Giải Mã Thông Tin (phần 1)

Nếu so thời đại của thế hệ đi trước thì hôm nay chúng ta được cái diễm phúc là chúng ta tiếp nhận nền thông tin đa chiều, không bị kiểm soát của lề đãng (cố ý viết dấu ngã). Nhưng trong cái thông tin đa chiều này chúng ta cần phải cẩn thận để giải mã những thông tin mà thoạt đọc qua tưởng là thật, có lý luận cao — nhưng bên trong của nó, người viết đang cố gắng dùng ngụy biện để cho chúng ta bị lừa (tin là thật) trước những ngụy biện của người viết, đặc biệt những người viết thuộc về thế hệ trước, thế hệ đã từng phục vụ đãng csvn, những người được gọi là “trí thức” dưới chế độ cộng sản Việt Nam.

Qua hệ thống mạng, chúng ta được đọc nhiều tin tức ở rất nhiều nguồn (lề trái lẫn lề phải) và nếu chúng ta không lọc lừa những thông tin mà chúng ta tìm hiểu, thì vô hình trung chúng ta lại tin tưởng vào những cái giả dối và vẫn nghĩ là sự thật. Vô hình trung chúng ta trang bị một hành trang kiến thức giả mà cứ nghĩ là thật. Vô hình trung chúng ta chia sẻ những thông tin đó đến người khác và tiếp tục chia sẻ những cái không phải là sự thật đến mọi người giống như báo lề đãng. Cũng đừng nghĩ rằng cái giả dối chỉ ở bền lề phải mà không ở bên lề trái. Thực ra cả hai bên đều có sự giả dối. Khác chăng là một bên chủ trương giả dối, tôn thờ giả dối. Còn một bên chủ trương nói sự thật bên kia, còn sự thật bên mình thì phải che hoặc phải giả dối một tí để tạo niềm tin từ quần chúng.

Là người đọc hay là người chuyển tãi thông tin, chúng ta nên ở trong trạng thái nghi ngờ những tin tức gọi là khó tin. Chúng ta phải sử dụng tri thức và những tài liệu trên mạng để giải mã những thông tin mà chúng ta đã đọc — hầu tránh sự lầm lẫn thông tin và vô hình trung chúng ta tin vào một điều hoàn toàn hoang tưởng, giả tạo.

Xin trình bày một vài thí dụ để hiểu rõ giải mã thông tin như thế nào.

Tối 31 tháng 10 năm 2015, giờ Hoa Kỳ, trên facebook xuất hiện tin tức và nguồn link với tựa đề “ Rạng sáng 01/11, Mỹ đã bắn tên lửa vào tàu chiến của Trung Cộng trên biển đông” và dẫn nguồn từ trangbao.com. Thông thường khi dẫn nguồn thì nội dung của bài báo sẽ hiện lên một phần với tựa đề của bài báo và những chữ kế tiếp “theo báo Dân Trí rạng sáng hôm nay 01/11 Mỹ đã bắn và đắm chiều nhiều tàu chiến của Trung Quốc ngoài biển đông …”. Nhưng nếu chúng ta vào nguồn link thì là một bản tin khác, không có nội dung đó. Đứng trước một tin tức gọi là to lớn này, khi một tờ báo mạng từ VN (báo lề đãng) đưa tin thì điều trước tiên chúng ta cần kiểm chứng tin tức này. Bởi thực sự Mỹ bắn vào tàu Trung Quốc, thế giới sẽ biết trong 10 phút đầu tiên khi sự kiện xảy ra và tin đó lập tức sẽ được tãi trên mạng ở khắp nơi trên thế giới. Lúc đó nếu là sự thật — chúng ta nên lấy dữ kiện của bản tin quốc tế mà chia sẻ, đừng dựa vào báo lề đãng bởi khả năng làm báo của lề đãng chưa hề có chất lượng trên lãnh vực làm báo ngoài khả năng bồi bút cho đãng. Tin này đã được lưu tãi trên FB và sáng ngày hôm sau đã được xin lỗi và xóa bỏ từ những người FB có trách nhiệm. Qua hình ảnh bên trên chúng ta thấy rằng tin tức chia sẻ từ lề dân đôi khi hoàn toàn sai lầm khi mà tin tức đó lại dựa vào nguồn của báo lề đãng. Chưa kể những người chia sẻ không vào đọc bài để xem nội dung ra sao trước khi chia sẻ trên FB.

