Thư Gửi Người Bạn Vô Sản (P2)

Thư gởi người bạn vô sản khuyên tôi vô vi,

tôi là người Việt Nam, tôi từ chối:

vô sản-vụ lợi trong cộng sản-tư lợi

  1. Khi bạn viết : Anh muốn thay đổi chế độ mà anh bảo là “độc đảng, độc tài” này là đúng, nhưng lật đổ Đảng CS rồi, ai sẽ điều hành đất nước? Đã có đảng phái nào, lực lượng chính trị nào đủ sức thay thế chưa? Hay sẽ là một cảnh hỗn quân hỗn quan, hỗn loạn như mấy nước Trung Đông và các thế lực bên ngoài sẽ nhảy vào chia năm xẻ bảy đất nước?
  • Bạn lại sắp sa lầy, sa lưới, sa cơ rồi! Tại sao bạn không nhắc tới thời sự tháng này qua cuộc đấu tranh của dân tộc Vénézuéla, dân chúng đứng lên để chống độc tài đảng trị vì nó là gốc của nghèo đói, rễ của bất công, cội của tham nhũng, nguồn của mọi chuyện mất nhân phẩm giữa cuộc sống. Xã hội Vénézuéla, còn sẽ bị biến động nữa, bất ổn nữa trong các ngày tháng tới, nhưng nhận thức về nhân quyền đã có trong tư duy của dân chúng, ý thức về tự do giờ đã sáng trong não bộ của họ, nên sự tỉnh thức này sẽ làm nên trận cuồng phong quét đi mọi rác rưởi, mà không một bạo quyền, một tà quyền nào, một ma quyền nào đứng vững được.
  • Trở lại, câu của bạn : «…lật đổ Đảng CS rồi, ai sẽ điều hành đất nước? Đã có đảng phái nào, lực lượng chính trị nào đủ sức thay thế chưa?» Bạn lại quên lịch sử cận đại trong cuối thế kỷ qua, cả khối Đông Âu cộng sản đang sống trong ảo-ác mộng là phải chịu cảnh «ăn đời ở kiếp» với bạo quyền độc đảng, với tà quyền độc trị cho tới chết, vì không có một lực lượng đối kháng nào có mặt trong các quốc gia này. Vậy mà một sớm một chiều trong vận tốc chớp nhoáng của sấm sét lịch sử, cả khối cộng sản Đông Âu tiêu sụp như lâu đài trên cát!
  • Bạn lại sa vào mê luận : «Hay sẽ là một cảnh hỗn quân hỗn quan, hỗn loạn như mấy nước Trung Đông và các thế lực bên ngoài sẽ nhảy vào chia năm xẻ bảy đất nước?». Thưa bạn, hàm số các lực lượng cực đoan hiểu đạo Hồi một cách quá khích không phải là hằng số của dân chủ, và dân chủ không hề là hỗn quân, hỗn quan, hỗn loạn… như bạn kể. Chuyện này tôi đặt tên là cuộc đấu tranh đôi của các dân tộc Trung Đông, họ phải vừa phải xóa bạo quyền độc tài và phải tẩy luôn bọn cực đoan cuồng giáo. Đây cũng chính là số phận của Việt tộc trong các ngày tháng tới với cuộc đấu tranh đôi, phải loại nội xâm bạo quyền độc tài, cùng lúc phải truy đuổi ngoại xâm Tàu tặc.
  • Bạn lại sa vận nữa rồi khi bạn viết : «… các thế lực bên ngoài sẽ nhảy vào chia năm xẻ bảy đất nước?», tại đây bạn nên phân biệt có hai loại thế lực bên ngoài. Loại thứ nhất là các quốc gia dân chủ lấy nhân quyền trong hòa bình để lập lại quan hệ quốc tế; đó là các nước phương Tây đang sống với tự do, đang thở với dân chủ vì nhân quyền; họ hoàn toàn chấp nhận các quy định trong công pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Còn loại thứ hai là Tàu họa, trong khi Việt Nam ta đang có hòa bình mà Tàu tặc đã cướp đất, cướp đảo, cướp biển của chúng ta rồi! Mà Tàu hoạđã ô nhiễm môi trường, diệt môi sinh của chúng ta, cùng lúc đầu độc dân Việt bằng thực phẩm bẩn độc, tạo ung thư tràn lan, đang giết dần giết mòn Việt tộc; tại sao bạn không trao luận với tôi về việc này? Vì đây chính là cuộc sống hằng ngày của bạn tại Hà Nội mà!
