽ vì còn yêu VNCH). Đến khi đi bầu thì chẳng mấy ai theo dõi cuộc tranh cử, chủ trương của ứng cử viên mà chỉ bầu theo cảm tính.

Rồi thời 1990s có vài người tham dự tham dự Hội Đồng tỉnh, thành phố đã làm nhặng xị về những hành động quái gỡ (miễn bàn). Từ đó phe ta được mùa cho tới cao điểm là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh) sa hũ gạo: được làm dân biểu Quốc Hội Liên Bang.

Tuy vậy người Mỹ gốc Việt vẫn còn ấm ớ trong chuyện lịch sử Mỹ, chính trị (từ cấp quận: county cho tới tiểu bang, liên bang) chưa nói tới hệ thống đảng và luật bầu/ tranh cử.

Căn bản Mỹ đã vậy và rồi căn bản Việt cũng mất luôn. Chúng ta không biết cái hay, dở của Mỹ-Việt để biết cái gì cần giữ cái gì cần học. Từ khi tỵ nạn và được định cư, người Việt hải ngoại chỉ biết làm ăn (y tế, chính trị an ninh đã có người /quốc gia chủ nhà lo rồi). Rồi đến khi Trump lên làm Tổng Thống thì phe ta bắt đầu bàn “chính trị” nước Mỹ.

Có người hỏi tôi “ông thấy Trump thế nào?” tôi không trả lời vì người hỏi đặt câu hỏi quá đơn giản cho một vấn đề quá phức tạp. Cả phe ủng hộ lẫn chống Trump, chống Cộng Hòa  hay Dân Chủ cũng chỉ là bề ngoài. Nếu bạn bỏ tiền ủng hộ một phe (CH hay DC) bạn sẽ bị tràn ngập bởi email, thư tận nhà để yêu cầu tham dự, trả lời câu hỏi, đóng góp ý kiến (có sẵn) và xin thêm tiền của ứng cử viên.

Có nhảy vào cuộc chơi mới biết “hệ thống” (system), được tổ chức, vận hành ra sao. Bạn không thể thay đổi, bạn chỉ có thể “có/ không (yes/no) mà thôi.

Chúng ta sẽ học bài học dân chủ như thế nào khi cuối cùng nhận ra tư bản hay độc tài cộng sản cũng chỉ một công thức: dụ dỗ người dân chấp nhận kinh tế ổn định/ phát triển để đổi lấy sự hy sinh quyền chính trị và an ninh (giao phó cho đảng hay nhà chính trị có tài thuyết phục) (1). Chỉ có khác là tư bản (Mỹ) để mọi người tự động đâm đầu vào “thiên đường”. Còn CS (Nga, Tàu) là dùng bạo lực súng đạn để ép mọi người phải theo “thiên đường”.

Vậy thì dân chủ là gì? Làm sao bảo vệ dân chủ không suy thoái khi quần chúng phân tán và chạy theo những đòi hỏi của từng lãnh vực? Nếu không ý thức nhường nhịn thì xã hội sẽ rối loạn và độc tài thắng thế.

Khi nhà thờ, nhà tù không cải thiện con người, thay đổi được xã hội thì cái gì sẽ thay thế?

Thực sự hệ thống nào cũng có khuyết điểm vì do con người tạo ra. Mà con người cũng có thể thay đổi vì khả năng sáng tạo. Nhưng thực sự con người có chủ tâm thay đổi tốt hơn không? Vì mục đích nào?

Đa số chủ tâm thay đổi vì lợi nhuận, ích kỷ, tham vọng … và đó là vấn nạn của “hệ thống”.

Tại sao súng máy giết người hàng loạt mà vẫn có người cho là “người giết người” chứ súng không giết người.

Tại sao hàng năm vẫn có biểu tình bảo vệ đời sống (pro-life) chống phá thai để cứu bào thai (chưa sinh) nhưng lại chấp nhận tử hình, sử dụng súng để giết người (stand your ground),  gây chiến tranh hay không can thiệp những vụ diệt chủng?

Có gì khác biệt giữa sinh mệnh một thai nhi và một người đã/đang sống và có thể đóng góp cho xã hội rất nhiều?

Có người đổ thừa là “bệnh tâm thần”? Làm sao có thể nói một người rất bình thường, đủ điểu kiện để mua súng máy hôm nay và ngày mai, vì một cớ gì, mất bình tĩnh (hay nổi cơn điên) xách súng đi giết người.