Như đã nói từ lúc đầu, vấn đề giải mã thông tin là điều cần thiết, đặc biệt những loại thông tin do “trí thức” đào tạo dưới mái trường của đãng. Để dẫn chứng điều này, người viết muốn đưa ra lời nói của vài “trí thức” đào tạo dưới mái trường của đãng để cùng nhau giải mã những lời nói của họ.

Trong cuộc phỏng vấn cố giáo sư Đặng Phong, nhà nghiên cứu lịch sử VN cận đại, nghiên cứu kinh tế Việt Nam, do Hân Hương thực hiện được đăng lại trên trang blog của Ngô Minh (http://www.ngominh.vnweblogs.com/post/2246/295989) thì vị giáo sư này trả lời một câu hỏi sau đây:

“Nghe nói ông từng bị “đả đảo” ở Mỹ?

– Việc tôi du học Pháp, được họ giữ lại giảng dạy là “chuyện động trời” đối với một trí thức xã hội chủ nghĩa. Thêm chuyện trường ĐH Irvine (bang California – Mỹ) mời tôi từ Pháp qua luôn với họ, dư luận xôn xao rằng tôi đã “bị phương Tây mua rồi”. Ngại bị hiểu lầm, nên sau khi trao đổi thẳng thắn với một cán bộ đại sứ quán ta ở Pháp, tôi quyết định trở về nước. Rồi từ VN tôi mới qua Mỹ vào năm 1991.

Buổi giảng đầu tiên tại Irvine “Thực trạng kinh tế VN” khá ồn ào vì bị một số Việt kiều biểu tình “đả đảo”, đòi “Đặng Phong hãy nói về nhân quyền!” Họ đòi bằng được phải có đại diện vào giảng đường chất vấn. Tôi đồng ý, có ba người xấn vào nóng nảy lên án tình trạng tham nhũng ở VN và chính quyền tham quyền cố vị. Về tham những, tôi nói đúng có tham nhũng – nhưng chính quyền Sài Gòn trước kia tham nhũng gấp 10 lần cơ. Tôi làm sử kinh tế, có đầy đủ số liệu chứng minh, họ chịu. Còn tham quyền cố vị, thì chính quyền Thiệu, Kỳ… không hề muốn xuống ghế. Vì bản chất người cầm quyền có ai chịu tự nguyện rời chức vụ đâu? Tôi cũng chỉ là một công dân, có nguyện vọng chính quyền không nên tham quyền, và được bày tỏ nguyện vọng đó như mọi công dân khác.”

Trong phỏng vấn này, ông cố giáo sư dựa vào cái học của mình để rồi khẳng định là tham nhũng của chính quyền VNCH nhiều hơn so với tham nhũng của Xã Hội Chủ Nghĩa (thời điểm 1991) bởi ông có dữ liệu chứng minh. Đúng, ông là một nhà nghiên cứu, ông có dữ liệu chứng minh nhưng ông quên một điều, ông dựa vào con số nào để chứng minh là tham nhũng dưới thời VNCH cao hơn với tham nhũng của Xã Hội Chủ Nghĩa vào thời điểm 1991? Con số của đãng đưa ra? Và sự tham nhũng của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa thì ông lấy gì để chứng minh là con số đó hoàn toàn chính xác khi mà đãng là nơi đưa ra những con số đó, khi mà đãng viên tham nhũng nhưng miệng nói là không tham nhũng, khi mà cái cơ chế vào thời điểm đó (1991) làm láu, báo cáo thì hay? Ngay cả ngụy biện là chính quyền “Thiệu-Kỳ” không hề muốn xuống ghế cũng là một ngụy biện của “trí thức” Xã Hội Chủ Nghĩa. Việt Nam từ thời điểm 1975 đến thời điểm 1991 chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo. Thời Việt Nam Cộng Hoà nếu tính từ lúc chia đôi đất nước 1954 đến 1975, khoảng thời gian 21 năm — thì có đến ba bốn vị tổng thống. Vậy mà ông GS Đặng Phong này vẫn mạnh miệng dùng ngụy biện để chứng tỏ với mọi người là mình nói có sách, mách có chứng. Còn Xã Hội Chủ Nghĩa VN từ 1975 đến 1991 và đến hiện giờ chỉ có đãng csvn lãnh đạo đất nước và cái đãng này tàn bạo hơn bất cứ hình thức xã hội nào của người Việt trong quá khứ.

