Những người Việt Nam lương thiện:  Đoàn kết lại!

Không phải để chống nhà nước CSVN.

Không phải để lật đổ chính quyền Cộng sản.

Không phải để phản đối ông Trọng, ông Quang hay bà Kim Ngân…

Đoàn kết để giúp đỡ nhau vì nhà nước chẳng lo gì cho dân cả. Thí dụ như vụ Formosa.

Khi nông dân bị tước đoạt ruộng đất.

Khi giáo dân bị cấm đến nhà thờ, tu họp cầu nguyện.

Khi ngư dân bị Tầu cộng uy hiếp đánh đập.

Khi cô giáo bị ép đi tiếp rượu cho các quan lớn ăn nhậu…

Khi thương phế binh bị nhà nước bỏ đói.

Khi học trò, sinh viên bị ép lao động kiếm tiền đóng học phí.

Khi tiểu thương bị nhà nước ép buộc, bóc lột…dành chỗ cho công ty của cán bộ tiến lên

Khi công nhân đấu tranh đòi quyền lợi bị chủ nhân bóc lột thì Công An Nhân Dân đàn áp.

Bạn, những người VN trong nước nên làm gì? Có thể làm gì ????

Rõ ràng những tư tưởng vĩ đại của các lãnh tụ râu xồm, ngoại lai, hứa hẹn xây dựng đất nước tươi đẹp gấp 5, gấp 10 đã trôi theo giòng nước cống rãnh ngập lụt phố phường.

Hãy giúp nhau có miếng ăn, sống qua ngày, hãy nhìn vào mắt nhau để nhận diện ai là kẻ lương thiện, đâu là người tử tế.

Đừng tham gia các tổ chức chống đảng, nhà nước. Không tốt, nguy hại cho bản thân, gia đình …. Đừng làm chuyện lớn nếu chuyện nhỏ chưa làm xong.

Từng xóm làng, khu phố, bạn hãy giúp đỡ những người gần nhất, người láng giềng nơi bạn đang ở, cần giúp đỡ nhất… vì mỗi người chúng ta đều có một trái tim.

“Hãy nhìn xuống chân biết bao nhiêu người khốn cùng

Sống đời tối tăm như loài giun

Hãy nhìn xuống chân biết bao nhiêu người ngã gục

Chết để chúng ta thêm lợi danh

Hãy nhìn xuống chân dế giun đang kêu thoáng buồn

Miếng mồi đỉnh chung đang giành nhau

Hãy nhìn xuống chân để thấy thua loài côn trùng

Suốt đời chẳng bon chen nhọc thân

Hãy nhìn xuống chân những gông xiềng từ muôn kiếp

Hãy nhìn xuống chân thấy ước mơ đang chết dần

Sao còn giết nhau mãi giết nhau không hối tiếc

Sao còn mãi mê mãi mê chia chác bạc tiền

Hãy nhìn xuống chân để thấy thương người thua mình

Vẫn gượng sống vui với niềm tin

Hãy nhìn xuống chân để lắng nghe nỗi bất bình

Muốn gào thét nhưng phải lặng thinh”

(Nhạc Lê Hữu Hà)

Tai sao phải lặng thinh?

….

Hãy sống và thở. Vì không có chế độ nào có thể cấm con người thở.

Nếu là người VN không cộng sản, bạn không thương nhau thì ai sẽ thương bạn?

Những kẻ nhà giàu đang bỏ nước ra đi. Đảng viên và nhà nước chẳng ngó ngàng gì tới dân tình.

Lân bang tràn qua chiếm mỏ, lập căn cứ, có an ninh bảo vệ riêng: cấm nhà nước VN xâm phạm.

Đất biên giới mất. Đảo mất. Biển mất. Sông bị láng giềng xây đập, chận nước về xuôi. Rừng bán, cây trái nhổ gốc lên bán … ngay cả nhân công, đàn bà, con gái cũng đem bán.

Đừng đi du lịch Trung Quốc vì nguời Trung Hoa đã và đang sống cạnh bạn. Có gì để xem nơi đất khách quê người khi căn nhà, mồ mả tổ tiên của bạn đã, đang và sẽ bị bán cho ngoại nhân? Hãy đi từ Bắc vô Nam để thấy ngoại nhân tràn ngập khắp nẻo đường đất nước, kềm chế và thống trị qua kinh tế, tài chánh, thương mại …

Nhân dân ta còn gì ngoài tình người?

Hãy giúp nhau sống bằng tình người. Còn tình người, còn người lương thiện, còn người tử tế là còn Duy Nhân, còn Duy Dân và còn tất cả.

Đánh mất tình người là mất nhân tính, mất tất cả (cho dù bạn có bao nhiều tiền hay sống bất cứ nơi đâu, bạn chỉ là con thú hoang).

