Nói Về Người Mẹ

Bài viết này xin gửi tặng vợ, các bà mẹ, các cô chuẩn bị là mẹ và các ông để hiểu được việc làm cực khổ của các bà mẹ.

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Chẳng biết câu nói này dựa vào thực tế hay là một câu nói để đổ hết lỗi lên trên đầu những người mẹ và bà.

Có lẽ trong quá khứ, người mẹ luôn luôn ở nhà để dạy dỗ con cái và người đàn ông đi làm cho nên không có thời gian để dạy con cái. Đó là chuyện ngày xưa. Còn ngày nay thì tại VN hay ở những quốc gia khác, bố mẹ đều phải đi làm, giao con cho nhà trẻ, nhà trường. Dĩ nhiên nhà trẻ, nhà trường đảm nhận một phần nào đó dạy dỗ đứa trẻ, phần còn lại, rất quan trọng, là do sự dạy dỗ từ bố mẹ. Trong trường hợp này nếu con cái hư thì không thể nào đổ thừa cho người mẹ mà là trách nhiệm của hai người.

Nhưng … (lại có chữ nhưng trong này, cuộc đời xem ra không đơn giản) nếu ai đó có diễm phúc (hy sinh thì đúng hơn) quyết định một người đi làm, người còn lại ở nhà lo con cái cho đến khi con cái trưởng thành. Vậy thì cái công việc dạy dỗ con cái với người đi làm ai cực khổ hơn ai? Và nếu đứa con sau này lớn lên hư hỏng thì đó là lỗi của ai?

Cái sai lầm lớn nhất của người Việt là cứ nghĩ rằng người ở nhà sướng hơn là người đi làm. Nên nhớ người ở nhà là hy sinh nghề nghiệp của mình để nuôi con, lo cho con miếng ăn, chăm sóc con khi bệnh và lúc con đến trường thì dạy dỗ, giúp đỡ con về những bài vỡ từ trường khi cần thiết. Tất cả những công việc đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và người mẹ luôn luôn có sự kiên nhẫn này. Tất cả những công việc đó thực ra không đơn giản mà là một gánh nặng về trách nhiệm và từ cái gánh nặng trách nhiệm đó, cái công việc của người làm mẹ (hay cha) ở nhà nuôi con, phải khẳng định là cực khổ hơn công việc của người cha (hay mẹ) đi làm. Chưa kể người mẹ ngoài chuyện làm trách nhiệm đối với con nhưng vẫn không quên lãng trách nhiệm của một người vợ lo cho chồng miếng ăn, cái mặc (đàn ông thường không để ý đến chuyện này cho nên bà vợ luôn luôn mua sắm cho chồng, đây là kinh nghiệm bản thân) sau những ngày làm từ công sở về nhà.

Công việc lo cho trẻ từ lúc sanh ra cho đến lúc đến trường là một công việc không đơn giản, công việc luôn luôn xảy ra không ngừng nghỉ và đôi khi người mẹ không có thời gian để ăn uống, lo cho chính bản thân mình.  Công việc này chỉ khoẻ một tí khi con đến trường học và trong khoảng thời gian đó — người mẹ mới có một tí thời gian nghỉ ngơi. Dĩ nhiên trong thời gian rãnh đó vẫn phải chuẩn bị lo cơm nước khi con cái học từ trường về, đồng thời giúp đỡ con cái làm bài vỡ cũng như đưa con cái đi những sinh hoạt (học nhạc, học võ, hay bơi lội) sau giờ học mà người cha không có thời gian để làm chuyện đó.

Khi viết những dòng chữ này thì tôi lại thương mến người vợ mình nhiều hơn. Tôi muốn nói như thế này:

Cám ơn em đã luôn luôn bỏ công sức ra để lo cho gia đình, lo cho con cái và lo cho cả chính anh. Anh cám ơn em bởi em thông cảm, không làm khó dễ nhiều — để ngoài công việc làm tạo ra tiền lo lắng cho gia đình, anh vẫn còn có thời gian để đọc và viết. Nghiệp viết đã ăn sâu vào máu của chính anh. Bởi ngày nào đầu óc anh vẫn còn đủ minh mẫn, trái tim vẫn đập nhịp thở nhân bản — thì anh không thể nào quên được những cái đang đau khổ xảy ra nơi đất nước mình.

Con người không đơn giản sống làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha mà còn phải làm tròn trách nhiệm của một Con Người đối với đất nước của chính mình. Cho dù anh đang sống ở Mỹ, nhưng trái tim anh luôn luôn hướng về đất nước kể từ khi anh 15 tuổi ở thời điểm 1975. Cho dù đã rời khỏi VN hơn 36 năm nhưng trái tim anh vẫn hướng về đó. Có lẽ đây là “nghiệp” bởi số đông người Việt sống tại Mỹ hay ở bất cứ quốc gia tự do nào — thì chuyện VN là của người Việt trong nước. Vâng! Đúng vậy. Người Việt trong nước phải tự giải quyết những khó khăn mà xã hội đang trực diện. Nhưng là người Việt sống ngoài nước, anh vẫn phải lên tiếng, tiếng nói thổn thức từ trái tim của chính mình đối với những đồng bào kém may mắn đang sống trong nước.

Không hẳn ai cũng có khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình qua ngòi bút, lời nhạc. Những ai có khả năng này thì cần phải làm nhiều hơn để đóng góp cho đất nước, để thế hệ nối tiếp có những hiểu biết mang nhiều trí tuệ hơn. Việt Nam trí tuệ đã bị thiêu huỹ từ năm 1954 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam. Chính cái trí tuệ bị phá sản đó tạo ra những thảm cảnh đau thương tại VN hiện giờ. Cho nên điểm khởi đầu là khai dân trí. Phải chăng chính sự khai dân trí mà người Mỹ đen đã đứng lên tranh đấu trong quá khứ để chúng ta, người Việt sống lưu vong, có những quyền bầu cử, ứng cử, bỏ phiếu của hôm nay? Không thể chối cải trình độ dân trí cao để thúc thấy người Mỹ đen xem thường tù tội, phá bỏ sợ hãi để đứng lên đấu tranh cho những gì chúng ta có hôm nay.

Việt Nam hiện giờ số đông dân trí còn quá thấp. Có thể nói rằng dân trí tại VN vẫn còn thua kém dân trí của thời cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Bởi thời của hai cụ Phan, rất nhiều người Việt yêu nước đứng lên chống lại thực dân Pháp. Còn bây giờ, số người Việt yêu nước đứng lên chống các thái thú thời đại là đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất) csvn (không xứng đáng để viết chữ hoa) quá ít — để rồi số người này tiếp tục thay phiên vào tù mà LS Nguyễn Văn Đài là một thí dụ điển hình. Chính vì dân trí quá thấp và là người sống ở xứ tự do, anh thấy mình cần phải có trách nhiệm trong việc khai dân trí này. Dĩ nhiên đây là công việc làm như hạt cát bỏ ở biển. Nhưng chính những hạt cát này sẽ thay đổi được ở tương lai, một tương lai mà có lẽ, anh không còn sống để nhìn.

Anh biết em cũng như nhiều người khác không thích chính trị, bởi khi nói đến chính trị thì là những cái rất là khô khan, không đẹp lắm. Điều này cũng dễ hiểu bởi chính trị của VN trong suốt 40 năm qua có gì để người dân quan tâm? Cái gì đãng cũng bao thầu và điều đau buồn hơn là sự không quan tâm này dẫn đến chuyện đãng càng ngày càng lộng hành, vô trách nhiệm, tiếp tục ăn trên ngồi trước, tiếp tục bóc lột dân mình. Phải chăng em cũng đã bực mình khi xem những đoạn quay nói về xã hội VN? Phải chăng em cũng đã bực mình khi nghe tin Trung Quốc, Lào xây đập thuỷ điện trên sông Cửu Long để đồng bằng Nam bộ đang trở thành vùng đất nước mặn, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều triệu người nhưng giới cầm quyền VN vô khả năng, vô trách nhiệm, vô tài — vẫn tiếp tục khua môi múa mép là mình đã biết cách giải quyết vấn đề?