Cũng trong một cuộc phỏng vấn khác vào năm 2008 mà tác giả Ngọc Sơn ghi lại và được đăng lại trên blog của kimdunghn (https://kimdunghn.wordpress.com/2015/10/09/gs-dang-phong-noi-chuyen-voi-cac-ban-tre-2/), ông Đặng Phong nói như sau:

Hôm nay tôi nói chuyện với các bạn trẻ tức là tôi nói với tôi 50 năm về trước. Khi nói chuyện với các bạn trẻ thì tôi nhớ lại rằng khi tôi 20 tuổi, tôi nghĩ như thế nào, tình cờ theo cách gì, tôi đọc sách báo, nghe thầy/cô giảng thì tôi nghĩ gì? Hôm nay có một bước lùi 50 năm của đời tôi, nói chuyện với các bạn khiến tôi phải hình dung như tôi nói với chính tôi trước đây 50 năm. Nói như thế thì mình khởi đầu hơi xa một chút, bới nếu không thế các bạn trẻ sẽ không hiểu được khi đọc cuốn “Tư duy kinh tế” của tôi. Những người lớn hiểu, các bạn trẻ tôi chắc sẽ chưa hiểu được mục đích là tại sao thế hệ trước lại có nhiều cái huý kỵ như thế, lại sùng bái một số lý thuyết như kế hoạch hoá tập trung, công hữu xã hội chủ nghĩa, tại sao các cụ già mình lẩm cẩm thế, các bạn sẽ đặt câu hỏi là công xã mình tồi quá nhỉ?

Tôi muốn nói để các bạn hiểu thế hệ đó không tồi và nếu không có người giải thích, các bạn trẻ sẽ hiểu mấy ông già này cuồng tín quá. Phải trở lại với chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc; năm 1945, người Pháp đô hộ Việt Nam một cách tàn bạo vô nhân đạo khiến nền kinh tế của ta gần như không phát triển, chỉ có cướp bóc và cướp bóc. 80 năm để cho dân nước ta mù chữ, để dân phải đói khát, thiếu thốn, rách rưới, một năm giỏi lắm được 3 tháng ăn cơm còn lại ăn cháo, ăn sắn, ăn ngô…

Cái nền thống trị của thực dân Pháp mà để cho nền kinh tế Việt Nam như thế à? Tuy nhiên, có như thế mới nảy sinh ra Nguyễn Ái Quốc, mới có những chàng thanh niên tuấn tú, kiên cường đi tìm con đường để giải phóng đất nước. Nếu nước Pháp đối xử với Việt Nam như bây giờ thì ai đi giải phóng đất nước làm gì. Và trong cái bế tắc ấy thì rất nhiều người đi tìm các con đường khác nhau. Phong trào Cần Vương là muốn khôi phục lại triều đại phong kiến, hay phong trào Duy Tân thì muốn học Tây, học Nhật cũng đều không thành công. Rồi đến Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học đi kiếm mấy khẩu súng sau đó định đi cướp đồn địch, vẫn không có kết quả.