Khi người dân đóng thuế có giới hạn những đòi hỏi thì vô hạn. Xã hội nào chịu cho nổi?

Khi chính trị gia, lãnh tụ phản bội lời hứa với nhân dân thì quân đội sẽ làm gì?

Làm sao tránh trường hợp các công ty hè nhau bóp cổ người tiêu thụ?

Làm sao tránh cảnh thiểu số ngoan cố ép buộc đa số (như trong trường hợp thiểu số CH trong Thượng Viện bó tay Hành Pháp và đa số Dân Chủ dưới thời Obama)?

Tại sao vẫn có người cho là dân nghèo là ăn hại, không chịu làm việc. Và người giàu là vì có công, khả năng … mà quên rằng một thiên tài không thể làm giàu một mình trên núi, trong rừng … mà phải trong một xã hội có đủ mọi người, mọi giới để giúp hắn thực hiện giấc mộng (hay kế hoạch) làm giàu.

Người Mỹ gốc Việt có thắc mắc khi thấy 2008 nước Mỹ có một Obama đơn độc học thành tài, tranh cử 2 lần không một khuyết điểm, suốt 8 năm không tai tiếng trong ngoài. Rồi 2016, nước Mỹ chọn Trump với đủ thứ tai tiếng từ tiền, thuế, gái, gia đình … trong và ngoài nước, nói láo như cơm bữa, tư cách cá nhân như một chúa đảng Ma túy…

Người Mỹ gốc Việt học được bài học gì khi Tổng Thống Obama tranh cử hai lần đều thắng, không một lỗi lầm từ nhân sự đến hành động (khoan nói đến chính sách đối ngoại) và kế đó là nước Mỹ chọn Tổng Thống Trump với các cộng sự viên đều bị điều tra, ra tòa, ở tù vì tội phạm và một nội các thay đổi nhân sự liên tục, nói dối như cuội mỗi ngày, mọi chuyện. Khi người lãnh đạo chủ trương nói dối không ngượng miệng thì tư cách và phẩm chất của lãnh tụ đó ra sao? Khi nhà lãnh đạo không đạt điều mình muốn đã đóng cửa chính quyền (shutdown government) để gây áp lực với Quốc Hội. Đâu là quyền lợi dân tộc khi lãnh tụ chơi bài tố: nếu tố 100 để rồi thỏa hiệp 50/50 thì tố 120 để nếu có thỏa hiệp thì 60/60 là có lời 10 %.

Liệu người Mỹ & Việt có nhận ra xảo thuật đó không hay cứ thỏa hiệp là OK, còn ai gian lận được thì mặc kệ?

Chúng ta không nên xét theo cảm tính chỉ vì Trump chống TC nên nhắm mắt ủng hộ Trump. Thử hỏi nếu nước Mỹ suy tàn thì chúng ta sẽ đi về đâu? Nói gì chuyện VN.

Người Mỹ gốc Việt (nay đã tới tuổi về hưu) mới nhìn vào chính trị Mỹ. Còn rất nhiều điều để học trước khi nói tới chuyện VN sẽ ra sao, như thế nào, có bị Hán hóa không?

Chúng ta có hàng trăm ông tiến sĩ kinh tế, chính trị … nhưng có ông nào học làm người không? Chạy theo Mỹ chúng ta chỉ có những con người khoa học kỹ thuật tạo ra Google, Tweeter, Facebook , Apple … và robot (Artificial Intelligent).

Con người tạo ra xã hội và xã hội nuôi dưỡng lại con người (2). Khi xã hội bất an là do con người. Con người và xã hội sống nhờ thiên nhiên. Khi thiên nhiên gây tai họa thì con người và xã hội không thể tồn tại được.

Khi con người chọn suy nghĩ và hành động gian dối, tàn ác mà xã hội vẫn dung dưỡng những con người như vậy trong vị thế lãnh đạo công ty hay chính quyền thì xã hội sẽ đi về đâu?

“Giáo dục là khởi điểm và cũng là chung điểm của chính trị” (3)

Vậy con người cần học cái gì????

TCL

Tháng 1 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Tài liệu tham khảo:

(1) The 3rdrevolution : Xi jinping and the New Chinese state , E. C .Economy, 2018 .page 73 .

(2 & 3)  Chìa khóa Thắng Nghiã. Lý Đông A. Thangnghia.org

Bình luận về bài viết này