Thái độ bực mình đã là hành động chính trị khởi đầu đấy em. Sự quan tâm chính trị là sự quan tâm đến cuộc sống của nhiều người mà trong đó có cả chính mình. Anh biết chúng ta đang sống tại Mỹ và dù em không quan tâm đến chính trị nhưng nếu chúng ta bị cơ quan cầm quyền sách nhiễu vô cớ, anh tin rằng, em sẽ trực tiếp đấu tranh cho chính gia đình mình. Người Việt của mình trong nước vẫn còn u mê lắm. Người miền Nam thì nghĩ rằng người miền Bắc là gốc cs không làm được gì thì mình không nên dại gì đứng lên chống cs. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai. Đây là suy nghĩ mà đãng cầm quyền muốn mọi người suy tư như vậy. Người dân mình chỉ dựa vào sức mạnh bên ngoài (chờ Mỹ giúp) mà không dựa vào chính sức mạnh của mình. Chẳng lẽ 87 triệu dân thua 4 triệu đãng viên? Như em đã có lần nói, không cần 87 triệu dân đứng lên, chỉ cần 1 triệu dân cho mỗi thành phố là đủ thay đổi được VN. Tiếc rằng con số 1 triệu này chưa thấy có khả năng xảy ra.

Một lần nữa, anh cám ơn em đã lo cho anh, cho con, cho gia đình mình. Dĩ nhiên anh biết trách nhiệm dạy dỗ con cái là do cả hai người. Tuy rằng anh vẫn đùa với em là Con Hư Tại Mẹ nhưng chính trong lòng anh, con hư là tại luôn cả bố. Chính vì thế mà dù rất bận rộn nhiều thứ, anh vẫn cố gắng dành thời gian để dạy con của mình. Mỗi người cách dạy khác nhau nhưng đây là sự cân bằng để con lớn trên trong nhiều góc nhìn khác nhau. Cám ơn em, người vợ, người mẹ của hai đứa con chúng ta. Người ta thường nói: đàn ông thành công hay thất bại đều có bàn tay của người đàn bà đứng phía sau. Anh nghĩ câu nói này không cường điệu. Bởi khi anh viết những dòng chữ này, nếu không có sự ủng hộ (bị ủng hộ hay tình nguyện ủng hộ vẫn là ủng hộ) thì anh không có những bài viết để gửi về quê hương. Mà nếu không viết được có lẽ … anh điên mất. Cũng có lẽ em hiểu điều này nên đành phải ủng hộ? Dù sao đi nữa, anh vẫn cám ơn em, người vợ quý mến của anh

Tháng 5 tại Mỹ là ngày Nhớ Mẹ. Mẹ mang một ý nghĩa rất lớn. Mẹ của chính mình, mẹ của con mình, mẹ của đất nước. Những người mẹ, những người vợ, cho dù ở bất cứ nơi đâu, cho dù có học hay không có học, đều là những bà mẹ luôn luôn hy sinh cho con cái của mình. Dĩ nhiên vẫn có những bà mẹ khuyến khích con cái mình làm chuyện xấu để có tiền sống sung sướng trên sự đau khổ của nhiều người. Những người mẹ thuộc dạng này là những người mẹ có Tim nhưng không có Trái Tim và bài viết này không dành cho những người mẹ như thế — bởi những người mẹ thuộc dạng này sẽ không bao giờ hiểu được những điều viết trong này.

Cũng trong ngày lễ mẹ, người viết mong mỏi là đấng nam nhi Việt của thời đại mới, nên suy nghĩ kỹ câu Con Hư Tại Mẹ, Cháu Hư Tại Bà. Nếu đó là sự thật thì phải chăng điều đó cho chính đấng Nam nhi bỏ bê con cái, để mặc cho Mẹ và Bà muốn dạy sao thì dạy để rồi con bị hư? Và vậy thì đấng nam nhi cũng có trách nhiệm chứ không phải chỉ là các bà.

Hãy cố gắng cùng các bà mẹ dạy dỗ con cái để chúng ta có một thế hệ Việt có trái tim nhân bản chứ không phải một thế hệ vong bản như hiện nay.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5 năm 2016

Dallas, TX

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này