Có một đội ngũ duy nhất, đông đảo tài giỏi nhất đi tìm đến với chủ nghĩa Mác-Liên Xô, đó là con đường giải phóng Việt Nam. Tôi muốn nói kỹ về việc đó để các bạn trẻ hiểu rằng, thế hệ đó không dại dột. Đó là lớp người thông minh và kiên cường nhất Việt Nam thời kỳ đó. Và sự lựa chọn hữu ý ấy có cái lý của nó. Liên Xô khi đó đánh bại phát xít Đức, trở thành một cường quốc, đó là một tấm gương. Lựa chọn Lênin, chủ nghĩa xã hội là lựa chọn của đại đa số người dân thông minh nhất Việt Nam khi đó. Tôi muốn các bạn trẻ hiểu được điều đó để kính trọng những người đi trước kể cả những sai lầm của họ. Phải hiểu những sai lầm ấy là sự trả giá cho những cái đúng. Cái cơ bản là chúng ta huy động được toàn dân để giải phóng đất nước này, dành độc lập cho nước Việt Nam. Việt Nam có thể tự hào với thế giới vì chiến thắng Điện Biên Phủ, với đại thắng mùa xuân…”

Trong bài phỏng vấn này, ông Đặng Phong khuyến khích giới trẻ những điều rất là hay, rất thực tế. Nhưng cũng trong phỏng vấn này, ông đưa vào những điều mà chính cá nhân ông vẫn tiếp tục, theo truyền thống “trí thức” xã hội chủ nghĩa, luôn luôn cho rằng mình đúng, thế hệ đi trước là đúng qua phần trích bên trên. Chuyện thực dân Pháp cai trị độc ác ra sao thì lịch sử đã ghi rõ. Nhưng so với sự độc ác giữa Pháp đối với dân tộc Việt và giữa những người cộng sản Việt đối với dân tộc Việt thì có lẽ ông Đăng Phong nhìn thấy rõ chứ không phải là không. Nhưng vốn là “trí thức” của xã hội chủ nghĩa, ông luôn luôn nghĩ rằng sự lựa chọn chủ nghĩa Mác-Lê là sự lựa chọn đúng đắn của thời điểm đó. Kính trọng những người đi trước kể cả những sai lầm của họ là một ngụy biện nguy hiểm. Ông vẫn đi trên mây với chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân cho dù cái thực tế của đất nước vào cái thời điểm 2008 mà ông được phỏng vấn với thời điểm của hôm nay chẳng có gì khác biệt. Một xã hội đạo đức suy đồi, một xã hội mà đãng cầm quyền sẵn sàng bán biển đảo cho thiên triều, một xã hội mà đãng csvn nằm trên hiến pháp. Mục đích của cuộc cách mạng là gì? Phải chẳng là một chế độ độc tài toàn trị áp đặt trên dân tộc, quyền tự do hoàn toàn biến mất và cả dân tộc trở thành một đoàn cừu ngoan ngoan đi theo sự hướng dẫn của đãng csvn? Ông không dám nhìn nhận thực tế là toàn bộ dân tộc này đã bị đãng csvn lợi dụng cho sự nhuộm đỏ Việt Nam với một chủ thuyết không tưởng mà trong đó có chính cả ông, có chính cả những người đi trước ông trong cái gọi là Việt Minh của thời 1930. Đãng csvn thắng bởi họ biết tàn bạo và sự tàn bạo này dành cho tất cả mọi thành phần gồm cả những thành phần theo đãng csvn nhưng nếu cần thủ tiêu vì mục đích nào đó thì họ cũng sẵn sàng làm chuyện này. Đó là sự thật mà chính những người “trí thức” xã hội chủ nghĩa không dám nhìn nhận và vẫn cố bám vào cái lý tưởng hoang tưởng của họ để biện minh cho việc làm của họ trong quá khứ.

Người viết bài không muốn đánh giá một bài viết của một người đã nằm xuống. Tuy nhiên, một số trang mạng của “trí thức” xã hội chủ nghĩa tiếp tục đăng lại những bài viết của ông Đặng Phong cho nên người viết thấy rằng cần phải giải mã thông tin để mọi người thấy rõ bản chất của “trí thức” xã hội chủ nghĩa ra sao.

Chúng ta sẽ tiếp tục giải mã thông tin trong bài viết tới (phần 2) trong đó gồm có giải mã thông tin của bên những người chống lại đãng csvn.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 2 năm 2016

www.nganlau.com

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này