  1. Bạn sa đà kéo tôi sa đà theo : Hôm trước do phải tham khảo để viết một báo cáo, tôi có đọc lại cuốn “Bàn về tính hiệu quả” của F. Jullien, trong đó có bàn về thuyết “vô vi” của Lão Tử. Tôi thấy F.  Jullien quá thông minh. Vô vi không phải không làm gì, mà là lựa theo tình thế mà làm. Nếu truyền thống phương Tây đề cao sự “táo bạo”, dám nghĩ dám làm, “dũng ở chỗ dám làm”, thì phương Đông chủ trương bớt đi sự can dự, “sắng sở”, tiết chế những việc “càng làm, càng mất”, đủ tỉnh táo để “không dám làm” khiến cho “hỏng việc”, thất bại, tránh “hữu dũng vô mưu”. Không phải lúc nào cũng cứ “dấn thân” là tốt.
  • Bạn lại lấy người vừa là đồng nghiệp, vừa là người bạn chí tình của tôi từ hơn 20 năm qua để «tấn công» tôi; bạn ơi mặc dù là một triết gia nằm sáng trong khu Bắc Đẩu, một nhà Trung Quốc học sáng ngời trong cõi Nam Tàu của Đông phương học, nhưng Jullien rất gần gũi với tôi trong tình thâm của học thuật, với nhiều «bí mật học thuật» kiểu tri kỷ. Thưa bạn, chắc bạn không biết nhiều về nhân vật này mà bạn nhấn thêm : «Tôi thấy F. Jullien quá thông minh», như để «vô hiệu hóa» quá trình dấn thân của các đứa con tin yêu của Việt tộc, đang ngày ngày trực tiếp đấu tranh với bạo quyền độc đảng đang cai trị dân, mà không hề có sáng suốt để lãnh đạo số phận Việt tộc đang đứng cạnh vực sâu của nghèo nàn, lạc hậu, cạnh một vực còn sâu hơn là Tàu họa qua xâm lược của Tàu tặc.
  • Thưa bạn, phạm trù lý luận vô vi của Lão Giáo, làm ra tác phẩm“Bàn về tính hiệu quả”, của Jullien mà chính tôi là chủ biên khi được dịch ra tiếng Việt, cũng như tất cả các tác phẩm khác của F.  Jullien được lưu hành tại Việt Nam. Trong học thuật, chuyện biến thiên tới nhanh lắm bạn ạ! Tôi xin gởi kèm theo thư này, là bài nhận định về tác phẩm mới nhất của tác giả này[1]: L’inouï, năm 2019 này, bài nhận định này tôi viết theo yêu cầu của chính tác giả. Trong tác phẩm này tác giả phân tích hoàn toàn ngược lại với quy trình của vô vi đã làm nên minh triết, mà ngược lại tôn vinh cái chống vô vi, để được ngạc nhiên trong sững sờ trước cái đẹp của tự do, cái hay của sáng tạo, cái tốt của tha nhân, cái cao của cuộc sống, cái sâu của nhân phẩm, cái rộng của nhân loại. Bạn nên thận trọng bạn à! Sau 20 năm, tác giả này thay đổi nhiều lắm!
  • Riêng tôi, thì không cần phải có Jullien để được giảng về vô vi, để hiểu chuyện“hữu dũng vô mưu”, vì tôi «bị» người khác giảng nhiều về chuyện «thời thế tạo anh hùng», rồi «thời bắt thế theo thời phải thế», nên phải cúi đầu-cắn răng để chờ thời, để chịu đựng thêm nhiều năm nữa bạo quyền độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham nhũng, để lãnh đạo của ĐCSVN rảnh tay mà độc quyền buôn dân bán nước. Những kẻ khuyên tôi kiểu vô vi này, tôi thấy họ cố tình hay vô ý đã rơi vào luận thuyết của tôi: vô sản-vụ lợi trong cộng sản-tư lợi. Vì tôi thấy rất rõ là họ vỗ ngực là vô sản nhưng trong nhà của họ có con hầu, thằng tớ phục vụ cho họ; họ sống trong «ngập sản» chớ họ không vô sản đâu, nếu họ không vụ lợi qua tham nhũng thì họ cũng tư lợi qua bổng lộc của chế độ đảng trị hiện nay ban bố cho họ, đang «vất thẩy» cho họ những «móc mưa», để họ hãnh diện trong ảo vọng là được đứng cùng phía với giá cấp thống trị, mà không phải là nạn nhân bị trị như dân chúng, dân đen, dân oan. Tôi xếp họ vào khu cộng sản-tư lợi, vì họ không hề cộng sản bằng kiến thức hoặc bằng thâm tâm, họ chỉ mượn hoa cúng Phật, mà tổ tiên ta nói huỵch toẹt ra là: «mượn đầu heo nấu cháo». Tức là họ mượn danh nghĩa cộng sản nhưng họ từ chối đối thoại với tôi về chủ thuyết cộng sản, để làm rõ việc so ra mới biết ngắn dài về kiến thức của họ trên chủ nghĩa này; họ chỉ mượn tổ chức công an trị kiểu chuyên chính đảng trị để cai trị Việt tộc, chớ họ không hề có tri thức gì nhiều về chủ thuyết này, họ chỉ «mượn gió để bẻ măng», để tạo ra bất công «cốc mò, cò ăn», rồi dựng nên bất bình đẳng «kẻ ăn ốc, người đổ vỏ» để trục lợi cho tư lợi của họ. Họ ăn hiếp đồng bào mình, nhưng khi gặp các lãnh đạo của các quốc gia giầu mạnh phương Tây thì họ cúi đầu-khoanh tay trong hèn thế-yếu vị để mượn tiền, để xin viện trợ bạn à.
  • Nên tôi thấy câu “hữu dũng vô mưu”, dùng để trách từ bài tới sách của tôi rất: vô duyên vì nó vô hậu, những ai đã nhận bổng lộc của tà quyền vì họ chỉ «nằm chờ sung rụng», rồi giả vờ làm kẻ chờ thời, tôi xa lạ với loại người này, tôi cũng không phải là anh hùng gì cả, tôi suốt đời chỉ muốn làm công dân đòi hỏi cho bằng được công bằng, bằng chính công tâm của mình, từ đó dùng công pháp mà thực thi công luật, nên trong câu chuyện của chúng ta bao năm qua, tôi luôn khẳng định là: «tôi đứng về phía nước mắt!». Tức là tôi đứng về phía nước mắt của mọi nạn nhân trong mọi chế độ. Cụ thể là nếu có một cuộc vật đổi sao dời nào đó mà một sớm một chiều biến bạn thành nạn nhân của một bạo quyền mới, thì tức khắc tôi sẽ đứng về phía nước mắt của bạn, để song hành cùng bạn mà dẹp tà quyền mới này. Bạn ơi, danh chính ngôn thuận làm nên nhân dạng đường đường chính chính để nhân phẩm nói lên nhân lý của chuyện «có (sự) thực mới vực được đạo» bạn à!
  1. Bạn lại sa đà vào chuyện : «Vì anh gửi nên tôi cũng đọc mấy bài liên quan đến Mẹ Nấm. May quá là đã hơn 3 tháng trôi qua từ khi cô ấy sang Mỹ, và chắc bây giờ cô ấy đã vỡ lẽ ra nhiều điều. Tôi nghĩ cô ấy sẽ rất khó sống ở “xứ sở của tự do” ấy. Chưa biết phải gồng mình về chuyện cơm áo, gạo tiền thế nào, riêng việc bị những người “đồng chí hướng”, “cùng hội cùng thuyền” nói xấu, lăng mạ, trách cứ cũng đã đủ phiền lòng rồi. Mà sao đều là những tù nhân lương tâm, “chống cộng” sao họ lại quay ra đấu đá, phỉ báng, phản bội nhau một cách thô bỉ như vậy, tôi không hiểu? (như Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Ngô Kỷ… rồi Lê Thu Hà và Nguyễn Văn Đài…)».
  • Trong mọi cộng đồng, trong nước cùng như ngoài nước, luôn có các lực lượng cực đoan được kích thích bởi các thành phần quá khích, lấy khủng bố bằng vu cáo làm nên hành động xấu, tồi, tục, dở cho tập thể của họ, nhiều lúc tới từ các ý đồ thâm, độc, ác, hiểm của các lãnh tụ trong các thiểu số này. Vì họ thực sự là thiểu số, nếu một cộng đồng hải ngoại biết tôn vinh nhân quyền, biết cổ vũ cho tự do, lại còn biết trân quý dân chủ, thì các bọn quá khích, các phái cực đoan tuổi thọ sẽ «yểu» đi.