Để xây dựng lại VN, VN cần những con người tử tế. Chỉ có những người tử tế mới sống còn và sẽ sống để lập lại một VN tươi sáng và lương thiện.

Khi một học sinh lớp 10, biết mình học dốt, tự làm đơn xin nghỉ học để tránh cho thầy cô, bạn học… nhà trường một gánh nặng. Đó là một tuổi trẻ lương thiện, can đảm. Mong rằng người bạn trẻ sẽ kiếm được một cách mưu sinh cho qua những ngày đen tối của đất nước.

(Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi chí sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài (Lý Đông A).

TCL.Virginia

__________________________

Đọc thêm:

Thích Nhật Từ

Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết.

 

Tử tế là phẩm chất cao quý của con người. Người tử tế, do đó, không chỉ là người có phẩm chất cao quý mà còn là người biết sử dụng lòng tốt của bản thân, chia sẻ những nổi khổ niềm đau trong cuộc sống, nhằm góp phần xây dựng cuộc sống có giá trị.

Về ngữ nghĩa, tử tế là sự tốt bụng. Sống tử tế là sống có tấm lòng, từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng có khả năng góp phần tạo nên lối sống đẹp. Lòng tử tế, hiện hữu trong mỗi con người, trước nhất như một tiềm năng, do vậy, để có nó trong cuộc sống ta cần khai thác, nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển.

Vì là một phẩm chất nên sự tử tế không bỗng dưng mà có, cần được huấn luyện, hướng dẫn, học tập, rèn luyện để có được. Khi lòng tử tế đã có mặt, người sở hữu nó phải biết gìn giữ, ứng dụng và nhân rộng. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua những phẩm chất cao quý mà người tử tế cần có:

Tấm lòng nhiệt huyết 

Về bản chất, người tử tế vừa nhạy cảm, vừa năng động, vừa thích dấn thân. Nhạy cảm với những bất công, cảm thông với những nỗi đau, năng động với các việc nghĩa, dấn thân vào các công việc đáng làm. Tất cả chỉ vì một tấm lòng: không thể thờ ơ, bàng quan, lãnh cảm, an phận thủ thường, hay vô tích sự.

Nhờ phẩm chất này, người tử tế luôn năng động, tìm kiếm các việc nghĩa để góp phần phụng sự tha nhân, xây dựng cuộc sống trên hành tinh này ngày càng tốt đẹp hơn.

Nói cách khác, nơi nào có lòng nhiệt huyết, nơi đó xuất hiện nhiều việc nghĩa. Người nào có lòng nhiệt huyết, người đó sẽ không để cuộc sống của mình trôi qua một cách uổng phí và tiếc nuối. Với lòng nhiệt huyết, việc nặng thành nhẹ, việc lớn thành nhỏ, việc khó thành bình thường.

Nhiệt huyết vì việc nghĩa là sức sống bùng cháy, mãnh liệt như mặt trời không ngừng sự chiếu soi. Với nhiệt huyết, ta mở ra cho mình các cánh cửa cơ hội của việc tốt, việc nghĩa, việc có giá trị. Nhờ đó, cuộc sống này tăng thêm gia vị tình người.

Đức tính cao thượng 

Người tử tế nào cũng có đức tính cao thượng, bao dung, độ lượng. Người cao thượng, không trói tâm mình vào danh vọng, lợi dưỡng, phục vụ cho cái tôi và phe nhóm mình. Nhờ phẩm chất cao thượng, người tử tế biết quan tâm tới tha nhân với động cơ trong sáng, với hành động cao quý.

Trong mọi tình huống, người cao thượng suy nghĩ, quyết định, làm việc trên tinh thần “quang minh, chính đại”, hướng đến công bằng xã hội. Thậm chí có thể hy sinh các quyền lợi cá nhân để hướng đến đại cuộc.

Nói theo đức Phật, người tử tế với tâm cao thượng là người “vì phúc lợi, vì an lạc, vì lợi ích cho số đông”. Với phẩm chất cao thượng, người tử tế sống rất dung dị, gần gũi với cuộc sống, không ngừng nỗ lực phụng sự và đóng góp.

Biết quan tâm và giúp đỡ nhau 

Mỗi khi ngồi quan sát đàn kiến đang vội vã vác trên lưng chúng các thực phẩm to hơn chúng, dầu vất vả và nặng nhọc, các con kiến đã chào hỏi nhau, thể hiện sự quan tâm dành cho đồng loại.

Hành động đó, tưởng chừng như nhỏ lại có ý nghĩa nhân văn. Trong sự bôn ba, mưu cầu hạnh phúc, đôi lúc chúng ta quên đi sự quan tâm tới nhau, hỏi han nhau, giúp đỡ nhau.

Quan tâm tới tha nhân làm cho cuộc sống trở nên thân thiết, gần gũi, ấm áp tình người. Lời hỏi han, động viên, góp ý tưởng cho người khác đang bí lối… để lại ấn tượng tốt đẹp và sự khích lệ cần có.

Vượt lên trên loài vật, sự quan tâm của con người không nên là chủ nghĩa hình thức, qua loa, lấy lệ. Cần có ý thức về trách nhiệm quan tâm đến người thân và tha nhân trong xã hội.

Không cần phải quan tâm đến những điều xa vời, cao siêu, phi hiện thực. Từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng không tầm thường, sự quan tâm của ta về cuộc đời sẽ giúp cuộc sống có ý nghĩa.

Các nghĩa cử như cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con cái; con cháu quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, ông bà; làng xóm quan tâm lẫn nhau, mỗi người quan tâm đến tha nhân trong tương quan xã hội… góp phần tạo nên văn hóa tình người.

Quan tâm, chào hỏi không phải là việc gì quá to lớn đến độ không làm được, do đó, đừng để tâm mình trở nên khô khan, chai lì trước những bất hạnh của tha nhân.

Người thiếu quan tâm đến tha nhân chẳng khác nào có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe, có mũi mà không thở, lủi thủi một mình, lầm lì, vô cảm.

Quan tâm bằng lời thưa hỏi, quan tâm bằng hành động trợ giúp, quan tâm bằng sự cho đi… là những nghĩa cử tạo nên niềm vui và hạnh phúc trong đời.

Đức tính ban cho và giúp đỡ 

Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại trong tâm tưởng, mà cần thể hiện qua hành động từ bi, nhân ái, vị tha, vô ngã.

Người tử tế biết thống thiết với nỗi đau của kiếp người nên biết chia sẻ, hiến tặng, ban cho bằng cả tấm lòng.

Giúp đỡ người khác thực ra làm cho chính mình trở nên cao thượng.

Hiến tặng cho người khác thực ra là đang góp nhặt phước đức cho bản thân.

Phụng sự cho cuộc đời thực ra là đang làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa.

Không ai nghèo đến nỗi không thể cho người khác cái gì.

Cũng không ai giàu đến nỗi có thể cho tất cả mọi người trên hành tinh này.

Chia cắt một phần chi tiêu không cần thiết của bản thân và gia đình, tặng cho các mảnh đời kém may mắn hơn, là đang mang lại niềm hạnh phúc với tâm niệm ban cho như cứu khổ, người giúp đời, cứu người thấy rõ sống không phải là gom góp cho riêng mình mà là ban tặng, dâng hiến.

Như nguồn nước lưu thông, nước chảy đi rồi lại chảy về, mang thêm phù sa bồi đắp… Người ban cho sẽ không mất đi những thứ mình đang có, mà làm cho những thứ mình sở hữu trở nên có ý nghĩa hơn.

Trong nhiều tình huống, ta không nên mặc cảm với sự cho. Trao tặng kiến thức, tư vấn nghề nghiệp, giúp đỡ cơ hội, chỉ dẫn lối đi… là cho những chiếc cần câu, dù đòi hỏi đến công phu nhưng rất cần thiết.

Hiến tặng tạng, mô và hiến xác cho y học là đang trao tặng cho những người hữu duyên cơ hội “được tái sinh” một lần nữa ngay trong kiếp sống hiện tại ngắn ngủi này.

Nâng đỡ người có khả năng, giúp đỡ người nghèo khó, dẫn dắt người bí lối, truyền trao kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau… đều là những sự cho có giá trị.

Cho một lời khuyên đúng tình huống có thể tạo nên sự lên dây cót tinh thần. Đưa tay xuống cứu vớt một mảnh đời, tạo cơ hội cho người ngã quỵ đứng thêm một lần nữa… là những sự cho có ý nghĩa xây dựng cuộc sống. Đừng lỗi hẹn với sự cho.

Đừng chậm trễ và chần chừ. Đừng tiếc nuối và vô cảm. Khi chết đi, không ai có thể mang theo bất cứ vật gì tùy thân. Do đó, khi còn sống, đừng đánh mất cơ hội ban cho. Nói cách khác, người ban cho thì còn hoài. Người giấu diếm, tham luyến tài sản trở nên bủn xỉn, đôi lúc vô dụng. Hãy tập thói quen ban cho, thay vì chỉ biết gom góp về.

Sống tử tế còn bao hàm nhiều phẩm chất cao quý khác như chính trực, can đảm, chí công, vô tư, hy sinh, tận tụy… Lòng tử tế như một quặng mỏ, biết khai thác sử dụng sẽ làm cho nó trở nên có giá trị hơn.

Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế.

THÍCH NHẬT TỪ

(PhattuVietnam.net)

 

Bình luận về bài viết này