  • Đa số cộng đồng người Việt hải ngoại đau đáu với đồng bào trong nước trước họa nội xâm bạo quyền tham nhũng song hành cùng hoạ Tàu tặc ngoại xâm, đồng bào hải ngoại trằn trọc với bao vấn nạn đang tới trong nhân kiếp của Việt tộc, họ đâu dễ dàng bị thao túng, bị giật dây bởi các lực lượng xấu này. Nói gần nói xa không qua nói thật: hằng bao nhiêu tỷ đô la hằng năm mà Việt kiều gởi về đất nước, đã và đang vừa nuôi cán cân kinh tế quốc nội, lại vừa vô tình nuôi chế độ bạo quyền độc đảng hiện nay, đây mới chính là bi kịch của Việt tộc.
  • Riêng các tù nhân lương tâm, thì bạn đã biết thâm kiến của tôi rồi, tôi quý trọng họ bởi chữ lương tâm, vì họ có lương tri nên họ mới dấn thân, nên mới trao tặng cuộc đời của họ cho dân tộc, cho đất nước. Còn chuyện giữa họ có chia rẽ, có xung đột với nhau thì đây là chuyện rất người, «rất Việt Nam» khi họ chưa nhận ra trọn vẹn nhân vị của họ. Vì nếu họ thật sự lương thiện thì họ sẽ nhận lại lương tri của họ, để giữ vững lương tâm vì dân, vì nước của họ. Còn họ sa đà vào chuyện lạc lương tâm, mất lương tri, vì thiếu lương thiện thì họ đã tự đánh mất danh nghĩa tù nhân lương tâm của họ rồi.
  1. Bạn tiếp tục giảng cho tôi : «Riêng ở mảng Linh Luận, vì tên chủ đề là Linh Luận, nên cái gì anh cũng quy về “tâm linh”, song thực ra nhiều chỗ theo nghĩa tiếng Việt phải là “tâm hồn”. Người ta sẽ nói cô ấy/anh ấy có một tâm hồn đẹp, không thể là tâm linh đẹp». Vì quý bạn nên tôi gởi cho bạn vài bài đọc trước, còn bản thảo Linh Luận, có tiểu tựa là chiều sâu tâm linh Việt tộc, có hơn 100 bài, với hơn 100 chỉ báo để dựng lên hơn 100 định nghĩa về tâm linh, song hành cùng 100 tác giả, tư tưởng gia, lý thuyết gia… để có hơn 100 kinh nghiệm về tâm linh, không liên quan gì tới mê trận của mê tín, và mê lộ của tín ngưỡng hoang tưởng. Trong cấu trúc định luận làm nên kiến trúc định đề cho bản thảo về tâm linh, tôi không hề dùng cụm từ tâm linh đẹp, mà chỉ sử dụng chiều sâu, chiều cao của cõi tâm linh qua các giá trị tâm linh. Bạn đừng «lo ra» nhé, tôi sẽ gởi trọn vẹn bản thảo này tới bạn trong nội tuần tới; nhưng trước mắt, tôi xin làm rõ câu chuyện của bạn: «Người ta sẽ nói cô ấy/anh ấy có một tâm hồn đẹp, không thể là tâm linh đẹp», thưa bạn có tâm hồn đẹp chưa chắc có nhân từ, nhân tâm, nhân nghĩatrong đối nhân xử thế làm nên nhân bản, nhân văn, lại còn biết dựa lên nhân tri, nhân trí, để giữ nhân lý, nhân tính, để tìm ra nhân đạo để dựng lên cỏi tâm linh bạn à. Ngược với tâm hồn đẹp theo cách hiểu của bạn, bản thảo tâm linh của tôi phải nhận cho đủ để trao cho trọn tất cả hệ nhân (nhân từ, nhân tâm, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn, nhân tri, nhân trí, nhân lý, nhân tính, nhân đạo).
  2. Trước khi dứt thư, bạn dạy thêm cho tôi: «Anh cũng nên thận trọng những người trong nước khó chấp nhận chuyện lỗi chính tả…». Không biết người trong nước kiểu bạn đưa ra là loại người nào? Tôi xin chỉ đưa ra ba lập luận:

* Chuyện lỗi chính tả là chuyện Việt kiều phải chăm lo hằng ngày, tôi đọc và sửa nhưng không đăng tức khắc mà chờ các bạn trong các nhà xuất bản, trong các ban biên tập chỉnh sửa thêm, thật kỹ lưỡng trước khi đăng, đây là lòng kính trọng của tác giả đối với độc giả, mà chúng tôi phải tinh chuyên hằng ngày[2].

* Chuyện lỗi chính tả nên đặt vào bối cảnh của những Việt kiều xa quê hương, xa tiếng Việt[3], hàng ngày phải vật vã bằng ngoại ngữ cho chuyện giá áo, túi cơm; bạn ơi chuyện chén cơm manh áo chưa xong mà vẫn ngồi cặm cụi viết tiếng mẹ đẻ thân thương với nhiều lỗi chính tả, thì đây là hình ảnh đẹp lắm bạn ạ! Tôi đi lưu vong cả nữa thế kỷ, tôi rất tâm giao đắc khí với một thi sĩ vĩnh viễn mất quê hương, đó là Celan, khi «bị» người xa lạ hỏi: «Khi ông mất quê hương cha sinh mẹ đẻ rồi, bây giờ thì quê hương của ông là đâu?», Celan trả lời mà tôi rơi nước mắt: «Bạn ơi, quê hương tôi chính là tiếng mẹ đẻ của tôi đó, tôi không bao giờ lưu vong, tôi không bao giờ thấy lạc lõng trong tiếng mẹ đẻ của tôi». Hôm đó tôi «mít ướt» quá, vừa khóc, vừa nhớ sư phụ của mình là nhạc sĩ Phạm Duy: «Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi!».

* Chuyện lỗi chính tả trong «dọa cảnh» của bạn là: những người trong nước khó chấp nhận chuyện lỗi chính tả, nếu tôi rơi nước mắt vì câu trả lời của Celan, thì tôi thấy rất «mắc cười»«mắc cở» cho những người trong nước khó chấp nhận chuyện lỗi chính tả. Tôi thấy họ quây quần trong «ao làng» để tra lỗi chính tả, mà ông bà ta gọi là đám «ếch ngồi đáy giếng» chỉ truy, tra, xét, xử, lỗi chính tả mà họ không để thì giờ đi học ngoại ngữ. Tôi «van xin» bạn gặp những người trong nước khó chấp nhận chuyện lỗi chính tả này, mà khuyên họ nên khoan dung để sống trong khoan hồng với chữ nghĩa, bằng cách gởi tới họ câu dặn dò của thi sĩ Goethe: «Bạn không thể nào yêu thương sâu xa tiếng mẹ đẻ của bạn được, nếu bạn không biết thêm ít nhất một ngoại ngữ!». Bạn thấy câu này hay không? Tôi thấy nó tuyệt đẹp!

Kính thư trong bằng hữu.

GS Lê Hữu Khóa 

[1]Compte-rendu pour L’inouï

 

[2]Facebook.com: VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa), tôi có phân tích kinh nghiệm này trong:

NGHỆ LUẬN(l’argumentation artistique)

THI LUẬN (l’argumentation poétique)
TÌNH LUẬN(l’argumentation sentimentale)
VĂN LUẬN(l’argumentation littéraire).

[3]http://www.facebook.com: VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa), tôi có phân tích hiện tương này trong:

KHOA HỌC LUẬN (l’argumentation épistémologique)
LÝ THUYẾT LUẬN (l’argumentation théorique)
PHƯƠNG PHÁP LUẬN (l’argumentation méthodologique).

 

Bình luận về bài viết này